Đẩy mạnh thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô
- Cập nhật: Thứ hai, 18/11/2013 | 2:45:21 PM
YBĐT - Từ tháng 10/2013, Yên Bái tiến hành thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) đối với xe mô tô. Trước đó, các địa phương đã tích cực triển khai công tác tập huấn thu đến các xã, thôn, bản, tổ dân phố.
Từ ngày 1/1/2013, người đi xe mô tô bắt buộc phải nộp phí bảo trì đường bộ.
|
Theo thông tin từ Văn phòng Quỹ BTĐB, tính đến ngày 11/11/2013, toàn tỉnh đã thu 313 triệu đồng gồm các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Trạm Tấu, Lục Yên. Còn lại các địa phương khác mới đang thực hiện công tác kê khai. Bước đầu triển khai ở các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt lại triển khai vào những tháng cuối năm.
Ông Phạm Lâm Phóng - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Trong tháng 10, UBND huyện Trấn Yên đã triển khai kế hoạch thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô đến các xã, thị trấn và tiến hành tổ chức tập huấn cho các tổ trưởng. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm chỉ còn 2 tháng nên số thu của năm 2013 sẽ khó hoàn thành, phải chuyển sang năm 2014. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người dân chưa nắm được chủ trương thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô”.
Chị Hoàng Thị Tươi ở xã Báo Đáp (Trấn Yên) cho biết: “Tổ dân phố đã họp triển khai nội dung về thu phí BTĐB đối với mô - tô và xe máy. Qua cuộc họp này, nhiều người dân vẫn chưa thông. Một số người nêu câu hỏi vì sao lại đánh thuế xe máy hằng năm và một số khác nêu vấn đề, nhà có hai chiếc xe máy nhưng chỉ sử dụng một chiếc, chiếc còn lại thỉnh thoảng mới đi một lần cũng phải đóng như chiếc đi thường xuyên là không công bằng”.
Thực tế cho thấy, điều lo nhất ở một số địa phương chính là nhiều tổ trưởng khá mơ hồ về việc thu phí này. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều tổ trưởng không đi tập huấn nên chưa triển khai, có tổ triển khai nhưng dân hỏi lại không biết trả lời cho dân hiểu.
Ông Hoàng Văn Phổ - Tổ trưởng tổ 4, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) lại cho rằng, việc thu phí BTĐB đưa về cho các tổ trưởng làm là quá sức. Bởi vì theo ông, hoạt động thu phí này liên quan nhiều đến giấy tờ sổ sách, chứng từ thu, chi…
Việc nộp phí sử dụng đường bộ là điều kiện bắt buộc của chủ phương tiện sử dụng, sở hữu xe mô tô. Đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 1/1/2013, chủ phương tiện phải nộp phí tính từ 1/1/2013. Đối với xe phát sinh từ 1/1/2013 đến ngày 30/6/2013, chủ phương tiện chỉ phải nộp phí bằng 50% mức thu cả năm; xe phát sinh từ 1/7 đến 31/12/2013, chủ phương tiện không phải nộp phí năm 2013 nhưng phải nộp phí năm 2014 trong tháng 1.
UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kê khai, thu tờ khai nộp phí của chủ phương tiện. UBND cấp xã sẽ chỉ đạo tổ dân phố hoặc thôn phát tờ khai và hướng dẫn người nộp phí kê khai theo đúng mẫu. Trường hợp người nộp phí đã có mã số thuế thì ghi mã số thuế, nếu chưa có mã số thuế thì ghi số chứng minh nhân dân.
Cụ thể, tờ khai chỉ áp dụng đối với chủ phương tiện khai lần đầu và khai bổ sung khi có phát sinh tăng, giảm phương tiện. Tổ dân phố hoặc thôn sẽ thu tờ khai, đối chiếu với đăng ký xe hoặc biển số xe để kiểm tra việc thực hiện kê khai của người nộp phí và chuyển tờ khai về UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm lập sổ quản lý phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn, làm cơ sở quản lý thu, nộp phí trong năm 2013 và các năm tiếp theo. Tiền phí sử dụng đường bộ đối với xe máy thu được sẽ để lại một phần sử dụng theo quy định của Bộ Tài chính.
Theo đó, mức chi cho cá nhân trực tiếp thu phí tối đa không quá 70% số tiền phí được để lại. Chi phí cho phục vụ trực tiếp việc thu phí (văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện, nước…) tối đa không quá 20% tổng số tiền để lại; chi phí khác tối đa không quá 10% số tiền phí được để lại.
Theo Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 25/5/2013 của UBND tỉnh Yên Bái, quy định mức phí sử dụng đường bộ áp dụng cho các phương tiện mô tô trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tính toán trên cơ sở dung tích xi-lanh, các xã thuộc vùng khó khăn, các xã không thuộc vùng khó khăn, theo phường, thị trấn. Đối với xe mô tô có dung tích xi-lanh đến 100cm3, mức phí áp dụng từ 50.000 đồng/năm đến 80.000 đồng/năm.
Đối với xe mô tô có dung tích trên 100cm3, mức phí áp dụng từ 110.000 đồng đến 120.000 đồng/năm. Với khoảng 266.525 xe mô tô, mỗi năm, nguồn quỹ BTĐB sẽ có thêm khoảng 13 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để nâng cấp hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích của người dân.
Thu phí để có điều kiện cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, vì vậy, các cơ quan liên quan cùng với chính quyền các địa phương phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với cộng đồng. Đó là lợi ích thiết thực đối với người điều khiển phương tiện giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Anh Dũng
Các tin khác
Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại 3 kỳ họp gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Vinashin đã giảm nợ gốc và lãi vay được 13.152 tỉ đồng.
Ngày 17/11, tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo Kiên Giang và Tổng công ty Điện lực miền Nam tổ chức lễ khởi công tuyến cáp ngầm xuyên biển từ thị xã Hà Tiên ra đảo ngọc Phú Quốc.
Ngân hàng Nhà nước sẽ là Ngân hàng Trung ương chứ không chỉ là cơ quan ngang Bộ, có thêm nhiệm vụ xây dựng chỉ tiêu lạm phát, chủ trì phòng chống rửa tiền, mua bán ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng, theo nghị định Chính phủ mới ban hành.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Chương trình khoảng 28.809 tỷ đồng.