Đất nghèo chuyển động

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/6/2014 | 9:57:28 AM

YBĐT - Trước đây, cán bộ khuyến khích người dân đưa những giống lúa mới có năng suất cao vào gieo cấy thì nhiều người bảo rằng: “Cấy cái giống lúa ấy tốt thật đấy nhưng cây thấp quá, vịt gà nó với ăn hết thôi!”. Nuôi lợn lai mau lớn nhưng dân không nuôi vì người Thái ở đây kiêng ăn thịt lợn trắng. Vườn rộng nhưng chẳng mấy ai trồng rau...

Đồng bào Thái xã Gia Hội thu hái chè Shan.
Đồng bào Thái xã Gia Hội thu hái chè Shan.

Xã Gia Hội có trên 60% dân số là đồng bào Thái và chỉ cách thị xã Nghĩa Lộ quãng hai chục cây số dọc theo quốc lộ 32. Tiềm năng đất đai khá lớn, nhân lực dồi dào, vậy mà hơn chục năm trước, Gia Hội luôn được coi là rốn nghèo của Văn Chấn. Nhiều thế hệ lãnh đạo xã chẳng giấu giếm nguyên nhân cái sự nghèo là do đại bộ phận dân trí thấp, nếp nghĩ bảo thủ và nhiều người còn lười lao động.

Những nhận định ấy hoàn toàn có cơ sở vì cùng một xã nhưng thôn Hải Chấn của người dưới xuôi lên khai hoang hầu như không có ruộng và phải sống dựa vào cây chè, chăn nuôi nhưng đời sống vẫn khấm khá nhất xã. Thôn Chiềng Pằn của người Giáy chiếm 32% dân số của xã thì đời sống đồng đều hơn và cũng không quá khó khăn như người Thái.

Ở vào thời điểm đầu những năm 1990, khi toàn huyện Văn Chấn đã có phong trào làm vụ 3 trên đất ruộng ở nhiều xã thì Gia Hội hầu như chỉ làm một vụ lúa mùa. Cán bộ khuyến khích người dân đưa những giống lúa mới có năng suất cao vào gieo cấy thì nhiều người bảo rằng: “Cấy cái giống lúa ấy tốt thật đấy nhưng cây thấp quá, vịt gà nó với ăn hết thôi!”. Nuôi lợn lai mau lớn nhưng dân không nuôi vì người Thái ở đây kiêng ăn thịt lợn trắng. Vườn rộng nhưng chẳng mấy ai trồng rau và rau dưới Mường Lò mang lên, nhiều người chẳng dám ăn vì cho là rau đó được tưới bằng nước tiểu. Đất đồi rất nhiều nhưng chỉ trồng lèo tèo ít sắn, ngô giống cũ. Mùa đói phụ lên rừng kiếm măng rau, xuống suối mò tép, vớt rêu đá lo những bữa ăn qua ngày. Cánh đàn ông rủ nhau lên rừng xẻ gỗ, mót cành ngọn pơ mu bán kiếm gạo.

Trước thực trạng này, huyện Văn Chấn đã xác định bằng mọi cách phải đưa Gia Hội thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo, trì trệ. Nhiệm vụ trước hết phải hóa giải tình trạng thiếu đói lương thực khá trầm trọng bằng chính những tiềm năng nông nghiệp của xã. Vì vậy, huyện đã tăng cường cán bộ về xã bám cơ sở, quyết tâm thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Thế rồi, những thửa ruộng đảng viên, những cánh đồng mẫu tăng vụ bằng giống lúa mới bắt đầu được hình thành. Giống lúa, vật tư nông nghiệp được Nhà nước hỗ trợ. Cán bộ cùng ăn, cùng làm với dân trong tâm trạng đầy mối lo âu bởi nếu có rủi ro mà lúa xuân thí điểm không thành thì rất khó mà thuyết phục được bà con.

Tuy nhiên, lòng quyết tâm và tinh thần làm chủ khoa học kỹ thuật đã mang lại thành công bước đầu rất khả quan. Lúa xuân thí điểm năng suất không thua kém lúa mùa và dù thời tiết lạnh khiến lúa chín chậm hơn nơi khác nhưng vẫn kịp cấy lúa mùa. Ròng rã mấy năm liền, đến năm 1998 trở đi, cây lúa xuân mới tạo được chỗ đứng vững chắc ở Gia Hội và sản lượng thóc đã tăng gần gấp đôi nhờ tăng vụ. Để giúp dân thuận lợi trong sản xuất, Nhà nước đầu tư xây dựng cho xã đập thủy lợi Nam Vai cơ bản đủ nước tưới cho 138ha lúa hai vụ.

Sau cây lúa, huyện chỉ đạo Gia Hội tập trung phát triển ngô đồi hai vụ. Sở dĩ phải phát triển cây ngô là vì trước đây, vụ ngô xuân hè, bà con chỉ trồng giống ngô nếp cũ nhưng thời tiết lạnh khiến ngô không mang lại năng suất. Do đó, đất chủ yếu trồng sắn mà sắn không thể trở thành lương thực, làm thức ăn chăn nuôi cũng không hiệu quả, khó bán và giá thấp. Giống ngô mới rất hợp đất và có khả năng chống chịu với thời tiết, sâu bệnh và năng suất bình quân đạt khoảng 4,5 tấn/ha/vụ nên 140ha ngô đã góp phần quan trọng trong tổng sản lượng lương thực.

Sự bứt phá về lương thực từ những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá không chỉ giải quyết được vấn nạn thiếu đói lương thực mà còn tạo được hiệu ứng thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời đã khơi lên niềm tin sâu rộng trong nhân dân với sự lãnh đạo phát triển kinh tế của cấp ủy, chính quyền cơ sở và tạo nền tảng tinh thần cho người dân bắt đầu nghĩ đến việc giảm nghèo.

 

Giống lúa ĐS 3 đang được trồng thử nghiệm ở Gia Hội.

Với tiềm năng sẵn có, huyện chỉ đạo Gia Hội tiến hành ngay quy hoạch đất đồi vườn và vận động nhân dân trồng chè Shan. Việc trồng chè không thuận lợi như cây lúa, cây ngô bởi lẽ chè không phải loại cây truyền thống của đồng bào Thái, giá chè nguyên liệu khi ấy bấp bênh và cây chè phải qua nhiều năm mới cho thu hoạch… nên không ít nhà do dự. Tuy nhiên, cái khó không thể đẩy lùi những chủ trương và quyết sách đúng đắn về phát triển kinh tế.

Ông Lò Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện Gia Hội đã có 140ha chè kinh doanh chủ yếu ở các thôn: Hải Chấn, Nam Vai, Bản Đồn, Bản Van, Minh Nội, Chiềng Pằn và năm 2014 phấn đấu trồng mới 65ha. Chè hái tới đâu đều bán hết và giá của 1kg búp chè Shan luôn ổn định từ 6.000 đồng đến 6.500 đồng. Vụ chè xuân vừa qua, ông Phạm Văn Thanh ở thôn Hải Chấn đã thu tới 6 tấn búp và giá khá cao so với chè chính vụ.

Ông Lò Văn Hồng ở thôn Nam Vai có khoảng héc-ta chè cũng cho nguồn thu khá và nhìn chung loại cây này thực sự là cây mang lại nguồn tích lũy, mua sắm tiện nghi và xây dựng nhà cửa. Những con số thống kê mới đây cho thấy, đời sống kinh tế, xã hội ở Gia Hội đã có những bước tiến khả quan. Trên 1.200 hộ dân cơ bản đều có phương tiện nghe nhìn và có trên 800 xe máy, 10 ô tô vận tải. Bình quân ruộng nước chỉ đạt 280 mét vuông/khẩu nhưng xã không còn hộ đói và bình quân lương thực đạt tới 407kg/người. Đàn trâu, bò có trên 1.600 con và bình quân mỗi hộ nuôi được 4 đầu lợn/năm. Số hộ thuộc diện hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 chỉ có 140 hộ.

Sự phát triển nông nghiệp đang mang lại một sự vận động nội sinh mới ở Gia Hội. Từ chỗ trì trệ trong canh tác lúa thì hiện nay, Gia Hội trở thành điểm nhiều năm thử nghiệm các giống lúa chất lượng, trong đó nổi bật là giống lúa ĐS 1 và đang tiếp tục thử nghiệm tới giống ĐS 3 còn mang nhiều đặc tính hơn giống ĐS 1. Các giống lúa thử nghiệm đều thành công nên người dân đang có xu hướng muốn chuyển sang trồng lúa đặc sản vì giá thóc thương phẩm đắt gấp đôi lúa thường mà lại không đủ cung cấp cho thị trường. Kinh tế, xã hội phát triển đã kéo theo hoạt động dịch vụ được mở mang.

Từ một xã nghèo trước đây, giờ có cả trăm hộ người Thái kinh doanh dịch vụ, tiêu biểu như hộ ông Lò Bắc Nam cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua chè; ông Trương Văn Mười kinh doanh tạp hóa và vận tải; Lò Tiến Thành kinh doanh vận tải và vật liệu xây dựng; Lò Văn Chiến sửa chữa ô tô, xe máy; Lò Thị Vân sửa chữa ti vi và may đồ thổ cẩm; Lò Văn Sơn kinh doanh dịch vụ chăn nuôi thú y… Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ xay xát, cày bừa và tận dụng đất trang trại để nuôi lợn, gà, vịt đặc sản thương phẩm. Những nông dân chịu khó lao động không khi nào làm hết việc bởi vì sau khi làm xong công việc ruộng nương của mình, họ có thể đi làm thuê những công việc khác như làm cỏ lúa, cỏ ngô, cỏ chè, hái chè, vun ngô, bốc vác… để mang lại nguồn thu rất ổn định.

Trước những tiến bộ bước đầu về kinh tế, xã hội ở Gia Hội, ông Lò Văn Tấn - Chủ tịch UBND xã nhận định, để hướng tới một sự phát triển kinh tế, xã hội mang tính bền vững, trước mắt, địa phương tập trung tận dụng lợi thế nông nghiệp để tạo việc làm, nâng cao năng lực tự xóa đói giảm nghèo. Về lâu dài sẽ phải tập trung ưu tiên giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí, dạy nghề cho lao động nông thôn, đẩy lùi những bất cập trong lối nghĩ cách làm bảo thủ, kích thích người dân tự thân vượt khó làm kinh tế thì mới khai thác tốt tiềm năng, lợi thế nông nghiệp ở địa phương.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Với biên độ tỷ giá +/- 1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.458 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.034 VND/USD.

YBĐT - Chiều ngày 18/6, đoàn công tác của Ban kinh tế Trung ương do đồng chí Lê Vĩnh Tân – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Nông dân thị trấn Yên Bình (Yên Bình) thu hái chè, năng suất đạt 80 tạ/ha.

YBĐT - Thời tiết bất lợi cùng với giá cả, vật tư, phân bón tăng cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất, đầu tư thâm canh chè. Song với sự chủ động, nỗ lực, khắc phục khó khăn, tích cực đầu tư thâm canh, chăm sóc, những ngày đầu tháng 6, hàng vạn hộ làm chè cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè tấp nập thu hái, sản xuất, chế biến chè.

Một số cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá điếu xuất, nhập qua kho ngoại quan.

Tổng cục Hải quan yêu cầu một số cục hải quan tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá điếu xuất, nhập qua kho ngoại quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục