Thay đổi phương thức chăm sóc chè

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/9/2014 | 2:40:00 PM

YBĐT - Với gần 12.000ha và sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 90.000 tấn, Yên Bái đang đứng vào hàng những tỉnh có diện tích chè lớn của cả nước. Gần như đứng đầu cả nước về diện tích chè nhưng Yên Bái lại chưa có thứ hạng trong chất lượng sản phẩm. Một phần nguyên nhân xuất phát từ quy trình trồng và chăm sóc. Vì vậy, để nâng cao chất lượng chè, nông dân cần thay đổi phương thức chăm sóc.

Nông dân xã Việt Cường (Trấn Yên) trồng chè Bát Tiên cho hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân xã Việt Cường (Trấn Yên) trồng chè Bát Tiên cho hiệu quả kinh tế cao.

Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo ngay từ khâu chọn giống cần chọn những cây khỏe, chất lượng tốt. Việc bón phân cũng cần được chú trọng để cây có sức phục hồi và cho nhiều búp. Mỗi năm cần bón đủ phân 3 lần với đầy đủ các loại phân đạm - lân - kali, kết hợp cùng việc trồng các loại cây che bóng sao cho vừa phải, sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đủ thời gian cách ly…

Lý thuyết là như vậy và người làm chè hàng năm đều đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của hệ thống khuyến nông, những lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; quy trình trồng chè ai cũng biết lại thêm kinh nghiệm mấy chục năm làm nhưng chè Yên Bái năng suất vẫn không cao, chất lượng vẫn chưa tốt, thậm chí còn tồn dư cả thuốc bảo vệ thực vật trong búp…

Những người nông dân như bà Nguyễn Thị Sơn ở xã Hán Đà (Yên Bình) lý giải cho cách làm truyền thống của mình: "Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật rồi nhưng nếu làm đúng như vậy thì mất nhiều thời gian và công sức, đầu tư cũng nhiều trong khi giá chè búp tươi bây giờ thấp lắm, chỉ hơn 3.000 đồng/kg. Nếu đầu tư phân bón, công chăm sóc, làm cỏ như vậy thì chẳng còn được bao nhiêu. Ngay cả phun thuốc trừ sâu cũng thế, chè đủ thời gian cách ly nhưng giá bán cũng không khác gì những chè chưa đủ thời gian cách ly".

Đúng như nhiều người nhận định, cây chè đang "dưới đói, trên đau". "Dưới đói" vì mỗi năm chỉ bón có một lần phân mà chủ yếu là phân bốc lá, cây không có sức phát triển lâu dài. "Trên đau" vì nông dân bây giờ thu hoạch theo kiểu tận thu, thu hoạch bằng máy vừa nhanh vừa tiện, tiết kiệm chi phí thuê nhân công, không còn thu hái một tôm, hai lá mà là một tôm kèm bảy tám lá, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Đặc biệt phải kể đến cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho chè. Có lẽ, chè đang là một trong những loại cây trồng được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất, chỉ xếp sau rau và lúa.

Kỹ sư Hoàng Yến - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết: "Do đặc điểm cây chè trồng lâu năm nên nguồn sâu bệnh tồn tại và tích lũy từ mùa này sang mùa khác, từ vụ này sang vụ khác trên nương chè lớn đồng thời gây hại trên tất cả các bộ phận của cây. Chủ yếu là một số loại sâu hại như rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ… hoặc một số bệnh như phồng lá, thối búp… đều làm ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng chè. Điển hình vài năm trở lại đây, do thời tiết âm u nên bệnh phồng lá trên cây chè cũng phát sinh nhiều, mỗi năm có hàng trăm héc-ta nhiễm bệnh".

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, có 378ha chè nhiễm rầy xanh, 498,5ha nhiễm bọ xít muỗi, 472ha nhiễm bọ cánh tơ, 30ha nhiễm nhện đỏ... Có một thực tế, người trồng chè đang quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tràn lan, thậm chí còn hỗn hợp nhiều loại thuốc hay sử dụng các loại thuốc có độc tố cao, giết chết các thiên địch có lợi như bọ rùa đỏ, ong, kiến ba khoang...

Theo điều tra của cơ quan chuyên môn tiến hành trong năm vừa qua, tại vùng chè Văn Chấn, mỗi héc-ta chè, người nông dân phải bỏ ra từ 250.000 - 300.000 đồng/năm mua thuốc bảo vệ thực vật. Lượng thuốc này sẽ tồn dư trong đất, trong nước lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kỹ sư Hoàng Yến cũng cho biết thêm: "Bà con nông dân cần đưa các loại chè giống mới có năng suất cao vào trồng, thay thế các giống chè cũ. Để hạn chế sâu bệnh, cách chăm sóc chè lâu nay cũng cần thay đổi. Thay vì chỉ bón phân một lần, chỉ sử dụng các loại phân làm tốt lá, bà con cần bón phân đầy đủ 3 lần mỗi năm, kết hợp với phân chuồng để tránh làm chai sạn đất. Ngoài ra, cần trồng thêm những cây họ đậu để cải tạo đất. Nếu đến ngưỡng cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải tuân thủ nguyên tắc "4 đúng", chú ý bảo vệ các thiên địch có lợi".

Hiện nay, đã có những hộ nông dân trồng những giống chè có chất lượng cao như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất và chất lượng cao với giá bán không hề rẻ. Vì vậy, bà con nông dân cần tích cực đầu tư, chăm sóc, phát triển các giống chè đặc sản, tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc chè an toàn để chè thực sự là cây công nghiệp hàng đầu của Yên Bái.

 Hồng Khanh

Các tin khác

YBĐT - Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Đào Ngọc Thức và mô hình nuôi thỏ của gia đình anh Đặng Mạnh Hùng, thôn Đồng Đình chỉ là hai trong số rất nhiều nông dân làm kinh tế giỏi ở xã Âu Lâu thực hiện theo phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Chế biến nông sản xuất khẩu.

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga cho biết: Những mặt hàng như rau, củ, quả, nông sản, sản phẩm thịt của Việt Nam đều có thế mạnh.

Sáng 5.9, giá vàng miếng SJC giảm 80.000 đồng/lượng so với ngày 4.9. Đầu ngày, giá mua - bán vàng miếng SJC về mức 36,2 - 36,32 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, giá vàng tăng lên mức 36,23 - 36,35 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 31/12/2015, các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Yên Bái sẽ chính thức chấm dứt hoạt động.

YBĐT - Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất gạch thủ công bằng cách đốt lò đã đem lại việc làm, thu nhập và cung cấp lượng vật liệu xây dựng khá lớn cho người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất gạch thủ công tiêu hao nhiều nhiên liệu, thu hẹp đất trồng lúa, gây ô nhiễm môi trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục