Thêm động lực xóa nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/8/2014 | 7:44:22 AM
YBĐT - Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao thành phố Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015 là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đô thị thành phố.
Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã chú trọng đầu tư chuồng trại chăn nuôi quy mô.
|
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới, thành phố Yên Bái đã và đang tập trung triển khai Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó, việc hỗ trợ người dân đầu tư phát triển, mở rộng qui mô chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp bán công nghiệp, hàng hóa chất lượng cao chính là động lực giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trước kia, diện tích đất chăn thả còn nhiều, gia đình ông Phạm Văn Chính ở thôn Đồng Đình, xã Âu Lâu duy trì đàn trâu thương phẩm và trâu làm sức kéo trên 10 con. Nay diện tích chăn thả, trồng cỏ để nuôi trâu ngày càng thu hẹp cùng với việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao nên chăn nuôi trâu gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế đem lại thấp.
Đang băn khoăn không biết phát triển ngành nghề gì, qua tìm hiểu và được UBND xã phổ biến những chính sách hỗ trợ trong phát triển chăn nuôi của tỉnh và thành phố, ông Chính đã đăng ký tham gia phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt 31 con theo Đề án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao của thành phố Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015. Ngoài việc được hỗ trợ 20 triệu đồng theo qui mô, ông còn đầu tư thêm 80 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống. Hiện gia đình ông duy trì 40 con lợn thịt và lợn nái. Phát triển mô hình chăn nuôi không chỉ giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông nhàn của gia đình.
Ông Phạm Văn Chính chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ vốn để phát triển chăn nuôi! Có được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi sẽ cố gắng đầu tư duy trì tốt quy mô, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.
Cũng giống như gia đình ông Chính, ông Dương Văn Ba thôn 3, xã Giới Phiên đã biết phát huy lợi thế của gia đình có diện tích vườn đồi rộng để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do hạn hẹp về nguồn vốn, gia đình ông chỉ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế đem lại thấp. Khi được xã và thành phố phổ biến các chính sách hỗ trợ trong chăn nuôi, ông đã đăng ký tham gia mô hình nuôi gà thả vườn quy mô 300 con trở lên theo Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao của thành phố giai đoạn 2012 - 2015. Mặc dù mô hình mới được đầu tư mở rộng nhưng đã khẳng định hướng đi đúng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Ba phấn khởi cho biết: “Tham gia Đề án sẽ tạo điều kiện cho gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng ngay tại quê hương. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước!”.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới đồng thời triển khai Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2012 - 2015 đạt hiệu quả, UBND thành phố Yên Bái đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, phường bám sát các văn bản hướng dẫn của tỉnh, thành phố để chỉ đạo thực hiện sản xuất nông nghiệp, lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp đã và đang thực hiện trên địa bàn như Quyết định 76 của tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phục hồi thu nhập để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao.
Trong năm 2014 này, thành phố tập trung triển khai hỗ trợ 840 triệu đồng để phát triển 42 mô hình chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản; hỗ trợ 259 triệu đồng cho sản xuất và nuôi trồng nấm thương phẩm, nấm dược liệu; hỗ trợ 70 triệu đồng phát triển mô hình chăn nuôi thỏ và 130 triệu đồng phát triển mô hình gà với qui mô 300 con/lứa. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, thành phố đã tiến hành thẩm định và chấp thuận đầu tư 52 dự án chăn nuôi; đã tiến hành giải ngân cho 20 cơ sở với số tiền 280 triệu đồng.
Tính từ năm 2008 đến nay, thành phố đã hỗ trợ cho trên 500 cơ sở chăn nuôi gồm lợn thịt, lợn nái, gà, ba ba, nhím, thỏ với số tiền hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng. Riêng trong năm 2013, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên 4 tỷ đồng, trong đó nguồn của tỉnh là 1,8 tỷ đồng, nguồn của thành phố gần 1 tỷ đồng, nguồn của Chương trình phục hồi thu nhập đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai 1,4 tỷ đồng. Các mô hình chăn nuôi được hỗ trợ phát triển và nhân rộng đã và đang hình thành rõ nét hơn theo hướng tập trung, hàng hóa chất lượng cao, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đánh giá về hiệu quả của các dự án chăn nuôi có sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố, bà Trần Thị Nguyệt - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Yên Bái cho biết: “Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, thành phố đối với các cơ sở chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp thành phố, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ đã góp phần tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, phù hợp với người tiêu dùng, thay đổi đáng kể về phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất hàng hóa”.
Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao thành phố Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015 là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đô thị thành phố. Đây là một hướng đi đúng đắn, là động lực giúp người dân thành phố Yên Bái tiếp tục năng động, sáng tạo, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Lê Hương - Đức Minh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 21/8, Sở Công thương phối hợp với Chi cục Hải quan tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu năm 2013 và 8 tháng đầu năm 2014; triển khai các giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2014.
YBĐT - Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện luôn duy trì và phát triển tốt nhiều phong trào, thu hút đông đảo chị em tham gia. Đặc biệt, các cấp hội tích cực giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững bằng nhiều hoạt động như cho vay vốn, hỗ trợ cây - con giống, ngày công lao động...
YBĐT - Chăn nuôi cần phải phòng chống dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất là tiêm phòng. Đây là giải pháp vừa an toàn vừa tiết kiệm về tài chính trong tương lai. Phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh" đã được đưa ra từ lâu nhưng xem ra, người chăn nuôi vẫn chưa thật chú ý đến khâu quan trọng này.
Trong phiên giao dịch ngày 20/8 tại thị trường châu Á, đồng USD leo lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua so với đồng euro và đồng yen, sau khi xuất hiện các tín hiệu sáng từ lĩnh vực xây dựng của Mỹ, giúp củng cố niềm tin của giới đầu tư vào "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới.