Phòng chống đói, rét cho đàn gia súc ở Yên Bái: Quyết liệt tận hộ
- Cập nhật: Thứ ba, 17/12/2013 | 9:08:14 AM
YBĐT - Đây là đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay, nhiệt độ của các huyện vùng cao có nơi xuống dưới 10oC. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, cuối tháng 12 này sẽ tiếp tục có thêm những đợt rét đậm, rét hại mới. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.
Người dân vùng cao đã biết cách chăm sóc gia súc trong mùa đông bằng việc nhốt trâu, bò và cho ăn thức ăn xanh.
|
Tỉnh Yên Bái hiện có gần 115.000 con gia súc. Công tác chống rét, chống đói cho vật nuôi đã được UBND tỉnh Yên Bái triển khai từ tháng 9 với quyết tâm không để gia súc chết đói, chết rét trong mùa đông. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện tốt một số biện pháp cấp bách phòng chống đói rét cho gia súc trong mùa đông này. Cụ thể, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống đói rét cho gia súc trên địa bàn; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng chống đói rét cho gia súc.
Các huyện, thị, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống đói rét và dịch bệnh trên đàn gia súc trong mùa đông; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo và các phòng, ban chuyên môn phụ trách các xã, thị trấn; các thành viên và các phòng, ban phải bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền các xã triển khai các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc theo phương châm "Từ cơ sở và tại các hộ dân là chính". Tất cả các hộ chăn nuôi đều phải có chuồng nuôi nhốt gia súc và được che chắn, đảm bảo giữ ấm cho gia súc vào mùa đông; thực hiện dự trữ thức ăn cho gia súc theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.
Trạm Tấu và Mù Cang Chải là hai huyện vùng cao, những năm trước thiệt hại do gia súc chết rét rất lớn. Những năm gần đây, có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương và người dân thì số lượng gia súc chết rét đã giảm đáng kể. Trạm Tấu có đàn gia súc lớn với hơn 30.000 con. UBND huyện thời gian qua đã tập trung làm 1.561 cây rơm dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông đồng thời cử cán bộ xuống từng thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân che chắn, sửa chữa, làm mới chuồng trại chăn nuôi đảm bảo khô ráo, kín gió.
Ngoài ra, UBND huyện còn vận động các hộ dân tích cực trồng cỏ, ngô dày trên diện tích đất trống để làm thức ăn cho gia súc, đặc biệt không thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Đến nay, 100% số gia súc của huyện đã được tiêm phòng đợt 2; tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại nuôi nhốt gia súc đạt trên 70%.
Còn tại huyện Mù Cang Chải, UBND huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ người dân 300.000 đồng/cây rơm. Đến nay, toàn huyện đã làm được 600 cây rơm dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Đặc biệt, nhiều hộ không nằm trong diện được hỗ trợ cây rơm cũng đã tự giác mang rơm về dự trữ cho gia súc nhà mình.
Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Cách đây 3, 4 năm, ở đây, trâu, bò chết đói, chết rét nhiều. Trâu, bò đối với người dân vùng cao là cả một tài sản lớn nên mấy năm nay, ý thức của người dân trong việc chăm sóc, dự trữ thức ăn, chống rét cho trâu, bò trong mùa đông cũng được nâng cao".
Ngay trong thời điểm này, khi thu hoạch vụ mùa 2013, Mù Cang Chải đã tăng cường vận động, tuyên truyền người dân chăm sóc, bảo vệ và phát triển diện tích cỏ chăn nuôi; tận dụng các phụ phẩm trồng trọt như cây ngô, rơm rạ để tích trữ; kiểm tra, tu sửa lại chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo kín gió trong mùa đông... Cứ gặt xong, không cần ai nhắc nhở, vận động, gia đình ông Sùng A Làng ở bản Khao Mang, xã Khao Mang lại cho toàn bộ rơm rạ thu được vào nhà lều rồi lấy xe máy chở về dần vì nhà cách ruộng gần 10km.
"Gia đình tôi có 4 con trâu, 8 con bò, trị giá trên 300 triệu đồng. Đây là tài sản lớn nên tôi phải bảo vệ chúng. Vụ này, tôi dự trữ trên 2 tấn rơm. Rơm nhà không đủ, tôi xin rơm của những nhà nuôi ít và trồng thêm 0,5ha cỏ voi. Những ngày nắng ấm, tôi tận dụng chăn thả gần nhà, còn những khi trời lạnh chỉ cần nhốt tại chuồng, cho ăn thì không lo trâu, bò chết rét".
Không chỉ riêng gia đình ông Làng mà hầu hết các hộ nuôi gia súc ở huyện Mù Cang Chải đều dự trữ rơm khô để làm thức ăn thường xuyên cho trâu, bò. Ngoài rơm rạ và thức ăn tươi, bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chuẩn bị bổ sung thức ăn tinh cho trâu, bò như: bổ sung cám gạo, bột ngô, cây chuối… và cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối... để tăng sức đề kháng.
Trong đợt rét vừa qua, toàn tỉnh chưa xảy ra thiệt hại về trâu, bò chết rét. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân không chăn thả gia súc trong những ngày nhiệt độ dưới 15oC kết hợp tu sửa, gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, chắn gió cho gia súc; tăng cường thực hiện các biện pháp giữ ấm cũng như phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để đảm bảo đàn gia súc không bị chết đói, chết rét trong mùa đông.
Hồng Duyên
Các tin khác
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đang rà soát, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung các mỏ khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020.
Chiều 16/12, tại cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VND trong năm 2014 để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; xem xét không qui định trần lãi suất huy động khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản được cải thiện vững chắc.
YBĐT - Bước vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2013, các công ty, doanh nghiệp nằm trong Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái cũng gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết đã tìm cho mình một hướng đi phù hợp.
YBĐT- Trong những năm qua, xác định cây ăn quả là loại cây nông nghiệp chính để phát triển kinh tế các xã, thị trấn vùng ngoài; huyện Văn Chấn đã tăng cường đầu tư quy hoạch vùng cam chuyên canh.