Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
- Cập nhật: Thứ hai, 3/6/2013 | 4:00:11 PM
YBĐT - Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 3/6, dưới sự điều khiển phiên họp của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
|
Trong phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều ý kiến, nhất là về các vấn đề lớn được cử tri quan tâm như giữ nguyên tên nước, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, vấn đề sở hữu đất đai, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, những quy định đối với các thành phần kinh tế, việc phân chia địa giới hành chính…
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nêu ý kiến về Chương 1, Điều 1, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý giữ nguyên tên nước như hiện nay là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng CNXH và phát triển đất nước, bảo đảm tính ổn định. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã quen thuộc với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Mặt khác, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa Xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, phải thay đổi quốc huy, quốc hiệu, gây phức tạp, tốn kém về kinh tế… trong khi đất nước ta còn đang rất khó khăn nên việc thay đổi tên nước hiện nay là chưa cần thiết.
Thảo luận về Điều 4, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng: việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Nhiều ý kiến tán thành với nội dung Điều 4 như Dự thảo đã công bố, vì đã thể hiện một cách đầy đủ các nội dung và tinh thần của Cương lĩnh, Điều lệ Đảng về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Một nội dung quan trọng được nhiều nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân và đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến là vấn đề về sở hữu đất đai được quy định tại Điều 57 và Điều 58 quy định về thu hồi đất, nhiều ý kiến cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục khẳng định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là phù hợp. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên cách dùng khái niệm sở hữu toàn dân và không quy định đa sở hữu về đất đai.
Vấn đề chính quyền địa phương nhận được sự quan tâm của hầu hết các đại biểu Quốc hội và ý kiến vẫn còn khác nhau. Đa số ý kiến các đại biểu lo ngại vì Dự thảo sửa đổi chưa làm rõ hình hài của mô hình chính quyền địa phương. Nhiều đại biểu cho rằng, chính quyền cơ sở rất quan trọng nhưng hoạt động còn hạn chế, HĐND nhiều nơi hoạt động kém hiệu quả. Việc thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường nhưng chưa được tổng kết. Chứng tỏ vấn đề rất phức tạp, nhân dân ở những nơi đó cũng băn khoăn. Các tỉnh thành thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành và lựa chọn phương án 2, giữ nguyên như hiện nay, ở đâu có cơ quan hành chính thì có cơ quan giám sát. Cần tổng kết việc thí điểm bỏ HĐND quận huyện, phường, lắng nghe ý kiến nhiều chiều để có quyết định đúng. Việc tổng kết cần phải hoàn tất trước kỳ họp thứ 6 để Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có lựa chọn đúng. Nhất thiết không được cắt bỏ quyền làm chủ của nhân dân. Có đại biểu cũng cho rằng: nếu bỏ HĐND thì ai là người đại diện cho nhân dân, ai giám sát cơ quan hành chính. HĐND gần dân, đại diện cho nhân dân, hiểu dân, góp phần đem lại lòng tin của nhân dân vào chính quyền. Đa số HĐND đều hoạt động tốt, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Không thể vì một số nơi hoạt động kém hiệu quả mà xóa bỏ HĐND, làm mất đi chỗ dựa tin cậy của nhân dân.
Hội đồng Hiến pháp cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất không cần thiết thành lập hội đồng này mà giữ nguyên như cơ chế hiện nay, cùng với đó tăng cường thực quyền các cơ quan Quốc hội để bảo đảm vai trò giám sát. Sửa đổi lần này đề cập đến Hội đồng Hiến pháp, nhưng nếu như dự thảo thì hội đồng này cũng như hoạt động của các ủy ban khác. Vì vậy, không tán thành thành lập hội đồng này. Các đại biểu Quốc hội cho rằng: cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét về chức năng, quyền của hội đồng này. Cần xác định quyền của hội đồng này thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của Quốc hội giao cho.
Cũng trong phiên thảo luận ngày 3/6, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc hiến định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm bình đẳng của các thành phần kinh tế, không cần ghi kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, không cần liệt kê các thành phần kinh tế. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên Điều 10 đối với tổ chức công đoàn Việt Nam, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội... và tham gia thảo luận sôi nổi về một số nội dung khác có liên quan đến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 4/6, Quốc hội sẽ tiếp tục tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Qua hai năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục có kết quả bước đầu những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm...
YBĐT - Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hoà giải cơ sở; Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh làm việc với Sở Nội vụ, triển khai đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức", Yên Bái tổ chức Lễ công bố và đón nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Suối Giàng cho sản phẩm chè của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái ... là những tin tức thời sự nổi bật diễn ra từ ngày 30/5 - 2/6.
Ngày 31/5, tại trụ sở Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính cho ông Đinh Tiến Dũng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước.