Nghĩa Lộ nỗ lực giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/9/2013 | 8:59:13 AM

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có 3 xã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là Nghĩa An, Nghĩa Phúc và Nghĩa Lợi. Đến nay, chương trình đi vào thực hiện phù hợp với mong muốn, nguyện vọng, tiềm lực của các hộ dân và từng địa phương, khơi sâu tinh thần phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của chính các hộ nghèo.

Mô hình trồng súp lơ xanh giúp xóa đói giảm nghèo của nông dân bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi.
Mô hình trồng súp lơ xanh giúp xóa đói giảm nghèo của nông dân bản Xà Rèn, xã Nghĩa Lợi.

Đây là 3 xã thuần nông được sáp nhập về thị xã từ năm 2004, có đến 80 - 90% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, trình độ văn hóa, nhận thức, đời sống kinh tế của người dân còn thấp, do đó tỷ lệ hộ nghèo tính đến đầu năm 2013 của xã Nghĩa Lợi vẫn chiếm 60,68%, Nghĩa An 44,33%, Nghĩa Phúc 29,85%. Trong khi đó, tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giảm tỷ lệ hộ nghèo yêu cầu chỉ còn 10%, là một tiêu chí hết sức khó khăn đối với 3 địa phương này. Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo gắn với các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Các xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể theo từng năm và phát huy thế mạnh kinh tế của từng địa phương, tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Hoàng Văn Nghĩa - ở thôn Đêu I, xã Nghĩa An trước đây là một hộ nghèo. Nhà có 4 nhân khẩu lại chỉ có hơn 500m2 ruộng. Vì vậy, gia đình anh được hưởng đầy đủ chế độ chính sách đối với hộ nghèo như: hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ khám chữa bệnh, vay vốn theo chương trình nước sạch vệ sinh môi trường.... Đây thực sự là những chính sách giúp gia đình anh từng bước đẩy lùi khó khăn và là đòn bẩy để gia đình vươn lên thoát nghèo.

Anh Nghĩa tâm sự: "Trước sự hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng tôi cũng nhận thức rằng 2 vợ chồng còn trẻ sức dài vai rộng, không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ mãi được". Anh chị đã phấn đấu làm ăn, anh Nghĩa làm thêm nghề phụ xây mỗi ngày cũng được trả công 100.000 đồng. Năm 2012 gia đình anh được hưởng dự án chăn nuôi lợn nái, vợ chồng anh tích cực chăn nuôi nhân rộng đàn lợn của gia đình và sản xuất lúa, làm vụ ba hết 100% diện tích. Nhờ đó cuối năm 2012 gia đình anh đã thoát nghèo.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có nhận thức và biết tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo như gia đình anh Nghĩa. Bởi còn có nhiều nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến đói nghèo khác nhau như: đẻ nhiều, ốm đau bệnh tật, thiếu đất sản xuất, không có kiến thức...

Trên cơ sở đánh giá thực tế về nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách giảm nghèo. Năm 2013, thị xã  phấn đấu giảm khoảng 238 hộ nghèo, tương đương với 3,55%. Trong đó xã Nghĩa Lợi phấn đấu giảm 6,5%, xã Nghĩa An giảm 5,5%, phường Pú Trạng 3,5%... 6 tháng đầu năm 2013, thị xã đã triển khai thực hiện chính sách về y tế cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 1.988 người nghèo; hỗ trợ tiền điện, tiền dầu hỏa thắp sáng cho 1.677 hộ nghèo, đào tạo nghề cho 123 lao động nông thôn; giải quyết việc làm cho 696 lao động, tiếp tục duy trì mô hình lợn nái sinh sản tại xã Nghĩa An và xã Nghĩa Phúc đảm bảo duy trì số lợn nái sinh sản trong dự án với tổng số 46 con... Với các giải pháp này 6 tháng đầu năm 2013 thị xã giảm khoảng trên 110 hộ nghèo, đạt hơn 47% kế hoạch năm.

Kết hợp với các chương trình, chính sách giảm nghèo, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thị xã Nghĩa Lộ cũng đã triển khai nhiều giải pháp giúp các xã thực hiện tiêu chí giảm nghèo hiệu quả.

Ông Chu Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND thị xã, Phó ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thị xã tập trung vào tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nghề; triển khai các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất. Năm 2013 tập trung triển khai 3 đề án: hoa chất lượng cao, chăn nuôi phát triển thủy sản, trồng rau chất lượng cao vụ đông".

Các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cũng có giải pháp giảm nghèo phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của xã mình. Ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: "Xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc, phát triển thế mạnh của xã là hiệu quả mô hình chế biến nông lâm sản trên địa bàn như: chế biến gỗ rừng trồng, làm thảm hạt, chế biến dược thảo... ưu tiên tạo việc làm cho người nghèo trên địa bàn xã".

Đối với Nghĩa Lợi, để thực hiện hiệu quả tiêu chí giảm nghèo, xã đã phát huy thế mạnh của mình là sản xuất lúa nước với diện tích hơn 136ha, tập trung chỉ đạo, vận động bà con sản xuất lúa hàng hóa đạt trên 80% diện tích với các giống lúa năng suất chất lượng cao như: Chiêm hương, Séng cù, HT1... đưa năng suất lúa bình quân của xã đạt 12 tấn/ha/ năm; từng bước xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao giá trị thu nhập trên một ha canh tác giúp người dân thoát nghèo trên chính đồng đất quê hương mình.

Để giảm nghèo hiệu quả và bền vững, đưa 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phúc đạt tiêu chí số 11 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 và xã Nghĩa Lợi vào năm 2020, thị xã Nghĩa Lộ cũng như các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã và đang triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo đồng bộ, thiết thực, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng, tiềm lực của các hộ dân và từng địa phương, khơi sâu tinh thần phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của chính các hộ nghèo.

Thu Hằng

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục