Kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2013)

Tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/5/2013 | 2:40:46 PM

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3/5/1946 - 3/5/2013), phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái về những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh thăm hỏi đời sống đồng bào vùng cao.
(Ảnh: P.S)
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh thăm hỏi đời sống đồng bào vùng cao. (Ảnh: P.S)

P.V: Xin ông cho biết đôi nét về quá trình hình thành và phát triển của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc?

Ông Hoàng Trung Năng: Ngày 3/5/1946, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 58 về tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.

 

Ông Hoàng Trung Năng

Chính phủ có Nghị định số 359 ngày 9/9/1946 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số, ngày đó được lấy là Ngày thành lập cơ quan làm công tác dân tộc. Đến ngày 14 tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và chính thức từ năm 2009 trở đi, ngày 3 tháng 5 hàng năm được qui định là Ngày truyền thống của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.

67 năm từ khi được thành lập, trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở mỗi thời điểm lịch sử, công tác dân tộc có những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau để phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, công tác dân tộc được nâng lên tầm cao mới là: “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”.

- Ở tỉnh Yên Bái, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc được kiện toàn và phát triển như thế nào, thưa ông?

Cùng với sự ra đời của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trong cả nước, ở tỉnh Yên Bái, cơ quan công tác dân tộc đồng thời được thành lập. Cụ thể là từ năm 1946 đã thành lập Ban Dân vận ở tỉnh và các huyện, thị có tiểu ban dân tộc vận và tiểu ban vận động miền núi. Từ năm 1951 đến năm 1961, thành lập Ban Dân tộc vận của tỉnh. Từ năm 1961 đến năm 1976, thành lập Tiểu ban Dân tộc vận từ tỉnh đến các huyện, thị. Từ năm 1976 đến năm 1981, công tác dân tộc nằm trong Ban Dân vận - Mặt trận của tỉnh. 

Từ  năm 1981 đến năm 1991, công tác dân tộc nằm trong Ban Dân vận của tỉnh. Từ năm 1991 đến tháng 7 năm 2000, thành lập Ban Dân vận - Dân tộc thuộc Tỉnh ủy và đồng thời với hệ thống tổ chức trên, khối Nhà nước có Ban Định canh - Định cư, Chi cục Định canh Định cư và Vùng kinh tế mới trực thuộc Cục Định canh Định cư và Vùng kinh tế mới - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện.

Từ tháng 7/2000 đến tháng 2/2005, Ban Dân tộc Miền núi được thành lập là cơ quan chuyên môn ngang sở, trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở đổi tên Chi cục Định canh Định cư và Vùng kinh tế mới.

Từ tháng 3/2005 đến nay, thực hiện Nghị định 53/2004/NĐ-CP ngày 18/2/2004 của Chính phủ, Thông tư 246/2004/TTLT-UBDT-BNV, Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-UBDT-BNV ngày 17/9/2010 của Liên bộ Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 74/QĐ-UB ngày 3/3/2005, Quyết định số 521/QĐ-UBND ngày 19/4/2011 về việc kiện toàn tổ chức bộ máy và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái. Ban Dân tộc tỉnh đã được thành lập trên cơ sở đổi tên Ban Dân tộc và Miền núi trước đây.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian vừa qua?

Những năm qua, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số dự án đầu tư của tỉnh phải xem xét, cân đối cắt giảm nhiều nhưng các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc đều được tỉnh Yên Bái ưu tiên với mức cao như: Chương trình 135 giai đoạn II; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn...

Trong 3 năm (2010 - 2012), các dự án, chính sách đó đã được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái với số kinh phí trên 587 tỷ 053 triệu đồng. Trong đó, một số dự án, chính sách thực hiện đạt hiệu quả cao như: Chương trình 135 giai đoạn II, giá trị thực hiện đạt trên 437.000 triệu đồng; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg đạt trên 40 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 1592/QĐ-TTg thực hiện đạt trên 39 tỷ đồng; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg đạt trên 54 tỷ đồng…

Thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc đã góp phần quan trọng giúp đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đến nay, các địa bàn vùng đồng bào dân tộc cơ bản ổn định và phát triển; một số hủ tục lạc hậu giảm đáng kể; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

-Trong thời gian tới, công tác dân tộc ở tỉnh Yên Bái cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu gì, thưa ông?

Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tỉnh Yên Bái thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả và thành tích quan trọng. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, thực tế hiện nay, vùng đồng bào dân tộc đang còn rất nhiều khó khăn, còn tiềm ẩn những vấn đề tiếp tục phải quan tâm như: tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh; nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; một số chính sách dân tộc chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ, sát với thực tiễn...

Quá trình thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc còn bộc lộ một số hạn chế như: tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với một số chính sách dân tộc, ở một số địa phương đạt chưa cao như mong muốn; công tác phối hợp thực hiện giữa Ban Dân tộc với các ngành liên quan trong việc triển khai các dự án, chính sách dân tộc có lúc còn có biểu hiện chưa thực sự thống nhất, nhịp nhàng...

Do đó, trong thời gian tới, công tác dân tộc ở Yên Bái cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước tới đồng bào vùng dân tộc với phương pháp và hình thức phù hợp.

Thứ hai: Tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng vùng đồng bào dân tộc và miền núi; thực hiện tốt công tác qui hoạch, xây dựng kế hoạch giai đoạn, hàng năm đối với vùng đồng bào dân tộc; kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh, không sát với thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp đồng thời nghiên cứu, ban hành những chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc.

Thứ ba: Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các dự án đầu tư, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc một cách hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương.

Thứ tư: Huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thứ năm: Qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; có chính sách ưu đãi thỏa đáng thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ, có năng lực đến công tác ở vùng cao.

Thứ sáu: Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình ở cơ sở, giúp cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện các dự án, chính sách dân tộc.

Thứ bảy: Tiếp tục tăng cường, củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Các tin khác

Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ 15/6/2013, người có công với cách mạng được hỗ trợ 20-40 triệu đồng để sửa chữa, xây mới nhà ở.

Vua Willem Alexander tuyên thệ trong buổi lễ tại nhà thờ Nieuwe Kerk.

Nhân dịp Nhà Vua Vương quốc Hà Lan Willem Alexander đăng quang, ngày 2/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện mừng.

Ông Giàng A Chu (người đứng thứ 2 từ phải sang) trao đổi với cử tri xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Ngày 2/5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 13 tỉnh Yên Bái do ông Giàng A Chu – Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội và bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm – Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Đại biểu Quốc hội khóa 13 tỉnh Yên Bái đã có buổi tiếp xúc cử tri xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải.

Đồng chí Lê Hoàng Quân - Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ của Kiểm toán Nhà nước.

YBĐT - Ngày 2/5, Kiểm toán Nhà nước Khu vực VII đã tổ chức lễ trao quyết định bổ nhiệm, điều động cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng. Đồng chí Lê Hoàng Quân - Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước dự và trao các quyết định bổ nhiệm cán bộ của Kiểm toán Nhà nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục