Khao Mang từng ngày no ấm

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/11/2013 | 9:17:29 AM

YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng 2 vụ lúa, chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu qua sang trồng ngô và đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm… giúp dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Người dân xã Khao Mang thu hoạch lúa.
Người dân xã Khao Mang thu hoạch lúa.

Chúng tôi đến Khao Mang đúng vào thời điểm nông dân đang thu hoạch lúa mùa. Trên khắp các bản Khao Mang, Bản Thái, Nả Dề Thàng, Páo Sơ Dào, Háng Cháng Lừ, Háng Bla Ha A, B đến Tủa Mả Pán, Séo Mả Pán A, B... bà con tấp nập thu hoạch lúa. Người gặt, người đập, người thu rơm rạ về dự trữ cho trâu, bò…

 Trên đường, những bao tải thóc chất cao. Vừa gặt xong, đang xếp rơm lên xe máy chở về nhà làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông này, ông Sùng A Làng ở bản Háng Tráng Lừ nói: “Gia đình tôi được xã vận động trồng 2 vụ lúa từ lâu rồi. Vụ này, nhà thu được trên 1 tấn thóc và còn trồng 2 vụ ngô, vụ mùa 1ha, vụ đông 0,4ha. Số lương thực này không những đủ cho gia đình ăn mà còn nuôi được 4 con trâu, 8 con bò, trên 10 con lợn, gần 100 con gia cầm.

Cuộc sống giờ đây khá hơn trước nhiều rồi”. Nếu như năm 2000 trở về trước, xã Khao Mang mới chỉ sản xuất thí điểm được 6ha lúa vụ hai thì hiện nay tăng lên gần 200ha, năng suất bình quân đạt 45,64 tạ/ha. Có được thành quả ngày hôm nay, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng kênh mương thủy lợi, giúp cho người dân nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích canh tác.

Ông Thào A Kỷ, bản Séo Mả Pán B cho biết: "Trước đây, gia đình mình chỉ cấy có 1 vụ lúa thôi nên năm nào cũng thiếu gạo ăn. Từ năm 2001 về đây, nghe theo cán bộ xã hướng dẫn chỉ đạo sản xuất 2 vụ mỗi năm và được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, mình đã làm theo và không phải chịu đói hàng mấy tháng liền như trước đây".

Cùng với vận động trồng 2 vụ lúa, xã đã vận động bà con chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô. Ông Giàng A Vàng - Chủ tịch UBND xã Khao Mang  cho biết: “Lúc đầu đưa cây ngô vào trồng thay diện tích lúa nương, bà con chưa muốn làm theo vì chưa biết hiệu quả thế nào. Đồng bào mình là cứ phải nhìn thấy hiệu quả mới làm nên Đảng bộ, chính quyền xã đã ra Nghị quyết chuyên đề trồng ngô trên diện tích nương rẫy. Các đồng chí lãnh đạo xã trực tiếp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xuống các bản vận động đồng bào trồng ngô”.

Tích cực vận động và tuyên truyền, người dân đã hiểu được lợi ích của trồng ngô cùng với sự đầu tư giống, phân bón của Nhà nước nên người dân đã tích cực trồng ngô. Vụ ngô vừa rồi, xã đưa vào gieo trồng được 55ha, trong đó có 50 ha ngô trên nương, đồi, vườn. Với nhiều gia đình nơi đây, ngô bây giờ không chỉ là nguồn lương thực mỗi khi giáp hạt mà đã trở thành hàng hóa.

Thăm gia đình anh Lù A Pủ ở bản Háng Bla Ha A, chúng tôi thấy những bắp ngô vàng xuộm treo lúc lỉu trên gác nhà. Lù A Pủ khoe: “Nhờ cán bộ trong xã vận động trồng ngô thay diện tích lúa nương và nhận hỗ trợ giống, phân bón nên vừa rồi, gia đình chuyển đổi được gần 1ha trồng ngô”.

 Trưởng bản Háng Bla Ha A là Lù A Phủ cho biết: “Toàn bản chuyển đổi được 11,5 ha lúa sang trồng ngô với năng suất bình quân đạt trên 35 tạ/ha. Nhờ ngô mà nhiều gia đình khá hơn, không còn đói như trước”.

Ngoài chỉ đạo, vận động thâm canh, tăng vụ, Đảng bộ, chính quyền xã còn vận động nhân dân chuyển đổi cách thức sản xuất, phương pháp chăn nuôi, đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào thực tế đối với cây trồng, tích cực phát triển chăn nuôi đại gia súc... Xã luôn chú trọng chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh và chống rét cho vật nuôi. Hiện nay, đàn trâu có 973 con, đàn bò có gần 389 con, đàn dê gần 367 con, lợn 2.522 con, 7.500 con gia cầm. Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân nuôi ong mật để tăng thu nhập. Với 155 tổ ong, cung cấp hàng trăm lít mật một năm với giá bán từ 190.000 - 200.000 đồng/lít đã góp phần cải thiện đời sống hàng ngày cho người dân.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các tuyến đường giao thông nông thôn đã và đang được sửa chữa, mở mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa nên đời sống của 784 hộ dân nơi đây đã khá hơn nhiều. Tính riêng 9 tháng của năm 2013 đã có 66 hộ thoát nghèo, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã.   

Hồng Duyên

Các tin khác
Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (16/5) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống mốc 23.130 đồng/lít.

12.300 lượng vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đấu thầu bán thành công.

Kết quả phiên đấu thầu vàng miếng SJC sáng 16/5, có 11 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 12.300 lượng vàng.

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng lần thứ 7. Ảnh minh họa.

Sáng 16/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 7 với giá đặt cọc 87,5 triệu đồng một lượng.

Sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Suối Giàng được sản xuất đúng quy trình cho chất lượng cao.

Phát huy lợi thế địa phương, một hợp tác xã đến 90% thành viên là người dân tộc Mông đã biết khai thác, chế biến để vừa nâng cao giá trị sản phẩm Shan tuyết chè cổ thụ vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái. Đó là Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục