Phòng chống dịch bệnh mùa hè cho vật nuôi
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2014 | 10:11:07 AM
YBĐT - Áp dụng các biện pháp chống nóng cho vật nuôi vào mùa hè là rất quan trọng.
Mùa hè, người chăn nuôi cần tăng cường thức ăn thô xanh và chống nắng cho vật nuôi.
|
Qua tập huấn kỹ thuật, mỗi hộ chăn nuôi lại có cách áp dụng cho phù hợp với điều kiện của mình. Gia đình anh Quách Mạnh Cường ở xã Phú Thịnh huyện Yên Bình (Yên Bái) thường xuyên nuôi 100 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, anh cho biết: "Đối với lợn nái, lợn thịt, lợn con trong mùa nóng nên tắm thường xuyên để giảm nhiệt cho cơ thể và vệ sinh thân thể phòng chống các bệnh ngoài da. Đối với lợn con theo mẹ cần giữ ấm, khô ráo, không để ẩm ướt nền chuồng. Nền chuồng phải luôn sạch, khô ráo, cống rãnh phải sạch, không đọng nước, hạn chế phát sinh ruồi, muỗi, rận... trong mùa hè. Định kỳ phun thuốc sát trùng để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè".
Gia đình anh Bùi Minh Hoàng ở thị trấn Yên Bình (Yên Bình) nuôi gà đã 4 năm nay với số lượng 1.000 con gà đẻ trứng mỗi lứa. Anh cho biết: "Mùa nóng, tôi thường tăng thêm số lượng máng uống nước. Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao, vì vậy cần giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh, cho ăn các loại cám chất lượng tốt và phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vắc-xin để tăng khả năng miễn dịch".
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường thường xuyên trên 350C, các loại vi rút, khuẩn gây bệnh truyền nhiễm dễ bị tiêu diệt, nguy cơ bùng phát dịch chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, với điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như giết mổ không tập trung như hiện nay, người chăn nuôi vẫn cần nâng cao ý thức phòng bệnh ở mọi thời điểm trong năm. Biện pháp phòng bệnh bằng vắc-xin là chủ yếu, người chăn nuôi cần tiến hành tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi.
Trong tháng 5 tới, Chi cục Thú y tỉnh sẽ tiến hành tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm với 78.380 liều vắc-xin tụ huyết trùng cho trâu bò, 85.300 liều vắc xin tụ huyết trùng cho lợn, 88.000 liều dịch tả, 320.000 liều New-cát-xơn...
Nếu như trong thời điểm thời tiết giao mùa thường xuyên thay đổi nhiệt độ môi trường do nóng lạnh bất thường, là điều kiện cho các bệnh như: lở mồm long móng, tai xanh, cúm phát triển thì trong mùa hè, nỗi lo lớn nhất lại là bệnh dại.
Ông Lư Ngọc Duyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Trước mắt, Chi cục Thú y tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ tại Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ và tiến hành tiêm 30.000 liều vắc-xin dại. Nếu nhận được tài trợ khoảng 100.000 liều vắc-xin từ Tổ chức Thú y Thế giới sẽ thuận lợi hơn cho việc tiêm phòng trong năm nay vì khi đó, người dân chỉ phải trả tiền công tiêm, số chó trên địa bàn được tiêm sẽ đạt 85%".
Hạn chế những thiệt hại xảy ra trong mùa hè do dịch bệnh cũng như những bệnh ngoại khoa, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chống nóng cho vật nuôi từ chuồng trại đến bổ sung thức ăn. Đặc biệt, cần tiến hành chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, thực hiện tốt việc tiêm phòng, chọn mua giống ở những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên vật nuôi thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng để có những biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất.
Hồng Khanh
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý xuất cấp 7.789.500 liều vắc xin cúm gia cầm H5N1 Re5 thuộc nguồn dự phòng chống dịch khẩn cấp năm 2014 để hỗ trợ một số địa phương tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.
Sản lượng khai thác than quý I chỉ bằng 91,7% so với cùng kì năm 2013 do việc tách Tổng công ty Đông Bắc về Bộ Quốc phòng.
YBĐT - Trấn Yên có diện tích ao, đầm lớn nhất, nhì tỉnh Yên Bái. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, phong trào nuôi thủy sản của huyện khá phát triển, nhất là ở các xã: Minh Quân, Vân Hội, Việt Cường, Nga Quán…