Không lấy phiếu tín nhiệm trường hợp ông Vương Đình Huệ
- Cập nhật: Thứ bảy, 18/5/2013 | 7:30:21 AM
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng thời là người phát ngôn của Quốc hội cho biết sẽ không lấy phiếu tín nhiệm trường hợp ông Vương Đình Huệ tại cuộc họp báo quốc tế thông báo chương trình, nội dung kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII chiều 17-5.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo
|
Lý do, “người được lấy phiếu tín nhiệm phải hội tụ hai yếu tố: một là phải thuộc 49 chức danh quy định như trong nghị quyết của Quốc hội; hai là người giữ chức danh đó phải đủ một năm công tác trở lên. Dự kiến Quốc hội sẽ miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Tài chính trước khi lấy phiếu tín nhiệm, như vậy đương nhiên đồng chí Vương Đình Huệ không phải lấy phiếu nữa, đồng chí nào được phê chuẩn vào chức danh này cũng không đủ điều kiện lấy phiếu” - ông Phúc giải thích.
Ông Phúc cho biết những vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm như khai thác bôxit, các dự án thủy điện, vấn đề quản lý vàng… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có các báo cáo liên quan để gửi tới đại biểu Quốc hội.
Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 5 ngày 20-5 và dự kiến bế mạc ngày 22-6. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, một nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác.
Quốc hội sẽ nghe, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội về các nội dung này…
“Đây là kỳ họp có nhiều vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm như dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật đất đai (sửa đổi). Đặc biệt, kỳ họp thứ 5 sẽ là kỳ họp đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn, với 49 chức danh lãnh đạo” - ông Phúc bình luận.
Người phát ngôn của Quốc hội cũng đề nghị báo chí tích cực phối hợp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan các hoạt động của kỳ họp đến nhân dân.
Ngoài hai ngày rưỡi Quốc hội tiến hành phiên chất vấn, nhiều phiên làm việc có nội dung quan trọng khác sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi. Tổng thời gian phát thanh, truyền hình trực tiếp là 9 ngày.
(Theo TTO)
Các tin khác
Chiều 17-5, Văn phòng Quốc hội (QH) đã tổ chức họp báo công bố nội dung chương trình kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII.
YBĐT - Ngày 17/5, Công an tỉnh Yên Bái tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “CAND học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” giai đoạn 2008-2013; sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì dân phục vụ”.
Sáng 17/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố những nội dung mới của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
YBĐT - Cách đây 40 năm, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101-CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng. Từ đó ngày 21 tháng 5 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng kiểm lâm Việt Nam.