Mù Cang Chải: Nỗ lực bảo tồn giống gà đen bản địa

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/6/2014 | 2:43:08 PM

YBĐT - Cùng với danh thắng ruộng bậc thang, táo mèo, rượu thóc La Pán Tẩn, đặc sản gà đen (giống gà của người Mông) đã làm nên “thương hiệu” Mù Cang Chải. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giống gà quý này mới chỉ được chăn nuôi chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, tập quán chăn nuôi lạc hậu dẫn đến mai một dần.

Giống gà đen nuôi theo mô hình Dự án của gia đình ông Nguyễn Trần Hậu, tổ 5 thị trấn Mù Cang Chải.
Giống gà đen nuôi theo mô hình Dự án của gia đình ông Nguyễn Trần Hậu, tổ 5 thị trấn Mù Cang Chải.

So với các loại gia cầm khác, giống gà đen thích nghi với điều kiện khí hậu địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, huyện Mù Cang Chải đang tích cực bảo tồn và phát triển giống gà này.

Gà xương đen là giống gà quý chỉ dân tộc Mông ở các huyện vùng cao mới có. Đây là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông từ đời này qua đời khác. Đối với đồng bào Mông vùng cao Mù Cang Chải thì gà xương đen là một hợp phần quan trọng trong hệ thống sản xuất. Giống gà bản địa thuộc nhóm gà da đen, thịt đen, xương đen, có chất lượng thịt ngon và được người tiêu dùng coi là một giống gà thuốc, bồi bổ cơ thể.

Tại huyện Mù Cang Chải, giống gà này vẫn được chăn thả quảng canh, chăn thả tự nhiên. Do chăn thả trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên như vậy nên gà có phẩm chất thịt tốt: da dày giòn, thịt săn nhưng không dai, ít mỡ, thơm và có vị ngọt đậm đà. Gà xương đen thường có 3 màu chính: hoa mơ, trắng và đen tuyền.

Với bề ngoài nhỏ bé, chỉ từ 1,2 - 1,5kg/con, gà xương đen rất giống với gà rừng, điểm khác biệt lớn nhất là chân của chúng thì đen hoàn toàn. Gà xương đen là đặc sản quý, các món ăn làm từ giống gà này dù đơn giản hay phức tạp cũng có sự hấp dẫn lạ kỳ bởi phẩm chất thịt, hương vị tự nhiên đặc trưng không lẫn với bất kỳ giống gà nào khác. Các món làm từ gà xương đen như canh thịt, nướng, rang muối hay lẩu gà thật sự hấp dẫn, làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất. Nhưng hơn cả giá trị ẩm thực, gà xương đen còn là một vị thuốc quý, là nguyên liệu cho nhiều vị thuốc.

Từ thời phong kiến, gà xương đen được dâng lên các vị vua chúa như một vị thuốc tráng kiện thân thể, bồi bổ dương khí, tăng cường sinh lực. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở khoa học vì theo nghiên cứu, gà xương đen có hàm lượng axit amin cao, lượng cholesterol thấp, trong khi axit linoleic cao nên có giá trị dược liệu, đặc biệt trong chữa trị bệnh tim mạch. Mật gà được dùng chữa bệnh ho cho trẻ em, xương gà được nấu thành cao chữa bệnh run tay chân.

Đặc biệt, gà xương đen có hàm lượng axit glutamic cao (3,87%) vượt trội so với các loại gà khác như gà ri và gà ác nên gà có vị ngọt đậm đà. Về mặt dinh dưỡng, gà xương đen có giá trị gấp nhiều lần so với gà ác, vì thế người dân thường mua loại gà này về tần thuốc bắc, dành để tẩm bổ cho người suy dinh dưỡng. Nhiều tác dụng như vậy nên giá loại gà này không hề rẻ. Một con gà đen với trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg, bán giá thị trường từ 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của cơ quan chuyên môn thì số lượng gà xương đen nuôi trên địa bàn huyện giảm dần qua các năm. Nguyên nhân xuất phát từ đặc tính của loại vật nuôi này phải thả rông, thức ăn chủ yếu tự kiếm, kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu, chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh phòng bệnh không đảm bảo, dẫn đến tỷ lệ nuôi sống đạt thấp, dịch bệnh thường xảy ra trên đàn gà, nhất là vào những tháng cuối năm khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ gà xương đen có thể bị lai tạp là rất cao. Khảo sát 30 hộ tại các xã Chế Cu Nha, Dế Xu Phình và Nậm Có thì số hộ nuôi giống gà xương đen chiếm 25,56%, số hộ nuôi giống gà khác 24,44% và số hộ nuôi gà xương đen lẫn với giống gà khác 40%. Các hộ nuôi chủ yếu tự phát, quy mô nhỏ từ vài con đến vài chục con, vì vậy hầu hết chuồng trại mang tính chất tạm bợ, tận dụng và không đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật. Giống gà này đang ngày một trở nên quý và hiếm, đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng.

Xuất phát từ thực tế trên, năm 2013, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải đã triển khai Dự án xây dựng mô hình nông - lâm nghiệp “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi giống gà của người Mông tại huyện Mù Cang Chải”. Dự án được triển khai cho 10 hộ gia đình, mỗi hộ 50 con gà mái và 5 con gà trống ở xã Khao Mang, Dế Xu Phình và thị trấn Mù Cang Chải. Được hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc thú y, đặc biệt các hộ dân tham gia Dự án được tập huấn về kỹ thuật chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng gà Mông theo phương pháp chăn nuôi cải tiến (kết hợp chăn thả truyền thống với chăn nuôi bán công nghiệp).

Sau một thời gian chăn thả bước đầu đã mang lại hiệu quả: tỷ lệ gà mắc bệnh giảm hẳn, quá trình sinh trưởng, phát triển và sinh sản tốt. Ông Giàng A Vàng ở bản Dế Xu Phình A, xã Dế Xu Phình cho biết: “Trước đây, nhà mình vẫn nuôi loại gà này nhưng cứ để thả tự nhiên, ngày nó đi kiếm ăn, tối về mình chỉ cho ăn thêm ít ngô nữa. Mình không tiêm phòng bao giờ nên gà lớn chậm, hay bị bệnh và chết. Từ khi tham gia Dự án này, mình quây khoảng đất trống sau nhà để nuôi. Mình đầu tư chăm sóc theo sự hướng dẫn của cán bộ thấy gà lớn nhanh hơn và ít bị bệnh hơn. Tết vừa rồi, mình bán hai chục con được lãi hơn hai triệu đồng lấy tiền sắm tết đấy. Nhiều người ở rất xa cũng tìm đến tận nhà mua. Mình sẽ tiếp tục nuôi thêm và tuyên truyền cho bà con cùng làm”.

Theo tính toán, một lứa gà nuôi 4 tháng, đến lúc xuất bán được 1,5kg. Sau khi trừ chi phí 50.000 đồng/con giống từ 4 - 5 lạng, khoảng 55.000 đồng tiền thức ăn, thuốc thú y sẽ cho lãi trên 100.000 đồng/con.

Tại vùng cao, trình độ dân trí thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên việc tìm ra loại cây, con phù hợp không phải dễ dàng. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy những tiềm năng của giống vật nuôi bản địa để phát triển thành hàng hóa sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn làm được điều đó rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn và vấn đề chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong chăn nuôi. Đây chính là tiền đề để người dân vùng cao tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Quang cảnh lớp tập huấn.

YBĐT - Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, Trường Cao đẳng Thủy sản tổ chức lớp tập huấn khuyến nông chuyên nghành nuôi trồng thủy sản.

Giá vàng giảm mạnh sáng nay.

Liên tục điều chỉnh giảm, mỗi lượng vàng miếng SJC sáng nay chỉ còn quanh 36,4 triệu đồng, giảm hơn 300.000 đồng so với sáng hôm qua.

Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra việc hoàn thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua biên giới Việt - Trung.

Cán bộ Chi cục Thuế Trạm Tấu triển khai công tác tháng 6.

YBĐT - Là địa phương vùng cao, điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp nên việc nhận thức về chính sách thuế của người dân huyện Trạm Tấu (Yên Bái) còn nhiều hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục