Nối bờ ngô “Nghị quyết”

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2013 | 9:01:27 AM

YBĐT - Năm 2013, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, diện tích cây vụ đông ở Văn Chấn trồng được 2.350 ha, trong đó ngô đông đạt gần 1.800 ha. Chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp – xây dựng nông thôn mới đang dần được cụ thể hóa. Sản xuất vụ đông đã và đang làm thay đổi tư duy sản xuất, từng bước nâng cao đời sống của người nông dân Văn Chấn.

Đồng chí Hồ Đức Hợp (thứ 5, trái sang) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông ở xã Phù Nham.
Đồng chí Hồ Đức Hợp (thứ 5, trái sang) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông ở xã Phù Nham.

Mới sáng sớm, sương chưa mỏng, những người nông dân Văn Chấn đã ra đồng. Không tất bật như những ngày đầu thu mùa, làm đông, nhưng trên vai mỗi người cũng lỉnh kỉnh những thùng, những dây và cả bao tải và túi nilon bởi công việc không đơn thuần chỉ là chăm sóc và thu hoạch. Những ruộng ngô 4 đến 5 tuần tuổi đang cần  tưới đạm và nước phân, trong khi các ruộng ngô 7 - 8 tuần tuổi đang độ trổ cờ, phun râu cần được tỉa bắp lép, cây lèo, các ruộng ngô nếp giờ đã bắt đầu cho thu hoạch. Cùng đoàn công tác của huyện xuống kiểm tra sản xuất, chúng tôi được trải nghiệm những câu chuyện về sản xuất ngô đông trên đồng đất Văn Chấn.

Câu chuyện phấn khởi của người nông dân kể về kinh nghiệm tỉa bắp và giá trị của những bắp ngô này đang là loại thực phẩm khoái khẩu của nhiều gia đình khiến Chủ tịch UBND huyện Hồ Đức Hợp nhớ lại hơn chục năm về trước. Ấy là năm 1994, Tỉnh ủy Yên Bái có chủ trương đưa cây ngô vào sản xuất vụ đông. Khi ấy, anh là  chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng đồng chí Hà Ngoan là Bí thư  Huyện ủy Văn Chấn lúc bấy giờ và đoàn công tác đi vận động nông dân trồng ngô trên đất 2 lúa.

Sự bỡ ngỡ, hoài nghi của người nông dân trong sản xuất vụ đông khiến cán bộ rất  khó vận động. Đồng chí Hà Ngoan nói rằng, nếu năm nay Văn Chấn trồng được 300 ha ngô đông sẽ mổ bò ăn mừng…  Vậy là từ những cây ngô vận động đầu tiên ấy nay đã trở thành phong trào sản xuất vụ đông rồi được đưa vào nghị quyết với những tiêu chí cụ thể về sản xuất nông nghiệp.

Nhìn những ruộng ngô bạt ngàn, ngút ngát tầm mắt, men từ mép nước đến bên sườn đồi xanh mướt một màu đang ngả mình gió mà lòng thầm cảm phục những người nông dân một nắng hai sương. Đưa đôi tay thoăn thoắt ngang những thân ngô có bộ rễ chân kiềng chắc khỏe để lựa những bắp ngô non,  chị Lò Thị Vân ở  thôn Bản Tèn, xã Phù Nham chia sẻ: “Gia đình đã sản xuất vụ đông nhiều năm nhưng từ khi có chủ trương và cơ chế  hỗ trợ khuyến khích phát triển ngô đông thì năm nào gia đình cũng gieo 100% diện tích.

Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn, gia đình đã rút kinh nghiệm là phải làm bầu ngô trước khi gặt 10 ngày, phải cày lên luống trên các chân ruộng trũng. Những chân ruộng cao có thể làm đất theo phương pháp tối thiểu để đưa bầu ngô ra ruộng càng sớm càng tốt. Ngay sau đó tập trung nhân lực bón phân và phun sương  để cây ngô có sức phát triển”.

Chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất vụ đông như gia đình chị Vân, nhưng hai năm gần đây, gia đình anh Hoàng Văn Thân ở bản Cò Lì, xã Sơn Lương đều trồng cây vụ đông hết diện tích lúa nước. Do diện tích đất nông nghiệp ít nên năm nay, gia đình anh Thân đã tận dụng cả đất soi bãi và vườn đồi để trồng ngô.

Anh  cho biết: “Với gia đình và bà con nông dân ở Cò Lì, sản xuất vụ đông đã thành tự giác và là một phần không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp nơi đây. Nó không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập mà còn giúp các hộ dân có nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ cho chăn nuôi”.

Với gần 1.800 ha ngô đông, trong đó  trên 1.250 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, đây  là năm đầu tiên Văn Chấn có diện tích ngô đông lớn nhất đã vượt gần 300ha so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.

Trên thực tế, kể từ khi có chủ trương trồng vụ đông trên đất 2 lúa đến nay, năm nào diện tích cây vụ đông ở Văn Chấn cũng tăng năng suất lẫn sản lượng. Tuy nhiên ý thức đưa vụ 3 trở thành vụ chính mới được nhân dân cụ thể hóa trong vài năm trở lại đây khi mà Đảng bộ huyện đưa chỉ tiêu phát triển cây vụ đông thành nghị quyết để vận động nhân dân thực hiện.

Nhận thức được  những khó khăn chủ yếu trong sản xuất vụ đông là điều kiện thời tiết và thời gian triển khai mùa vụ, huyện đã tích cực triển khai các giải pháp khắc phục. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rút ngắn thời gian gieo cấy lúa nước, huyện đã phối hợp với các viện khoa học, các doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất, khảo nghiệm các bộ giống tối ưu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, các giống tối ưu được chọn cho sản xuất vụ đông là ngô lai C919, ngô nếp MX4, khoai tây Atlantic và một số giống cà chua, bí đao khác.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Trong cơ cấu cây trồng vụ đông, huyện vẫn xác định cây ngô là chủ lực. Đây là cây trồng có sức chống chịu tốt, phù hợp thời gian canh tác và có nhiều giá trị. Ngoài giá trị kinh tế từ ngô hạt, cây ngô còn là nguồn thực phẩm cho gia súc những ngày đông giá và là nguồn chất đốt dồi dào cho các gia đình”.

Từ chủ trương đúng, trúng cùng những giải pháp tích cực, 3 năm qua, diện tích vụ đông của Văn Chấn đã tăng trên 800 ha so với đầu nhiệm kỳ, trong đó ngô đông tăng gần 600ha. Sản lượng ngô hạt vụ đông tăng từ  3.800 tấn lên gần 5.000 tấn năm 2012 và dự kiến năm 2013 đạt  trên 5.400 tấn. Những địa phương đi đầu trong sản xuất vụ đông phải kể đến Hạnh Sơn, Sơn A, Phù Nham. Trong điều kiện sản xuất gấp gáp, thời tiết bất thuận, những người nông dân Mường Lò đã đoàn kết, sáng tạo trong làm đất, lựa chọn giống lúa ngắn ngày, giống cây trồng phù hợp cho từng thời gian,  thời điểm gieo trồng để có những mùa vụ bội thu.

Chia sẻ với niềm vui của người nông dân,  Chủ tịch UBND huyện Hồ Đức Hợp cho biết: “Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX về chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất vụ đông nói riêng là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích và nâng cao giá trị sản xuất vụ đông,  thời gian tới huyện cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong sản xuất vụ đông. Yếu tố quan trọng là cơ cấu cây trồng và thời vụ, làm sao để vùng cao, vùng ngoài, và vùng trung tâm huyện đều có thể gieo trồng được ngô đông trên đất hai lúa. Huyện tiếp tục chỉ đạo rút ngắn thời vụ sản xuất, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến để rút kinh nghiệm, triển khai có hiệu quả hơn”.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, sản xuất vụ đông ở Văn Chấn không còn là phong trào mà đã trở thành vụ chính và đi vào nhận thức của nhân dân. Cánh đồng Mường Lò những thửa, những bờ đã nối liền một màu xanh bất tận. Cuộc sống của người nông dân không còn đằng đẵng những tháng ngày chờ trông vụ tới, nơm nớp lo đói lúc “tháng ba ngày tám” mà sôi động, ấm áp những nụ cười vụ đông.

Trần Van – Phan Tuấn

Các tin khác
Các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn tham gia khởi công công trình.

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 – 20/6/2024) và chào mừng Lễ công bố huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới, sáng 18/5, huyện Yên Bình đã khởi công công trình bê tông hóa đường giao thông tại tổ dân phố số 8, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.

Ảnh minh họa

Liên bộ sẽ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.

Chiều 17/5, đồng chí Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Lào Cai cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái để trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc đem lại thu nhập cao cho các hộ dân thôn São, xã Tân Lập.

Những ngày này, các hộ trồng dưa ở xã Tân Lập, huyện Lục Yên đang vào vụ thu hoạch chính với các sản phẩm: dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu…. Qua nhiều vụ trồng, các giống dưa đã khẳng định phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người dân nơi đây. Đặc biệt, sản phẩm được nhiều người biết tới do các hộ dân áp dụng quy trình sản xuất "sạch".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục