Quốc hội thảo luận các dự án luật: Tiêu chuẩn hòa giải viên phải là có đạo đức và uy tín trong cộng đồng dân cư
- Cập nhật: Thứ sáu, 31/5/2013 | 3:58:32 PM
YBĐT - Ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hòa giải cơ sở. Thảo luận tại tổ về hai dự án luật: Luật Tiếp công dân và Luật bảo vệ và Kiểm dịch động vật.
Các đại biểu thảo luận tại tổ về Luật Tiếp công dân và Luật bảo vệ và Kiểm dịch động vật
|
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Hòa giải cơ sở. Theo đó, Dự thảo Luật Hoà giải cơ sở được trình Quốc hội thông qua gồm 5 chương, 33 điều, đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng Nhà nước khuyến khích các hoạt động này để tiếp tục duy trì, thúc đẩy các hình thức hoà giải khác nhằm phát huy sức mạnh và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng.
Đối với việc bầu hay lựa chọn hoà giải viên, các ý kiến đề nghị tránh hành chính hoá, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và đơn giản thủ tục, sau khi UBND xã công nhận hoà giải viên phải công bố công khai cho nhân dân biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) cho ý kiến về Luật Hòa giải ở cơ sở.
Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về việc bầu hòa giải viên, kinh phí cho hoạt động hòa giải và chi trả cho hòa giải viên. Tham gia ý kiến thảo luận tại hội trường về một số nội dung liên quan đến phạm vi hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên và phương án bầu hay lựa chọn hòa giải viên trong Luật Hòa giải ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) cho biết: Về phương án bầu hay lựa chọn hòa giải viên (Điều 8), đại biểu Nhiệm cũng như nhiều ý kiến của các đại biểu đều nhất trí lựa chọn phương án 1 là bầu và công nhận hòa giải viên. Hoạt động hòa giải là hoạt động tự nguyện nhưng tiêu chuẩn hòa giải viên phải là người hiểu biết pháp luật, có đạo đức và uy tín trong cộng đồng dân cư.
Nhiều đại biểu cho rằng, kinh phí bồi dưỡng cho hòa giải viên quá thấp. Hòa giải viên phải gắn với những công việc hết sức vất vả và phải mất nhiều thời gian nhưng chi phí bồi dưỡng cho hòa giải viên hiện nay rất thấp. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho hòa giải viên trong các vụ việc hòa giải, dù hòa giải đó có thành công hay không.
Trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu tiếp tục cho ý kiến về Dự án Luật Tiếp công dân và Dự án Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành hai luật này. Tuy nhiên, vẫn còn những đại biểu băn khoăn về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ và phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Bên cạnh đó các ý kiến về kiểm dịch thực vật; về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi, tiêu hủy, thu gom và xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, cũng được các đại biểu đề cập. Đồng thời, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm nhập khẩu và nhân nuôi sinh vật gây hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) góp ý về nội dung sử dụng thuốc BVTV
Cho ý kiến về nội dung về sử dụng thuốc BVTV, đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) cho rằng: Trong Điều 9 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật chưa qui định nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, nhằm nâng cao trách nhiệm đối với mạng lưới phòng, chống dịch. Luật này cũng có nhiều điểm mới quy định về việc tổ chức tập huấn cho người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, đại biểu Bình cũng băn khoăn nêu ý kiến: hiện nay, tỷ lệ người nông dân trên cả nước chủ yếu sử dụng thuốc bảo vệ thực rất cao, vì vậy việc tập huấn như thế nào và có thực sự khả thi, đặc biệt là đối với nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Việc tổ chức tập huấn cũng cần có bộ máy, cấp kinh phí hoạt động và đề nghị đưa vào quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, các đại biểu của đoàn Yên Bái, Sóc Trăng, Quảng Trị và Điện Biên cũng tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Tiếp công dân. Luật này gồm 10 chương, 61 điều quy định việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền trong việc tiếp công dân; việc xây dựng trụ sở đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.
Đức Toàn
Các tin khác
Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La, sáng 31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội, tham dự và phát biểu chính tại Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 tại Singapore từ 31/5-1/6/2013.
YBĐT - Ngày 30/5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012 và những tháng đầu năm 2013.
Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng nay 30/5, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ báo cáo trước Quốc hội về hiệu quả của chính sách quản lý thị trường vàng theo cơ chế mới; kết quả cụ thể việc giải quyết nợ xấu và khả năng xử lý…
Ngày 29-5, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ ĐBQH đã được chuyển tới các ĐBQH. Trong đó, nội dung đáng lưu ý được nhiều ĐBQH đề cập là tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp. Có xử lý tốt vấn đề biển Đông mới đạt được mục tiêu ổn định lâu dài để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội. Bên hành lang kỳ họp QH chiều 29-5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.