Ngành xây dựng Yên Bái: 55 năm phát triển và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/4/2013 | 9:02:14 AM

YBĐT - Kể từ khi thành lập đến nay, ngành xây dựng Yên Bái không ngừng đổi mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, kể cả nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất. Nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15 - 20%.

Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái Nguyễn Tiến Thành (giữa) kiểm tra công trình Trường mầm non Bông Sen (thành phố Yên Bái).
Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái Nguyễn Tiến Thành (giữa) kiểm tra công trình Trường mầm non Bông Sen (thành phố Yên Bái).

Ngày 29.4.1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng). Năm 1959, Ty Kiến trúc Yên Bái, Lào Cai được thành lập. Tháng 3/1976, hợp nhất 3 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đến tháng 11/1991 Hoàng Liên Sơn được chia tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Sở Xây dựng Yên Bái được tái lập và phát triển cho đến nay.

Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của mình, ngành xây dựng Yên Bái dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Xây dựng và sự giúp đỡ của các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát triển và trưởng thành không ngừng. Nhiều thế hệ cán bộ, công chức, đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân đã đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, thử thách trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt hành trình 55 năm qua, ngành xây dựng Yên Bái đã có bước phát triển vững chắc, có đủ khả năng và trình độ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng đất nước. Đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân của ngành không ngừng nâng cao hoàn thiện mình, từ chỗ hoàn toàn sử dụng thợ hợp đồng (khi mới thành lập), đến nay lực lượng của ngành đã là 4.448 người, trong đó 518 người có trình độ đại học và sau đại học, 653 người có trình độ cao đẳng, còn lại là trình độ trung cấp và sơ cấp, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Lực lượng cán bộ, công nhân trong ngành có đủ năng lực và trình độ để đảm đương thiết kế, thi công xây lắp tất cả các loại công trình dân dụng, công nghiệp từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài ra còn tham gia đấu thầu, đã thắng thầu và thi công các công trình giao thông như: đường giao thông, cầu treo, công trình thủy lợi và đường điện.

Nhà máy nước Yên Bình (Công ty cấp nước Yên Bái) mỗi năm cung cấp hàng vạn mét khối nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. (Ảnh: Trạm bơm số 2, Nhà máy nước Yên Bình).

Đi đôi với việc xây dựng phát triển nguồn nhân lực, ngành đặc biệt chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng cao năng lực thi công xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng. Ngành đã tập trung đầu tư trang thiết bị, xe, máy thi công và xây dựng các cơ sở sản xuất. Từ chỗ phương tiện vận tải và công cụ sản xuất đều thô sơ, đến nay đã có phương tiện cơ giới thiết bị thi công, sản xuất hiện đại đáp ứng với yêu cầu của công việc, thị trường và công nghệ xây dựng, thiết bị kiểm định mới.

Những đơn vị đã chú trọng về đầu tư nhiều máy móc thiết bị và thiết bị hiện đại là: Nhà máy Xi măng Yên Bái; Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng và các công ty xây lắp. Khi mới thành lập, Yên Bái chỉ có 1 xưởng gạch Hợp Minh và 1 lò vôi Văn Phú do Ty Công nghiệp bàn giao sang, đến nay có 4 cơ sở gạch ngói lớn là: Xuân Lan, Tuy Lộc, Hợp Minh và Văn Yên với công suất trên 50 triệu viên/năm, 1 mỏ đá Mông Sơn với trữ lượng rất lớn, 1 nhà máy xi măng công suất 350 nghìn tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng của Nhà nước và nhân dân.

Đặc biệt, hiện nay Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã đầu tư và chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng lò đứng sang công nghệ lò quay với công suất 350 nghìn tấn/năm; Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái đã mở rộng dây chuyền 2 của Nhà máy gạch Xuân Lan và đầu tư thêm 1 nhà máy mới tại huyện Văn Yên nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời giữ vững được thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp. Đến nay, tài sản cố định của toàn ngành đã lên tới gần 1.500 tỷ đồng,  trong đó khối xây lắp 560 tỷ đồng, khối sản xuất công nghiệp 800 tỷ đồng, khối tư vấn 50 tỷ đồng.

Về công tác xây lắp đối với công trình xây dựng dân dụng, từ chỗ xây dựng chủ yếu là nhà cấp IV, 1 tầng và một số ít công trình 2 tầng của những năm đầu mới thành lập, đến nay các công ty xây dựng của ngành đã xây dựng được nhà nhiều tầng, yêu cầu kỹ, mỹ thuật cao; xây dựng được tất cả các công trình công nghiệp phức tạp như: nhà máy sứ, nhà máy gạch, nhà máy xi măng.

Năng lực thi công xây lắp của ngành hiện đã đáp ứng được yêu cầu đối với các công trình đòi hỏi chất lượng, kỹ, mỹ thuật cao và công nghệ xây dựng, lắp đặt mới. Trong những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng sản lượng thi công trung bình hàng năm (giai đoạn 2008 - 2013) đạt trên 800 tỷ đồng. Năng lực thi công xây lắp của ngành đã có đủ sức mạnh để cạnh tranh đối với thị trường xây lắp và phát huy được nội lực, làm chủ thị trường xây lắp của tỉnh.

Năng lực thiết kế của ngành cũng liên tục phát triển. Từ chỗ chỉ thiết kế được những tòa nhà đơn giản, có quy mô nhỏ đến nay đã có thể thiết kế được các công trình có quy mô lớn, hình khối đẹp lại phù hợp với công năng sử dụng, được nhiều người trong và ngoài tỉnh khen ngợi. Lực lượng thiết kế của ngành đã từng bước được tín nhiệm với một số công trình ở ngoài tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ.

Kể từ khi thành lập đến nay, ngành xây dựng Yên Bái không ngừng đổi mới, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, kể cả nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất. Nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 15 - 20%. Lợi nhuận bình quân hàng năm đạt trên 35 tỷ đồng. Nộp ngân sách bình quân trong những năm gần đây đạt trên 30 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Với những kết quả đã đạt được, Sở Xây dựng Yên Bái đã nhiều năm liên tục được Bộ Xây dựng tặng cờ thi đua xuất sắc; UBND tỉnh tặng bằng khen và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Hai. Có rất nhiều tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu Tổ lao động xã hội chủ nghĩa, Chiến sĩ thi đua, bằng khen của Bộ Xây dựng; Giám đốc Sở được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2011; Chính phủ tặng bằng khen năm 2012.

Ban chấp hành Công đoàn ngành xây dựng Yên Bái khóa X, nhiệm kỳ 2013 - 2018.

Với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh quản lý xây dựng cơ bản, thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Sở đã trình UBND tỉnh quyết định thành lập Công ty Tư vấn giám sát và Trung tâm Kiểm định xây dựng nhằm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để tăng cường trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, điều hành dự án và các đơn vị tư vấn, từng bước loại bỏ tình trạng khép kín trong xây dựng cơ bản; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư và xây dựng, đặc biệt đối với chất lượng công trình. Do đó trên địa bàn tỉnh không để xảy ra sự cố công trình, không có công trình kém chất lượng. Toàn ngành có hàng chục công trình và nhiều sản phẩm đạt huy chương vàng và công trình đạt bằng công nhận công trình chất lượng cao.

Công tác quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn đã có bước tiến vững chắc. Đến nay, tỉnh Yên Bái có 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V. Hầu hết các xã, phường đều được quy hoạch, từng bước hình thành các trung tâm xã, cụm xã. Đặc biệt, thành phố Yên Bái đến nay đã trở thành đô thị loại III, là một trong những đô thị trẻ có tốc độ phát triển nhanh, nhất là 10 năm trở lại đây.

Phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong những năm tiếp theo, ngành tiếp tục nâng cao trình độ quản lý của cán bộ lãnh đạo và năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý để có thể đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước; tiếp tục đổi mới cán bộ, mạnh dạn tăng cường cán bộ trẻ có năng lực để thay thế những cán bộ không đủ trình độ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành xây dựng; thực hiện tốt công tác thống kê, dự báo, quy hoạch, kế hoạch của ngành; tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế; nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; tập trung thực hiện tốt hơn công tác quản lý quy hoạch, công tác thiết kế dự toán và chất lượng công trình, chất lượng sản phẩm.

Cùng đó, đẩy mạnh công tác sắp xếp, nâng cao hiệu quả đổi mới doanh nghiệp; hình thành tổ hợp doanh nghiệp có đủ năng lực, thi công các dự án lớn; chú trọng xây dựng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, xây dựng chiến lược, kế hoạch trong từng giai đoạn, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt coi trọng quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, thiết bị và năng lực sản phẩm với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Sở Xây dựng Yên Bái

Các tin khác

Thân ái gửi cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động đã và đang công tác trong ngành Xây dựng Yên Bái!

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah.

Nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22, tối 24/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị.

Ngày 24/4, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức phát hành Bản đồ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12”.

YBĐT - Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam vừa tổ chức lễ thông hầm gói thầu A6 Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái)/ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thăm và làm việc tại Yên Bái/ Tỉnh uỷ Yên Bái tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 5 ( khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc/

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục