Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/8/2014 | 8:13:06 AM

Ngày 19-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến vào báo cáo rà soát, xây dựng danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; và danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.

Quản lý nhà nước tốt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Quản lý nhà nước tốt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Bộ KH-ĐT cho biết, hiện có 51 ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh. Bộ KH-ĐT đã đề xuất danh mục chỉ còn 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Về danh mục lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kết quả rà soát cho thấy có 386 ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 16 bộ, ngành. Từ kết quả rà soát và đánh giá, Bộ KH-ĐT đề xuất bãi bỏ 56/386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
 
Bộ KH-ĐT đề xuất xây dựng danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời hoàn thiện quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) theo hướng Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh tương ứng trước khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Chỉ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có thẩm quyền ban hành quy định xác định ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Tại cuộc họp, ý kiến của các bộ, ngành, ý kiến của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đều nhất trí với đề xuất, kiến nghị này của Bộ KH-ĐT.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH-ĐT tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo các danh mục đảm bảo chất lượng, khả thi để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp tới. “Việc xây dựng danh mục và những quy định đặt ra phải nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế sự tùy tiện, nhũng nhiễu và phòng chống tiêu cực, tham nhũng. Quản lý nhà nước không phải là giành thuận lợi cho chúng ta mà quản lý là để tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, làm ăn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chủ động rà soát các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh bị hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý để bãi bỏ nếu đã lạc hậu. Hoặc là bổ sung ngành, nghề đầu tư, kinh doanh vào danh mục hạn chế hoặc phải có điều kiện kinh doanh nếu thấy nhất thiết phải quản lý. Mặt khác, phải tiếp tục rà soát danh mục để giảm bớt các điều kiện không cần thiết hoặc chỉ công bố để hậu kiểm. Việc rà soát để bãi bỏ hoặc bổ sung phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống; phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết hội nhập; bao quát và đảm bảo xử lý được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những vấn đề mới, đòi hỏi mới mà cuộc sống đặt ra.

Về danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng nhất trí với đề xuất không ưu đãi đầu tư đối với các ngành, nghề khai thác tài nguyên, khoáng sản và khoảng 40 ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dù các ngành, nghề này đầu tư ở địa bàn ưu đãi đầu tư; đồng thời chính sách ưu đãi về ngành, nghề, địa bàn đầu tư sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.

Danh mục 8 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh được đề xuất, gồm: Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; kinh doanh chất ma túy; sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, tiêu dùng và xuất khẩu hóa chất Bảng 1; kinh doanh các loại pháo; kinh doanh, tổ chức mại dâm, buôn bán người; kinh doanh thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; thử nghiệm sinh sản vô tính trên người; và sản xuất các sản phẩm biến đổi gen.

(Theo SGGP)

Các tin khác

Theo tin từ Bộ Tài chính ngày 19.8, Bộ vừa có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô VN về việc ban hành cơ chế chính sách thuế nhập khẩu phù hợp để giá ô tô ngang bằng giá các nước trong khu vực.

Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thu hoạch lúa đông xuân tại cánh đồng xã An Thịnh (Văn Yên).

YBĐT - Những năm qua, Văn Yên (Yên Bái) đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nổi bật trong bức tranh sản xuất nông nghiệp là đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung, các sản phẩm từ cây quế, sắn đã khẳng định vị thế trên thị trường trong nước, góp phần đưa kinh tế Văn Yên phát triển bền vững.

Giá vàng thế giới giảm còn 1.298 USD/oz. Giá vàng trong nước giảm 10.000 đồng/lượng còn 36,63 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục