Ông trời “đỏng đảnh”, ảnh hưởng vụ xuân

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/7/2014 | 9:07:31 AM

YBĐT - Nông dân các địa phương trong tỉnh Yên Bái vừa trải qua vụ đông xuân đầy khó khăn. Thời tiết bất thường rét đậm, rét hại; hết trời âm u, mưa phùn liên miên kéo dài đến nắng nóng khô hạn đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng. Đến thời điểm này, các địa phương cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân. Đánh giá ban đầu, năng suất lúa đạt 53,71 tạ/ha, giảm 0,21 tạ/ha.

Năng suất lúa đông xuân ở huyện Mù Cang Chải đạt 51,45 tạ/ha.
Năng suất lúa đông xuân ở huyện Mù Cang Chải đạt 51,45 tạ/ha.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy 19.038ha, tăng 327ha so với vụ trước. Cơ cấu giống lúa lai chiếm 55% - 60%, còn lại là lúa thuần chất lượng cao. Bước vào sản xuất vụ đông xuân, nhà nông đứng trước nhiều khó khăn: diễn biến thời tiết phức tạp; giá giống, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tiếp tục leo thang, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất. Sau tết Nguyên đán, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài làm trên 1.890ha lúa thiệt hại tại các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên. Với phương châm không để đất trống, các địa phương đã chủ động các nguồn giống dự trữ đưa vào gieo cấy hết diện tích.

Ông trời “đỏng đảnh” đã làm cây lúa sinh trưởng và phát triển chậm 10 ngày, ảnh hưởng đến trà lúa mùa sớm để làm cây vụ đông. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên vụ này, sâu bệnh phá mạnh, tập trung nhất là giữa vụ và cuối vụ với 2 loại sâu bệnh chính: bệnh đạo ôn, khô vằn.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có thời điểm, diện tích lúa đông xuân nhiễm bệnh lên tới 3.000ha. Các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con tích cực thăm đồng, phát hiện sớm những thửa ruộng nhiễm sâu bệnh để tổ chức phun thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm nên sâu bệnh đã được khống chế kịp thời. Tuy nhiên, sâu bệnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa đông xuân.

Bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân (Trấn Yên) cho biết: "Vụ xuân năm nay, trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Nhà tôi có 7 sào ruộng, đợt rét đậm rét hại thì phải cấy lại 3 sào. Năm nay, sâu bệnh nhiều hơn, có thời điểm cả làng phải lo chống rầy, cũng may phòng trừ kịp thời nếu không mất trắng".

Tính đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, năng suất lúa đạt 53,71 tạ/ha, giảm 0,21 tạ/ha. Nguyên nhân chính lúa đông xuân giảm năng suất là do rét làm giảm khả năng đẻ nhánh, thiếu ánh sáng quang hợp,  ảnh hưởng đến thời gian phân hóa đòng nên hiện tượng số hạt/bông thấp, bông ngắn. Mặt khác, đối với trà lúa trỗ vào thời điểm sau ngày 10/5 gặp nắng nóng gây lép.

Nếu như lúa đông xuân giảm năng suất không đáng kể thì cây ngô ở nhiều nơi thất bát. Xã Quy Mông (Trấn Yên) có diện tích đất soi bãi hơn 120ha, vụ xuân này trồng 70ha ngô. Tuy nhiên, sau tết, mưa phùn kéo dài khiến diện tích ngô trồng từ tháng 1 đến tháng 2 vào kỳ phun râu trỗ cờ gặp giông lốc, mưa rào cây đổ hàng loạt, những bao phấn bị rụng gần hết. Cây ngô xanh tốt nhưng không thụ phấn được dẫn đến ngô không có hạt, nếu có thì hạt lép.

Theo báo cáo của xã, do thời tiết bất lợi khiến ngô mất mùa, chỉ tính riêng mưa bão đã làm thiệt hại 30ha, diện tích ngô còn lại đều không có hạt. Gia đình bà Hoàng Thị Thể trồng 6 sào ngô trên đất soi bãi.

Bà Thể cho biết: "Như các năm trước cho thu hoạch hơn 1 tấn ngô nhưng vụ này hầu như mất trắng. Những đám ngô xanh tốt, bắp đều nhưng thời tiết khắc nghiệt quá, ngô không thụ phấn được nên không có hạt. Vụ ngô này mất trắng, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình". Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: "Đây là năm đầu tiên tình trạng này xảy ra trên địa bàn. Đối với ngô vụ xuân, mọi năm chúng tôi thường nói vui "trồng chơi, ăn thật" nhưng năm nay, diễn biến thời tiết bất lợi khiến ngô mất mùa".

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh trồng trên 19.922ha ngô, vượt 11,9% kế hoạch, tăng 1.772ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích ngô tăng chủ yếu do chuyển đổi lúa nương sang trồng ngô ở hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Năng suất cây ngô đạt 29,45 tạ/ha, giảm 1,7 tạ/ha.

Nguyên nhân năng suất ngô giảm do độ ẩm không khí cao, thiếu ánh sáng, cây không quang hợp được gây hiện tượng mọng nước ở tế bào, ngô sinh trưởng rất tốt ở thân lá nhưng thân mềm yếu nên khi gặp mưa nhỏ, gió nhẹ cũng gây đổ hàng loạt; phần lớn diện tích này trồng vào cuối tháng 1 và tháng 2 xảy ra hiện tượng trỗ cờ phun râu không trùng khớp nên tỷ lệ hạt thấp. Mặc dù giảm về năng suất nhưng sản lượng ngô vụ này vẫn đạt 58.670 tấn, tăng 2.147 tấn so với cùng kỳ do diện tích gieo trồng tăng.

Lúa, ngô giảm năng suất cho thấy diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, chúng ta cần phải rà soát lại để bố trí lịch thời vụ phù hợp cho các loại cây trồng. Cùng với đó là đưa vào nghiên cứu, khảo nghiệm những giống lúa thích nghi với nắng nóng khô hạn; bố trí giống cây trồng phù hợp; áp dụng kỹ thuật thích nghi với biến đổi khí hậu. Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân khẩn trương thu hoạch nốt các loại cây trồng vụ xuân để làm đất, gieo mạ, sản xuất vụ mùa theo đúng kế hoạch, đảm bảo thời vụ sản xuất cây trồng vụ đông.

Văn Thông

Các tin khác
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu dừng thu phí qua hầm Đèo Ngang do đường qua đây bị hằn lún vệt bánh xe.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Sông Đà phải dừng thu phí tại trạm qua hầm đường bộ Đèo Ngang bắt đầu từ 9 giờ ngày 10/7 do mặt đường trước cửa hầm đang bị hằn lún vệt bánh xe gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

Tại Thông báo 260/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 426 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch năm 2015 để hoàn thành các dự án, công trình sửa chữa hồ chứa nước thủy lợi đang thực hiện dở dang của các địa phương đã được hỗ trợ vốn từ năm 2013 nhưng còn thiếu vốn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi với các đại biểu dự buổi làm việc với Tổng cục Thuế ngày 9/7.

Ngành Thuế và Hải quan cần quyết liệt trong việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các cuộc làm việc với hai ngành này.

Trao đổi với báo chí ngày 8/7, Cục trưởng Quản lý Giá (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Việc các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay đổi mẫu mã bao bì là quyền kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục