Nâng cao chất lượng giống vật nuôi
- Cập nhật: Thứ năm, 12/12/2013 | 2:41:38 PM
YBĐT - Chất lượng con giống đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của nghề chăn nuôi, đặc biệt là đàn trâu, bò. Với xu hướng tổng đàn giảm như hiện nay thì việc cải tạo, phục tráng nhằm nâng cao chất lượng con giống có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao sản lượng thịt trâu, bò, giúp cho người chăn nuôi có thu nhập cao và nghề chăn nuôi trâu, bò lấy thịt ở Yên Bái phát triển một cách bền vững.
Cần mở rộng các điểm truyền tinh nhân tạo để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi tại các địa phương.
|
Anh Nguyễn Văn Thể ở thôn 10, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi trâu cái sinh sản từ nhiều năm qua, song trong thôn lại không có trâu đực tốt để phối giống, thành ra mấy năm trâu mới đẻ một lần. Được cán bộ Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh giới thiệu về phương pháp truyền tinh nhân tạo trâu bằng tinh trâu Murah, là giống trâu ngoại có trọng lượng lớn, phù hợp với hướng sản xuất trâu thịt, tôi cũng mạnh dạn làm theo. Khi phát hiện ra trâu nhà mình động dục, tôi đã nhờ dẫn tinh viên tại địa phương đến thực hiện phối giống và ngay lần phối đầu tiên đã thành công”.
Sau một thời gian, trâu của nhà anh Thể đã đẻ được một con nghé con gần 34kg, nặng gần gấp rưỡi so với nghé đẻ bằng phương pháp truyền tinh thông thường. Đến nay, nghé con lớn rất nhanh và đã có trọng lượng trên 50kg.
Anh Thể rất hài lòng và mong muốn phương pháp truyền tinh nhân tạo trâu sẽ được triển khai rộng rãi trên địa bàn huyện Văn Chấn trong thời gian tới. Cũng áp dụng phương pháp này trên địa bàn huyện Văn Chấn còn có hộ gia đình anh Phạm Văn Tuấn. Tháng 8 năm 2012, trâu cái của nhà anh Tuấn được dẫn tinh viên phối giống bằng tinh trâu Murah.
Đến nay, trâu mẹ đã đẻ nghé con được 4 tháng, trọng lượng ước đạt trên 100kg, nặng hơn 15 - 20kg so với nghé đẻ bằng phương pháp truyền tinh thông thường. Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn có gần 40 trâu cái được phối giống bằng phương thức thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ phối thành công đạt trên 70%.
Anh Nguyễn Mạnh Đảm - dẫn tinh viên tham gia Dự án Cải tạo đàn trâu, bò bằng phương thức truyền tinh nhân tạo của Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Đối với công tác phối giống trâu thì quan trọng nhât là làm sao bà con phải theo dõi, phát hiện kịp thời trâu động dục để báo ngay cho dẫn tinh viên biết, chủ động phối giống kịp thời. Làm được như vậy thì phối giống thành công sẽ đạt 100%. Ngoài giúp phối giống, tôi cũng tham gia tuyên truyền hướng dẫn các hộ có trâu phối cách chăm sóc, nuôi dưỡng trâu để cho trâu luôn được khỏe mạnh, lớn nhanh, phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp truyền tinh mới này”.
Song song với công tác cải tạo đàn trâu, Trung tâm Giống vật nuôi cũng đang tiến hành lai tạo đàn bò hướng thịt bằng tinh bò Brahman nhằm tạo ra bê lai 3 máu hướng thịt, có khả năng tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt cao. Gia đình anh Nguyễn Kim Thắng ở khu 2, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) hiện đang nuôi 22 con bò, trong đó có 14 con bò cái sinh sản và đều được thụ tinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Anh Thắng cho biết: “Với giống bò mới mà Trung tâm lai tạo, tôi thấy nuôi rất hiệu quả. Bê lai giống mới này lớn nhanh, nhiều thịt, bán được giá cao. Tháng trước, nhà mình vừa bán một con bê cái 10 tháng tuổi nặng 130kg, với giá 18 triệu đồng. Nếu bê cái thụ tinh bằng phương pháp thông thường thì sẽ không lớn nhanh như vậy đâu, công chăm sóc cũng vất vả hơn mà giá bán thì lại rẻ”.
Còn với gia đình chị Hà Thị Toan ở thôn Vằm, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) thì việc chăn nuôi bò theo hướng lấy thịt đã giúp gia đình chị tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Gia đình chị có 3 con bò cái sinh sản, mỗi năm đẻ được 2 bê con, bán đi cho thu nhập tư 35 - 40 triệu đồng. Giống bê được đẻ ra bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo to hơn so với phương pháp thủ công và giá bán cũng được cao hơn. Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đã chuyển sang phát triển chăn nuôi bò theo hướng thịt, đem lại lợi nhuận cao, dễ bán sản phẩm và mức độ rủi ro thấp.
Việc có được con giống tốt đã góp phần duy trì và phát triển đàn bò theo hướng bền vững. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, số lượng đàn gia súc đã và đang có tín hiệu tăng trở lại sau nhiều năm thực hiện việc cải tạo đàn trâu bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Bái - Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Yên Bái cho biết: “Với 18 điểm truyền tinh nhân tạo, hiện nay chúng tôi đã đáp ứng đủ nhu cầu phối giống và nhu cầu khôi phục đàn gia súc trong nhân dân. Đặc biệt, việc thực hiện phương thức truyền tinh nhân tạo cho đàn trâu đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người nông dân, cải thiện tình trạng do tỷ lệ đàn đẻ thấp vì thiếu trâu đực giống trước đây. Triển vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng việc thụ tinh nhân tạo trâu để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi tại các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cải tạo đàn trâu trên địa bàn tỉnh”.
Hà Anh
Các tin khác
YBĐT - Mấy năm qua, nhiệm vụ thu ngân sách tại các địa phương luôn gặp nhiều khó khăn. Không ít huyện, thị đến những ngày cuối cùng của tháng 12 mới hoàn thành dự toán; cá biệt có những huyện không hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh tỉnh giao.
YBĐT - Những ngày cuối năm, không khí lao động càng thêm khẩn trương, tích cực, trên công trường Bệnh viện đa khoa 500 giường. Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái được khởi công xây dựng ngày 28/2/2013 tại xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái với thiết kế 500 giường bệnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn yêu cầu giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay với lãi suất (LS) thấp hơn LS huy động.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội), tỷ lệ 1/2.000.