Ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Đề cao quyền lực của nhân dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/4/2013 | 9:08:31 AM

YBĐT - Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến việc phải làm thế nào để kiểm soát được quyền lực Nhà nước. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, khắc phục sự tha hóa, đưa quyền lực Nhà nước về với đúng nghĩa của nó là quyền lực của nhân dân.

Nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, Dự thảo tiến bộ và hoàn thiện hơn, thể hiện tính kế thừa những giá trị của Hiến pháp 1992, vừa điều chỉnh hợp lý những giá trị phản ánh đặc thù chính trị - pháp lý của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vừa tiến gần đến các giá trị chung của nhân loại về Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền.

Trong Dự thảo sửa đổi đã làm nổi bật một số nguyên tắc rất cơ bản về quyền lực của nhân dân, về tổ chức quyền lực Nhà nước, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, về tôn trọng và bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

Dự thảo đã bổ sung và phát triển nguyên tắc, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp năm 1992 quy định quyền lực Nhà nước được cấu thành từ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng chưa chỉ ra một cách rõ ràng cơ quan nào là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Dự thảo sửa đổi lần này qui định rõ Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Tổ chức bộ máy Nhà nước được phân công, phân nhiệm một cách minh bạch, đúng đắn là cơ sở để kiểm soát quyền lực. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, sự phân công, phân nhiệm là để các cơ quan thực thi có hiệu lực, hiệu quả quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến việc phải làm thế nào để kiểm soát được quyền lực Nhà nước. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Vậy kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, khắc phục sự tha hóa, đưa quyền lực Nhà nước về với đúng nghĩa của nó là quyền lực của nhân dân.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này còn hình thành thiết chế góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực Nhà nước là Hội đồng Hiến pháp (Điều 120) và Kiểm toán Nhà nước (Điều 122). Đó là những cơ quan có nhiệm vụ giúp cho Quốc hội và các cơ quan Nhà nước khác kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật; giúp Quốc hội kiểm soát việc quản lý, sử dụng nguồn tài sản quốc gia. Đây thật sự là những điểm rất mới của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Tuy nhiên, dư luận còn phân vân về thực quyền của Hội đồng Hiến pháp đến đâu. Nếu so với hội đồng bảo hiến và tòa án hiến pháp của các nước thì Hội đồng Hiến pháp chưa có quyền tài phán mà chỉ là cơ quan trợ giúp. Vấn đề là làm sao để Hội đồng Hiến pháp có thực quyền.

Hiến pháp sửa đổi thể hiện đề cao quyền lực của nhân dân trong thực hiện quyền lực Nhà nước, đó là quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện (Điều 6). Dân chủ trực tiếp là quyền ứng cử, bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân (Điều 28); có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan Nhà nước (Điều 29); quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Quyền dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc (Điều 9), Công đoàn Việt Nam (Điều 10) tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước. Như vậy, Dự thảo sửa đổi đã hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước của nhân dân bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Về Chương I: Chế độ chính trị, xin kiến nghị một số vấn đề như sau:

Về Điều 4: Cần khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng hơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội. Trên thực tế, ở các nước đảng cầm quyền là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vấn đề không phải ở chỗ đảng này hay đảng kia lãnh đạo Nhà nước mà là đảng ấy đại diện cho ai, vì lợi ích của ai.

Với bản chất cách mạng và tiên phong lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc, thực tiễn mấy chục năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cho nên cần ghi rõ một khoản của Điều 4 là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với Nhà nước và xã hội”.

Sau Điều 10 nên có một điều về vai trò, vị trí của thanh niên. Có thể khôi phục lại điều về thanh niên của Hiến pháp 1992. Ở đây không phải là vì có tổ chức chính trị này thì cũng cần đưa tổ chức khác của hệ thống chính trị vào mà vì vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên.

Về Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là chương có nhiều điều mới và bổ sung về quyền con người, quyền công dân cũng như nghĩa vụ cơ bản của công dân được mở rộng rất nhiều (có những quyền mà Hiến pháp 1992 chưa có). Nhưng cũng xin được đề nghị bổ sung một số điều: Điều 16 (mới), khoản 1, đề nghị bổ sung thêm từ “hợp pháp”: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền hợp pháp của người khác”.

Điều 21 (mới), đề nghị bổ sung thêm quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc (bởi đây là một điều ước quốc tế): “Mọi người có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Điều 26, đề nghị bổ sung thêm một khoản, tức là trong Điều 26 có 2 khoản, khoản 1 như trong Dự thảo, thêm khoản 2 là: “Không ai được xâm phạm hoặc lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin hội họp, lập hội, biểu tình làm phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích các tổ chức và cá nhân, vi phạm luật pháp”.

Đây là quyền rất cơ bản nhưng phạm vi quyền này lại rất rộng, vừa dễ bị xâm hại vừa dễ bị lợi dụng cho nên cần hiến định khoản 2 trong điều này là rất cần thiết. Chẳng hạn như quyền được tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin và thu nhận thông tin… nhưng lại phải gắn liền với trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội.

Anh Trần Anh Hải - Bí thư Huyện đoàn Yên Bình: Nên bổ sung một điều về giáo dục ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cho tuổi trẻ

Tôi đồng tình và nhất trí cao về kết cấu tổng thể và kết cấu nội dung của hầu hết các chương, điều nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đóng góp ý kiến vào Dự thảo, cá nhân tôi mong muốn bổ sung thêm một điều quy định cho tất cả đoàn viên, thanh niên sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự trước khi dự thi vào các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đại học… như các nước láng giềng quanh ta là Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a vẫn làm. Điều này không chỉ rèn giũa các bạn trẻ về lối sống kỷ luật, trách nhiệm với bản thân mà còn giáo dục ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Vấn đề này thực sự rất quan trọng vì thực tế, có một bộ phận nhỏ giới trẻ ngày nay đang sa vào lối sống hưởng thụ, sống thiếu lý tưởng.  

 Phạm Minh (thực hiện)

Hải Đường (Số nhà 1032, đường Yên Ninh, TP.Yên Bái)

Các tin khác
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn trong chuyến thị sát thủy điện Sông Tranh 2.

Sáng 9-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2014.

Binh sĩ Hàn Quốc tại một chốt kiểm tra quân sự ở thành phố biên giới Paju.

Việt Nam quan ngại sâu sắc về căng thẳng liên Triều, đề nghị Hàn Quốc cũng như Triều Tiên bảo đảm an toàn tính mạng cho công dân Việt Nam đang ở hai nước này.

Cử tri xã Phúc An nêu ý kiến đề nghị nâng cấp đường Đông Hồ tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XIII. (Ảnh: minh họa)

YBĐT - Thời gian qua, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) và các ban HĐND huyện Yên Bình tiếp tục có nhiều đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 9 dự án Luật. Trong đó, có nhiều dự án Luật quan trọng

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục