Trấn Yên đứng vững “hai chân”
- Cập nhật: Thứ tư, 15/1/2014 | 2:12:02 PM
YBĐT - Năm 2013 vừa qua ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên (Yên Bái). Một mùa xuân mới đang về trên quê hương của thạp đồng Đào Thịnh, quê hương Chiến khu cách mạng Vần - Dọc anh hùng.
Chế biến nông lâm sản mang lại giá trị sản xuất và tạo đầu ra cho sản phẩm.
|
Công, nông nghiệp phát triển bền vững
Mặc dù nền kinh tế thế giới và trong nước đã có dấu hiệu phục hồi nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn, song với truyền thống vượt khó đi lên, Trấn Yên đứng vững trên cả “hai chân” hai lĩnh vực kinh tế quan trọng là nông nghiệp và công nghiệp. Huyện đã làm tốt công tác chỉ đạo các ngành và cơ sở triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống; khắc phục những khó khăn do tác động của thời tiết, đồng thời triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng chuyên canh lớn; quản lý và đảm bảo các dịch vụ thủy lợi, khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật, thú y… để kết thúc năm 2013 tổng sản lượng lương thực đạt 28.761 tấn.
Một số chương trình như: lúa chất lượng cao đạt 1.723ha, sản lượng thóc hàng hóa đạt 8.125 tấn; tổng diện tích cây vụ đông đạt 1.327ha, riêng ngô đông 600ha; duy trì 1.89,5ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt trên 15.500 tấn; trồng cải tạo 116ha bằng các giống chè mới chất lượng cao; trồng mới 13,5ha dâu, nâng tổng diện tích dâu lên 130ha, sản lượng kén tằm đạt 152,2 tấn. Chăn nuôi tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong cơ cấu nông nghiệp.
Đến nay, tổng đàn gia súc chính là 62.954 con, bằng 101,7% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm 601.220 con, bằng 116% kế hoạch và tăng 21,5% so với năm 2012. Sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 6.000 tấn. Toàn huyện hiện có 380 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, thủy sản tập trung đã và đang phát huy hiệu quả.
Kinh tế lâm nghiệp tiếp tục trở thành thế mạnh của Trấn Yên, đến nay nghề rừng đã gắn bó với hàng vạn nông hộ, giúp lao động có việc làm, thu nhập và có đời sống khấm khá. Bên cạnh những cây nguyên liệu hay cây quế đặc sản, 2.092ha măng Bát độ, sản lượng măng năm 2013 đạt trên 17 nghìn tấn đã trở thành thứ hàng đặc sản, “thương hiệu” của Trấn Yên.
Cùng với nông, lâm nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được tăng cường công tác quản lý nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thu mua, chế biến nguyên liệu và khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trong năm, huyện đã hoàn thành việc giới thiệu địa điểm cho Công ty May Vinakysung của Hàn Quốc lập dự án đầu tư trên địa bàn thị trấn Cổ Phúc.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện cả năm đạt 183 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2012, trong đó công nghiệp địa phương đạt giá trị 167,8 tỷ đồng; công nghiệp Trung ương và tỉnh quản lý đạt 10,173 tỷ đồng; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5 tỷ đồng…
Cùng với khai thác và chế biến khoáng sản, ngành nghề chế biến nông lâm sản như chè, gỗ… vẫn giữ vai trò chủ lực, tiếp tục có những bước phát triển vững chắc, không chỉ mang ý nghĩa khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn đóng góp đắc lực, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách và việc làm cho người lao động.
Tiếp tục đầu tư và phát triển
Trong bối cảnh khó khăn về tài chính, nhất là nguồn đầu tư công bị cắt giảm nhưng năm 2013 tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện vẫn đạt con số hết sức ấn tượng - 650,5 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 14,2% so với năm 2012; trong đó: vốn đầu tư phát triển của Nhà nước là 299 tỷ đồng; vốn đầu tư ngoài Nhà nước 343 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài 8 tỷ đồng.
Bên cạnh “đại công trường” Yên Bái - Khe Sang đang gấp rút thi công, những con đường mới, những nhà máy mới vẫn tiếp tục mọc lên trên khắp các bản làng, các khu dân cư, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân trong việc tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, sự thông thoáng, tận tình trong việc thu hút các nhà đầu tư…
Theo thống kê, năm 2013, toàn huyện Trấn Yên đã huy động mọi nguồn lực đầu tư kiên cố hóa được 39,34km đường giao thông nông thôn, với tổng ngồn vốn trên 47 tỷ đồng (nhân dân đóng góp 16,468 tỷ đồng); đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 trung tâm gồm: Cổ Phúc, Báo Đáp và Hưng Khánh. Tại thị trấn Cổ Phúc đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để hoàn thiện các tuyến đường nội thị, một số trụ sở cơ quan, đơn vị; nâng cấp, cải tạo hệ thống chiếu sáng… góp phần quan trọng tạo diện mạo mới, mang bóng dáng một thị trấn văn minh và phát triển cho trung tâm huyện lỵ.
Việc giải ngân thanh toán vốn các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản do huyện quản lý được thực hiện tốt với tổng nguồn vốn 88,228 tỷ đồng, đầu tư thực hiện 139 công trình, dự án (trong đó 13 công trình hoàn thành trước 31/12/2012 được thanh toán vốn trong năm 2013; 11 công trình chuyển tiếp; 114 công trình khởi công mới; 1 dự án chuẩn bị đầu tư…, Đến ngày 31/12/2013 mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân, thanh toán đã được giải quyết, tổng số tiền đã thanh, quyết toán là 88,225 tỷ đồng, bằng 99,99% kế hoạch.
Kỳ vọng 2014
Dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những tác động của suy thoái kinh tế nhưng với những thành tựu đã đạt được trong năm 2013 và đặc biệt là với truyền thống của một huyện anh hùng, một Đảng bộ luôn đoàn kết, nhất trí, một chính quyền vững mạnh toàn diện, Trấn Yên có quyền kỳ vọng vào năm 2014 trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế với những mục tiêu đã được xác định: tăng trưởng tổng sản phẩm 10,4% trở lên; trong đó nông - lâm nghiệp tăng 5,7%; công nghiệp - xây dựng 9,7%; dịch vụ 17,5%; tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 21,5 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn 52,1 tỷ đồng; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 702 tỷ đồng…
Để đạt được những mục tiêu này, Trấn Yên đã đề ra giải pháp: tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền; có biện pháp quản lý nâng cao năng lực thi hành công vụ của cán bộ công chức, viên chức; thực hiện kỷ cương hành chính; tiếp tục cải cách hành chính; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp… Cùng với đó là làm tốt công tác dân vận, thanh kiểm tra, đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Lê Phiên
Các tin khác
Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2013 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt mức kỷ lục trên 5,3 tỷ USD.
YBĐT - Những năm gần đây, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nội lực của địa phương, Đảng bộ, chính quyền nơi đây đã tích cực chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa vùng sản xuất ngành nghề.
YBĐT - Đảm bảo cung ứng điện ổn định liên tục phục vụ nhân dân đón xuân Giáp Ngọ, ngay từ tháng 12 năm 2013, Chi nhánh Lưới điện cao thế Yên Bái (Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc) đã lập phương án đảm bảo cấp điện trong dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn vốn này do Hiệp hội Phát triển Quốc tế, cơ quan hỗ trợ các nước thu nhập thấp của Nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ.