Tăng cường quản lý, xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh vận tải
- Cập nhật: Thứ hai, 9/9/2013 | 8:25:50 AM
Sau đợt thanh tra hoạt động vận tải tại 18 địa phương vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xử phạt, tước giấy phép nhiều đơn vị vận tải vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe gần khu vực cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh).
|
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT); phê bình, nhắc nhở các địa phương buông lỏng quản lý. Ðồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, xử lý nghiêm doanh nghiệp (DN), chủ phương tiện, nhằm giải quyết triệt để, tận gốc vi phạm.
Buông lỏng quản lý
Tính đến giữa tháng 8, cả nước có gần 111 nghìn xe ô-tô chở khách, gần 670 nghìn xe ô-tô vận tải hàng hóa các loại đang hoạt động. Các Sở GTVT đã cấp hơn 8.000 giấy phép KDVT bằng xe ô-tô cho các đơn vị KDVT; trong đó, có 7.660 giấy phép KDVT hành khách, 424 giấy phép KDVT hàng hóa bằng công-ten-nơ. Mạng lưới tuyến vận tải khách cố định bằng ô-tô có hơn 5.000 tuyến, với gần 20 nghìn xe đang hoạt động. Bảy tháng qua, vận tải khách bằng đường bộ đạt gần 1,6 tỷ lượt khách (chiếm 91,7 sản lượng toàn ngành và tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước). Kết quả này cho thấy, vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ đạo trong hệ thống vận tải ở nước ta và đây cũng là phương thức vận tải để xảy ra nhiều lỗi vi phạm, chiếm gần như tuyệt đối về số vụ tai nạn, va chạm giao thông và tỷ lệ thương vong. Theo đánh giá của Bộ GTVT, trong khi các quy định pháp luật cấp T.Ư được ban hành tương đối đầy đủ, thì "lỗ hổng" quản lý lại xuất hiện dày đặc trong công tác cấp phép, hậu kiểm tại các địa phương. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải bằng xe ô-tô, 16 trong số 63 địa phương chưa có phòng quản lý vận tải thuộc Sở GTVT. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện KDVT còn bị buông lỏng, xử lý thiếu kiên quyết, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị, DN và bến xe khách liên tục vi phạm. Tình trạng xảy ra phổ biến hiện nay là, các HTX, DN vận tải chỉ đứng ra làm đầu mối pháp lý mà không tổ chức thực hiện các điều kiện KDVT theo quy định. Các chủ xe cá nhân đứng ra "thuê tư cách pháp nhân" của đơn vị, việc quản lý và điều hành xe KDVT phó mặc chủ xe, lái xe tự chịu trách nhiệm kinh doanh.
Quy mô nhiều DN vận tải còn quá manh mún, nhỏ lẻ, trong đó có tới 50% số DN, HTX vận tải chỉ có từ một đến ba xe. Nhiều HTX, DN ký hợp đồng lao động với lái xe, nhân viên phục vụ để hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy phép KDVT, nhưng trên thực tế không quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên, là nguyên nhân chủ yếu khiến lái xe vi phạm tốc độ, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông, người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được bảo vệ quyền lợi. Bộ phận theo dõi ATGT ở các đơn vị KDVT không có hoặc có nhưng chỉ mang tính chất đối phó. Tuy khâu đăng kiểm lần đầu thực hiện tương đối tốt, nhưng công tác hậu kiểm vẫn bị buông lỏng, vẫn còn xảy ra tiêu cực của một số đăng kiểm viên, bỏ qua một số hạng mục kiểm tra, nhất là đối với các HTX KDVT và hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe công-ten-nơ. Trong bảy tháng đầu năm nay, đã phát hiện sai phạm và đình chỉ chức danh, thu hồi thẻ đăng kiểm viên đối với 15 đăng kiểm viên (trong đó, có hai lãnh đạo trung tâm và bốn trưởng dây chuyền kiểm định).
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Qua thanh tra hoạt động vận tải tại 18 địa phương, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), phát hiện nhiều đơn vị chạy vượt tốc độ nhiều lần. Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 7 vừa qua, các phương tiện vượt quá tốc độ 80 km/giờ rất phổ biến (chiếm 80 đến 90%), nhiều xe chạy tốc độ từ 130 đến 137 km/giờ, trong khi tốc độ cao nhất cho phép với xe khách là 80 km/giờ. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, khi chạy với tốc độ nêu trên, nếu có tình huống bất thường, lái xe gần như không có cơ hội xử lý. Xe khách mang BKS 61B - 001.84 thuộc HTX dịch vụ hỗ trợ vận tải tỉnh Bình Dương là một "điển hình" về tần suất vi phạm tốc độ. Theo kết quả trích xuất từ hộp đen, từ ngày 1 đến 15-7 vừa qua, chiếc xe này đã vượt tốc độ quy định tới hơn 700 lần, bình quân mỗi ngày vượt tốc độ gần 50 lần. Trong khi quy định lái xe khách chỉ được phép chạy liên tục trong vòng bốn giờ và không được lái quá 10 giờ/ngày, nhưng rất ít DN chấp hành nghiêm túc. Ðơn cử, xe khách BKS 61L - 3128 của Công ty TNHH vận tải hành khách Thanh Loan (Bình Dương) đã chạy liên tục trong chín tiếng đồng hồ.
Chấn chỉnh sai phạm từ gốc
Mới đây, Bộ GTVT đã báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về kết quả thanh tra hoạt động vận tải tại 18 địa phương. Bộ GTVT đánh giá, việc quản lý hoạt động KDVT tại nhiều địa phương đang bị buông lỏng; xảy ra nhiều vi phạm về tốc độ, cấp phép, quản lý điều hành,... Kiểm tra 84 đơn vị, các đoàn thanh tra đã tước giấy phép kinh doanh của 41 đơn vị, thu hồi 327 phù hiệu và sổ nhật trình, xử phạt 567 triệu đồng. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ có văn bản phê bình sáu địa phương, gồm TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Lào Cai, Khánh Hòa, Lạng Sơn do buông lỏng công tác quản lý và cấp phép, thanh tra đối với đơn vị vận tải công-ten-nơ, chưa thực hiện tốt công tác quản lý vận tải, có nhiều đơn vị vận tải bị xử lý, thu hồi giấy phép. Ðồng thời, nhắc nhở các tỉnh, thành phố: Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ,... cần tập trung chấn chỉnh, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý vận tải, góp phần giảm tai nạn giao thông.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2009/NÐ-CP và Nghị định 93/2012/NÐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ô-tô; trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến tuổi xe, điều kiện KDVT khách theo tuyến cố định, vận tải công-ten-nơ và các loại hình vận tải mới phát sinh, có quy định riêng về loại hình HTX KDVT. Ngoài ra, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện đối với các DN vận tải bằng xe ô-tô trên địa bàn, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, nhất là đối với vi phạm về buông lỏng quản lý hoạt động của phương tiện và người lái xe; đơn vị không bảo đảm điều kiện kinh doanh, khoán trắng cho lái xe hoặc cho thuê phương tiện, cố tình không xin giấy phép kinh doanh hoặc hoạt động KDVT không có giấy phép,... Kết quả thanh tra, xử lý phải được công khai, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông ở địa phương và T.Ư. Lực lượng CSGT các địa phương cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận tải vi phạm tốc độ, lấn làn đường, lái xe sử dụng chất kích thích, chất ma túy; triển khai lực lượng phối hợp ngành giao thông các địa phương kiểm tra, xử phạt xe quá khổ, quá tải; có quy chế phối hợp giữa hai ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý vận tải, kiểm soát xe quá tải trọng.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra hoạt động KDVT bằng xe ô-tô tại 42 địa phương còn lại, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm; yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo lập đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra toàn diện đối với các đơn vị KDVT, kiên quyết loại khỏi đội ngũ những lái xe có hành vi sử dụng chất ma túy, xử lý nghiêm lái xe sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện.
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận chủ trương cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu về sản xuất nữ trang, mỹ nghệ.
Tuyến đường dài khoảng 91,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp II, 4 làn xe, với tốc độ 100 km/h sẽ được đầu tư xây dựng để nối liền Mỹ Đình (Hà Nội) với chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), ông Trương Đình Hòe cho biết theo dự báo, giá tôm sẽ tiếp tục tăng và kim ngạch sẽ tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm.
Dự án "Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp" có tổng trị giá 55,625 triệu USD, trong đó vốn vay WB là 55 triệu USD.