Tổng quan kinh tế Yên Bái năm 2013

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/1/2014 | 8:44:07 AM

YBĐT - Năm 2013 là năm thứ ba - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, năm kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng nhưng vẫn còn nhiều bất ổn và biến động phức tạp đang tác động mạnh đến kinh tế nước ta.

Năm 2013, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong nền kinh tế Yên Bái đạt 33,43%, tăng 0,43%.
(Ảnh: Linh Chi)
Năm 2013, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong nền kinh tế Yên Bái đạt 33,43%, tăng 0,43%. (Ảnh: Linh Chi)

Nhận thức rõ khó khăn đó, ngay từ đầu năm tỉnh đã tập trung cao trong chỉ đạo, quản lý điều hành có nhiều tiến bộ nhất là về quản lý đất đai, tài nguyên, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; cùng với sự cố gắng của các cấp các ngành, các thành phần kinh tế, nên hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh năm 2013 đều đạt kế hoạch.

Theo Báo cáo số 340/BC-CTK ngày 21/12/2013 về tình hình kinh tế -xã hội tỉnh Yên Bái năm 2013 của Cục Thống kê tỉnh, tổng sản phẩm xã hội (theo giá hiện hành năm 2010) đạt 13.004 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2012 và là tỉnh có tổng sản phẩm đứng thứ 6/12 tỉnh vùng Tây Bắc. Tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10, 51%, đứng thứ 4 toàn vùng (bình quân vùng Tây Bắc là 9,44%).

Còn theo giá so sánh năm 1994 thì tốc độ tăng trưởng đạt 11,20% (thấp hơn năm 2012 là 1,1%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá rõ nét, trong đó:  tỷ trọng nông, lâm, thủy sản trong GDP đạt 26,46% (giảm 6,25% so với năm 2012 và là năm có tốc độ giảm nhanh nhất từ trước đến nay); công nghiệp - xây dựng đạt 33,43% (tăng 0,43%); dịch vụ đạt 40,11% (tăng 5,82%), GDP bình quân đầu người (giá cố định năm 1994) đạt 20,14 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2012; tính theo giá so sánh năm 2010 đạt 22,89 triệu đồng, đứng thứ 3 trong vùng, vượt xa so với năm 2012 (đứng thứ 10/12 tỉnh).

Trong ba lĩnh vực kinh tế chủ yếu gồm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng so với năm 2012. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 5.672,3 ngàn tỷ đồng, tăng 6,88% so với năm 2012, đứng thứ 5 toàn vùng về tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 282,97 ngàn tấn, tăng  9.570 tấn so với năm 2012, vượt kế hoạch 10,3% và là tỉnh có tổng sản lượng lương thực đứng thứ 5 trong vùng.

Riêng sản lượng lúa cả năm đạt 198,51 ngàn tấn, đứng thứ 6 toàn vùng (năm 2012 đúng thứ 5), lương thực bình quân đầu người đạt 365,67 kg (năm 2012 là 356,89 kg), đứng thứ 11/12 tỉnh trong vùng. Với 11.700 ha chè, Yên Bái có diện tích chè đứng thứ 3 toàn vùng với sản lượng chè búp tươi đạt 91.035 tấn, vượt kế hoạch 0,04 %, nhưng đứng thứ 2 toàn vùng về sản lượng.

Nhiều năm qua, Yên Bái liên tục đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc về trồng rừng mới, kể cả trồng rừng tập trung. Năm 2013, toàn tỉnh trồng mới 15.810 ha rừng, trong đó rừng trồng tập trung đạt 14.940 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 60,02%, đứng thứ 3 trong vùng. Do làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh gia súc nên tổng đàn gia súc chính đạt 588,51 ngàn con, tăng 17,75 ngàn con, đứng thứ 5 toàn vùng. Số lượng đàn gia súc chính tăng là do đàn lợn tăng 19,59 ngàn con, đàn bò và đàn trâu đều giảm so với năm 2012, trong đó trâu giảm trên 1000 con, bò giảm 860 con; tổng đàn gia cầm cầm đạt 3.540 ngàn con, đứng thứ 7 trong vùng.

Tình hình sản xuất công nghiệp năm 2013 có nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi, chính sách cấp mỏ, xuất khẩu sản phẩm, đầu tư công có nhiều thay đổi, các yếu tố đầu vào của sản xuất như nguyên liệu, nhiên liệu, dịch vụ vận tải tăng cao. Song, các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế tham gia sản xuất công nghiệp đã có rất nhiều cố gắng, nhất là trong lĩnh vực khai thác mỏ nên chỉ số phát triển công nghiệp đạt 8,28%, đứng thứ 6 trong vùng.

Trong đó, công nghiệp khai khoáng  tăng 8,53%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,78%, sản xuất và phân phối điện giảm 1,17%, cung cấp nước, xử lý  rác thải, nước thải tăng 2,3%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.556,43 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 13,45% so với năm 2012 và là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 3 trong vùng.

 

Vườn cà chua của gia đình chị Hoàng Thị Dinh ở đội 5, xã Phù Nham (Văn Chấn) mỗi vụ thu hoạch trên 10 triệu đồng.
(Ảnh: Thanh Miền)

Năm 2013, Yên Bái vẫn đang thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ, nhưng với sự cố gắng của các cấp, các ngành của doanh nghiệp, tuy tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (cả vốn Trung ương và vốn địa phương quản lý) chỉ xấp xỉ đạt  kế hoạch nhưng vẫn đạt trên 8.087 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2012, đứng thứ 4 trong vùng  (năm 2012 đứng 6/12 tỉnh).

Hoạt động thương mại, dịch vụ luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tổng giá trị hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 9.388,68 tỷ đồng, tăng 1.560 tỷ đồng so với năm 2012 và tăng gần 18% so với kế hoạch, đứng thứ 6/12 tỉnh.

Các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại đều tăng doanh thu từ 21% đến trên 60%. Mặc dù thị trường xuất khẩu chưa thuận lợi, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch  xuất khẩu của tỉnh quản lý đạt 51,37 triệu USD, tăng 10,58% so với năm 2012, đứng thứ 6 trong vùng về giá trị xuất khẩu của địa phương.

Mặc dù tình hình sản xuất còn nhiều khó khăn, nhưng với ý thức trách nhiệm của các thành phần kinh tế và các địa phương nên thu nội địa tính đến 31/12/2013, toàn tỉnh đạt 1.073 tỷ đồng, vượt 23% dự toán Trung ương giao, vượt 2% dự toán của tỉnh, đứng thứ 5 trong vùng về thu ngân sách trên địa bàn.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong lĩnh vực phát triển kinh tế  Yên Bái vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục như: tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu từ vốn, chưa thực sự từ hiệu quả của nền sản xuất; giá trị sản xuất công nghiệp tăng, trong đó khai thác mỏ chiếm vị trí quan trọng, nhưng chủ yếu lại là bán sản phẩm thô; đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao; hệ thống giao thông chưa đáp ứng thu hút đầu tư; năm 2013 có 73 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, 38 doanh nghiệp giải thể… kinh tế của tỉnh vẫn thuộc nhóm phát triển trung bình trong vùng Tây Bắc.

Năm 2014, nền kinh tế được dự báo có nhiều triển vọng phục hồi. Với truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, chắc chắn kinh tế Yên Bái sẽ có bước phát triển nhanh hơn, đế tiến tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực như nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Trần Thi

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Tại Thông báo 08/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai Tháng cao điểm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết.

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái là một trong những doanh nghiệp có số nộp ngân sách dẫn đầu của tỉnh.

YBĐT - Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn song tỉnh Yên Bái đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách năm.

Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và châu Phi hứa hẹn sẽ có những đột phá mới trong thời gian tới.

YBĐT - Chiều 8/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra công tác đền bù sau thi công công trình đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đoạn qua xã Minh Quân, huyện Trấn Yên (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục