“Bắt tay” bền chặt với nông dân
- Cập nhật: Thứ ba, 14/1/2014 | 2:41:02 PM
YBĐT - Trải qua không ít biến động của giá sắn trên thị trường song với sự “bắt tay” bền chặt giữa Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên (Nhà máy sắn Văn Yên) thuộc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái và người nông dân trong vùng nguyên liệu sắn, 10 năm qua, bài toán về tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Văn Yên đã tìm được lời giải.
Dây chuyền sấy khô bã sắn vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường vừa tăng thêm lợi nhuận.
|
Từ trung tâm xã Quang Minh theo những con đường gập ghềnh dốc đá, chúng tôi tới nương sắn của gia đình chị Đặng Thị Lai ở thôn 1 Khe Ván. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, chị Lai nhờ bà con trong thôn đến đổi công nhổ sắn bán cho Nhà máy sắn Văn Yên. Năm nay, gia đình chị cũng như người dân trong vùng rất phấn khởi khi sắn cao sản cho năng suất cao, bán được giá, thu hoạch đến đâu là nhà máy thu mua hết ngay đến đó. Từ một hộ nghèo, nhà chị không những thoát nghèo mà còn tiến tới làm giàu nhờ thâm canh bền vững 3ha sắn cao sản. Túp lều xưa đã được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố giữa màu xanh bạt ngàn của những nương sắn.
Chị Lai phấn khởi: “Mấy năm nay, nhờ thâm canh sắn cao sản, gia đình tôi đã thoát nghèo. Năm 2012, tôi thu nhập từ sắn được 60 triệu đồng, còn năm nay với giá sắn bán ngay tại nương là 1.500 đồng/kg thì được khoảng 60 triệu đồng. Sắn của gia đình tôi cũng như nhiều bà con khác ở đây thu hoạch đến đâu đều được hợp tác xã vận tải vào mua hết để bán cho Nhà máy sắn Văn Yên”.
Không chỉ riêng gia đình chị Lai mà hàng trăm hộ gia đình người Dao ở xã Quang Minh đều đổi thay nhờ trồng sắn. Trước đây, cuộc sống của người dân địa phương rất khó khăn, nếu chỉ trông vào cây lúa, cây ngô thì may cũng chỉ đủ ăn. Từ khi cây sắn cao sản trở thành cây trồng chủ lực và có Nhà máy sắn Văn Yên đặt tại xã Đông Cuông với hai dây chuyền chế biến tinh bột sắn tổng công suất 150 tấn sản phẩm/ngày, tương đương 600 tấn sắn củ tươi, phong trào trồng sắn cao sản đã lan rộng. Cây sắn đã thật sự làm đổi đời biết bao gia đình người dân ở vùng sắn Văn Yên nói chung và xã Quang Minh nói riêng.
Đến nay, Quang Minh đã có 98% số hộ trồng sắn với tổng diện tích 520ha sắn cao sản. Sản lượng sắn củ tươi ước đạt trên 13.000 tấn, hầu hết đều được bà con bán cho Nhà máy sắn Văn Yên. Riêng năm 2013, thu nhập từ sắn cao sản đã đem lại cho người dân nơi đây gần 20 tỷ đồng.
Nhờ vậy, số hộ nghèo giảm, số hộ khá giàu ngày càng tăng, số hộ trồng sắn có thu nhập 50 triệu đồng trở lên mỗi năm chiếm 30%, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ thâm canh sắn cao sản. Giữ ổn định vùng sắn nguyên liệu, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất, Nhà máy sắn Văn Yên đã thực sự “bắt tay” bền chặt với chính quyền địa phương và người trồng sắn trong việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về giá thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Hàng năm, nhà máy thông qua chính quyền địa phương ký cam kết đảm bảo bao tiêu sản phẩm, áp dụng giá mua linh hoạt theo thị trường, thanh toán nhanh gọn bằng tiền mặt đồng thời có chính sách hỗ trợ canh tác sắn bền vững, trích hỗ trợ theo diện tích, sản lượng, doanh thu để các xã, các hợp tác xã và các đại lý tái đầu tư sản xuất.
Ông Triệu Trung Kim - Phó chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Để có thu nhập từ cây sắn ổn định lâu dài, UBND xã Quang Minh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện và Nhà máy sắn Văn Yên có đầu tư trở lại cho bà con thâm canh sắn bền vững. Do vậy, sản lượng sắn của địa phương trong những năm qua luôn ổn định với năng suất bình quân từ 3 - 4kg/khóm, tương đương 25 - 30 tấn/ha. Bên cạnh đó, địa phương đã ký hợp đồng với nhà máy ngay từ đầu vụ nên người trồng sắn yên tâm về đầu ra và giá cả”.
Ngay từ đầu tháng 10/2013, Nhà máy sắn Văn Yên đã đầu tư kinh phí sửa chữa máy móc thiết bị hoàn chỉnh, chuẩn bị mọi điều kiện cho hoạt động sản xuất niên vụ 2013 - 2014.
Niềm vui mùa thu hoạch sắn.
Ông Ngô Quốc Chinh - Phó giám đốc Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái cho biết: “Đảm bảo nguồn nguyên liệu, ngoài ký kết hợp đồng canh tác bền vững và bao tiêu quản lý vùng nguyên liệu với 8 xã vùng nguyên liệu chính, Nhà máy sắn Văn Yên cũng đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu với 5 hợp tác xã và tất cả các đại lý trên địa bàn huyện, chủ động bố trí đủ vốn cho công tác thu mua nguyên liệu, giá thu mua được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường, cân đo đầy đủ, thanh toán kịp thời. Bên cạnh đó, nhà máy phân công cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các xã, hợp tác xã, đại lý xây dựng kế hoạch thu mua, thu hoạch cho từng địa phương để lượng sắn nguyên liệu đưa về nhà máy không bị thiếu hoặc quá tải”.
Hai dây chuyền chế biến tinh bột sắn của nhà máy hoạt động liên tục 3 ca/ngày/đêm, tổng công suất gần 150 tấn sản phẩm/ngày, lượng nguyên liệu sử dụng tương ứng 600 tấn sắn củ tươi. Đặc biệt, tháng 11/2013, nhà máy đạt sản lượng trên 4.000 tấn sản phẩm, đây là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay đồng thời cũng là tín hiệu vui cho nhà máy trong việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất trên 15.000 tấn sản phẩm niên vụ 2013 - 2014, đảm bảo việc làm ổn định cho 200 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng đến 3,8 triệu đồng/người/tháng.
Nhà máy còn thực hiện tốt việc đóng góp tài chính theo quy định trong Đề án canh tác sắn bền vững của huyện Văn Yên để triển khai công tác khuyến nông ở vùng nguyên liệu; phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện xây dựng các mô hình khảo nghiệm giống sắn có năng suất cao, hàm lượng tinh bột nhiều để có thể áp dụng trên đồng đất Văn Yên.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất - kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, tận dụng nguồn chất thải chế biến thành nguyên liệu phục vụ sản xuất, những năm gần đây, Nhà máy sắn Văn Yên đã nỗ lực đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng hai quy trình xử lý nước thải bằng hệ thống hồ Biogas, giải quyết đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, làm giảm gần như tuyệt đối mùi hôi trong quá trình chế biến. Đặc biệt, đơn vị đã tiếp cận công nghệ thu gom nước thải từ chế biến sắn để tạo thành nguồn nhiên liệu khí gas phục vụ sấy tinh bột sắn.
Cùng với hoàn thiện đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nhà máy đầu tư lắp đặt dây chuyền sấy khô bã sắn làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc trị giá 15 tỷ đồng. Hiện nay, dây chuyền đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, công suất đạt từ 20 đến 30 tấn bã sắn khô/ngày. Những đột phá này không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động tại địa phương cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận cho đơn vị.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Văn Yên trong việc giữ ổn định vùng sắn nguyên liệu tập trung chuyên canh bền vững, sự đồng hành giữa Nhà máy sắn Văn Yên với nông dân vùng nguyên liệu sắn không chỉ là giải pháp lâu dài để người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo mà còn tạo nền móng cho kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn huyện ngày càng phát triển bền vững.
Hồng Vân
Các tin khác
YBĐT - Đội ngũ cán bộ khuyến nông thành phố Yên Bái đã luôn bám sát cơ sở, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, thành phố đến nhân dân.
Theo Tổng cục Thuế, kết quả thu năm 2013 đạt 676.696 tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán (tương ứng vượt 32.196 tỷ đồng) và bằng 112,7% so với thực hiện năm 2012.
Ngày 14-1, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) đã ra mắt mạng lưới ATM thế hệ mới đầu tiên tại Việt Nam với 250 máy được đặt trên toàn quốc. Theo đó, dòng máy ATM này của DongA Bank cho phép khách hàng nạp tiền vào tài khoản với nhiều mệnh giá khác nhau và cùng lúc lên đến 200 tờ.
YBĐT - Nhận định năm nay, tình hình sản xuất hàng giả tại địa bàn không nhiều mà chủ yếu được đưa từ các tỉnh dưới xuôi lên tiêu thụ, do vậy, công tác kiểm tra hướng trọng tâm vào khâu lưu thông.