Cần biện pháp mạnh với các đơn vị cố tình chây ỳ nợ phí môi trường rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 3/12/2013 | 3:03:40 PM
YBĐT - Đã gần hết năm 2013, thế nhưng các doanh nghiệp, công ty sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mới nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) Yên Bái chưa đầy 14 tỷ đồng, còn nợ trên 16 tỷ đồng. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa trả khoản tiền này từ năm 2011 và năm 2012 với số tiền trên 7,2 tỷ đồng.
Người dân vùng cao tận tâm, tận lực giữ rừng nhưng đã gần hết năm 2013 vẫn chưa được nhận tiền phí dịch vụ môi trường rừng.
|
Tại Hội thảo về thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức cũng như trong những buổi thương thảo ký kết hợp đồng ủy thác chi trả phí DVMTR giữa Quỹ BV&PTR với các doanh nghiệp sử dụng DVMTR, hầu hết các giám đốc, phó giám đốc, tổng công ty đều nói: Tổng công ty, công ty luôn nhận thức đầy đủ việc áp dụng chi trả phí DVMTR là nhằm BV&PTR bền vững, xóa đói giảm nghèo.
Thế nhưng khi thực hiện thì không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ. Khi cán bộ Quỹ “đòi” thì họ lại viện dẫn là trong năm 2011, 2012, công ty chưa hạch toán vào giá thành bán điện, công ty đang gặp khó khăn… xin lùi thời hạn nộp phí trong năm 2011, 2012.
Đấy là năm 2011, 2012, còn năm 2013 này, tất cả các công ty đều đã hạch toán vào giá thành rồi sao vẫn không nộp đúng theo quy định? Như vậy 20 đồng/kwh điện mà người dùng điện đã đóng góp sòng phẳng cho ngành điện đã đi đâu? Chậm trả phí DVMTR cũng chính là chiếm dụng vốn của những người dân nghèo sống phụ thuộc vào rừng! Các doanh nghiệp kêu khó khăn nhưng người dân đang ngày đêm chăm bẵm cho rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, phòng hộ còn rất vất vả, cuộc sống cả gia đình chỉ trông vào mấy đồng tiền khoán và phí DVMTR. Trong số gần 24 ngàn hộ dân được hưởng phí DVMTR phần lớn là hộ nghèo, lam lũ nơi đầu nguồn những nhà máy thủy điện.
Thậm chí trong số đó, rất nhiều gia đình đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, vì lợi ích quốc gia đã hiến ruộng nương, đất đai, di dời phần mộ của tổ tiên, nhà cửa để xây dựng những nhà máy thủy điện. Tiếp tục “sứ mệnh” của mình họ lại đến những nơi “rừng xanh, núi đỏ” trồng, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ lá phổi xanh của nhân loại…
Những tâm huyết, công sức của họ không thể tính bằng tiền mà bằng những giọt mồ hôi, những nơi họ đi qua. Để bù đắp những đóng góp to lớn ấy, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách phù hợp như giao khoán bảo vệ rừng và nay thêm phí DVMTR mong giúp họ xóa đói, giảm nghèo ổn định đời sống cho người giữ rừng. Vậy mà các “ngài” giám đốc công ty, doanh nghiệp đáng kính ấy lại khất lần không chịu nộp phí DVMTR cho Nhà nước để chi trả cho người dân?
Khi hỏi, khi đăng đàn họ đều “hào sảng”: “Chúng tôi luôn nhận thức đầy đủ việc áp dụng chi trả phí DVMTR là nhằm BV&PTR bền vững, xóa đói giảm nghèo. Đây là một chủ trương lớn, đúng đắn hợp lòng dân”. Phải chăng trước các vị lãnh đạo tỉnh, trước diễn đàn họ nói cho vui, còn việc làm và thực hiện thế nào là “quyền” của họ?
Đã đến lúc cần phải có những biện pháp mạnh để xử lý đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng phí DVMTR. Thậm chí khởi kiện ra tòa những doanh nghiệp cố tình nợ đọng, chiếm dụng vốn của những người dân nghèo. Bởi đến một thời điểm nhất định, người dân nghèo sẽ mất niềm tin vào một chính sách lớn của Nhà nước và sự nhiệt tình của người dân với công việc giữ rừng cũng sẽ giảm.
Vẫn biết tiền phí DVMTR không lớn, có những lưu vực mỗi héc-ta rừng được hưởng chưa đầy 25.000 đồng/ha nhưng đó là sự kỳ vọng, sự động viên của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc nơi đầu nguồn và cũng góp thêm một khoản thu để họ yên tâm giữ rừng, bảo vệ dòng nước nơi đầu nguồn. Dù vì lợi ích kinh tế hay là gì đi chăng nữa, các doanh nghiệp sử dụng DVMTR không nên hưởng lợi mà quên đi, công sức của những người dân nghèo.
Thanh Phúc
Các tin khác
Sáng nay 3.12, giá vàng miếng SJC giảm 220.000 đồng/lượng so với chiều qua, mua - bán ở mức 35,13 - 35,23 triệu đồng/lượng.
Doanh thu bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 11 tháng đầu năm ước đạt khoảng 157.000 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sáng nay 3-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết vừa ban hành Thông tư số 25 quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
YBĐT - Mấy năm gần đây, Trạm Tấu (Yên Bái) đã có những bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển cây lương thực như ứng dụng nhiều giống ngô mới, năng suất cao để sản xuất ngô hàng hóa; chuyển đổi mạnh đất lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô; trồng ngô theo hướng thâm canh…