50% vay nước ngoài, 50% vay trong nước
- Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2014 | 1:57:01 PM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có văn bản gửi các đại biểu Quốc về một số nội dung nhằm chuẩn bị phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, bắt đầu vào chiều 10-6.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
|
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng là bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn (trong số ba bộ trưởng và tổng Thanh tra Chính phủ được chọn trả lời chất vấn tại kỳ họp này).
Báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tập trung vào bốn nội dung trọng tâm, trong đó có vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.
Về tình hình nợ công, báo cáo trên cho biết theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỉ lệ thay đổi không nhiều (tỉ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (năm 2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013), hiện ở dưới mức theo quy định của nghị quyết Quốc hội là 65%.
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích lũy từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng thời gian qua.
Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm, 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn trong 2-5 năm. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.
Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại, trong khi cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng này chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
Bộ Tài chính cho biết hiện trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Hiện nay phạm vi nợ công của phần lớn các nước bao gồm nợ chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh.
Còn đối với Việt Nam, theo quy định của Luật quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản, đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm, do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm.
Do vậy cần thực hiện đúng nghị quyết Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Riêng các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.
Cho biết khả năng cân đối nguồn trả nợ, Bộ Tài chính giải thích với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2015, giai đoạn 2016-2020, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khi đó để đảm bảo khả năng trả nợ cần phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng: phải đạt tăng thu 12-14%/ năm, cân đối ngân sách nhà nước vững chắc, bội chi hợp lý, dành khoảng 20% tổng thu ngân sách nhà nước để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.
Các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quá, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định.
Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo nguồn trả nợ của các khoản vay về cho vay lại, định kỳ đánh giá những rủi ro của nợ công để có biện pháp xử lý kịp thời và cơ cấu lại nợ hiệu quả.
Bộ Tài chính nêu ra năm giải pháp chủ yếu cho vấn đề trên, trong đó tập trung phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý tăng chi trả nợ; có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm các khoản vay lãi suất cao, thời hạn ngắn, tăng trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài (5 năm, 10 năm, 15 năm), lãi suất phù hợp với chỉ số lạm phát hiện nay…
(Theo TTO)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2014, thị xã Nghĩa Lộ được tỉnh Yên Bái giao kế hoạch thu ngân sách trên 22 tỷ đồng; HĐND thị xã ra nghị quyết phấn đấu thu 25 tỷ đồng. Tính đến ngày 23/5, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 10 tỷ đồng, bằng 45% dự toán tỉnh giao và bằng 41% dự toán HĐND thị xã giao.
YBĐT - Ông Đặng Văn Thanh - Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái khẳng định: “Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sản lượng điện vào mùa này luôn duy trì ở mức cao hơn từ 11-13% so với những tháng cùng kỳ năm 2013, nhưng năm nay tình trạng thiếu điện sẽ không xảy ra. Công suất dự phòng của hệ thống điện hiện nay là 30%, đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh”.
YBĐT - Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Yên Bái và Ủy ban nhân dân huyện Văn Yên, Đội QLTT số 4 huyện Văn Yên đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều hành vi kinh doanh trái pháp luật, góp phần bình ổn thị trường, làm trong sạch thị trường.
Chiều 9/6, Quốc hội đã “bấm nút” dành 16.000 tỷ đồng từ nguồn cân đối ngân sách 2013 để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư.