Đổi thay Bản Mù
- Cập nhật: Thứ tư, 10/9/2014 | 2:45:42 PM
YBĐT - Bản Mù trước đây là địa bàn khó khăn, thiếu thốn lạc hậu nhất, nhì của huyện Trạm Tấu. Nhưng đó là chuyện của vài năm về trước, giờ đây Bản Mù đã khác xưa, không còn hộ thiếu đói triền miên, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm dần.
Chăn nuôi đại gia súc là một trong những thế mạnh được xã bản Mù lựa chọn để phát triển kinh tế.
|
Dân số chiếm 98% là đồng bào Mông, trước đây, tỷ lệ hộ đói nghèo ở Bản Mù có lúc lên tới trên 90%. Cũng đã có thời điểm, do tình trạng đói nghèo cộng với thiếu hiểu biết, hàng chục hộ người Mông đã bán cả ruộng vườn, nhà cửa để di cư. Không thể để người dân bỏ quê hương đi và muốn giữ được họ thì trước tiên phải lo cho họ no cái bụng, cấp ủy, chính quyền xã đã đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Giải pháp đầu tiên là phải giúp người dân phát triển kinh tế, khai hoang ruộng nước, thâm canh tăng vụ, đưa các cây, con giống mới vào sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Chủ trương là vậy nhưng để triển khai được thì chúng tôi đã phải làm thật tốt công tác dân vận vì suy nghĩ của bà con không dễ thay đổi trong ngày một, ngày hai. Chúng tôi chọn giải pháp cử cán bộ "ba cùng": ăn, ở, lao động với bà con".
Cách đây mười năm, cả xã chỉ có gần chục héc-ta ruộng nước, hàng năm chỉ trồng được 1 vụ lúa nhưng lại phải trông vào thời tiết và không được chăm bón nên năng suất thấp. Ngoài lúa, dân bản trồng thêm vụ ngô nhưng cây ngô còi cọc, bắp bé không có hạt... Cái đói đeo bám người dân nơi đây, mỗi năm, Nhà nước phải trợ cấp cho địa phương 40 - 50 tấn gạo cứu đói.
Chủ trương đúng, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự nhiệt tình của cán bộ ngành nông nghiệp và sự tiếp thu, học hỏi của chính đồng bào đã thay đổi suy nghĩ, cách làm trong sản xuất, đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, quen dần với phương thức kỹ thuật canh tác ruộng nước. Ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương huy động sự vào cuộc của tất cả các đoàn thể cùng người dân khai hoang ruộng nước. Những chân ruộng ít nước, bà con làm đường ống dẫn nước về để cấy. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn xã có trên 761ha. Trong đó, diện tích trồng lúa trên 500ha, ngô trên 200ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 2.400 tấn, tăng 156 tấn so với năm 2010; lương thực bình quân đạt trên 600kg/người/năm.
Cùng với việc tăng diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng, chính quyền xã Bản Mù còn vận động bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc. Bản Mù được coi là xã có phong trào chăn nuôi đại gia súc phát triển nhất, nhì huyện với trên 900 con trâu, gần 800 con bò. Những năm qua, nhận thấy giá trị kinh tế từ con trâu, con bò nên người dân chăm sóc tốt đàn gia súc, dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin.
Ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngoài việc vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào làm lúa, ngô, người dân đã tích cực chăn nuôi để phát triển kinh tế. Vì vậy, đàn gia súc của xã mỗi năm một tăng, so với đầu nhiệm kỳ đã tăng 220 con, tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại đạt trên 80%, có gần chục héc-ta trồng các giống cỏ voi, VA06, Guatamela. Thời gian tới, địa phương lấy chăn nuôi gia súc làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế".
Bản Mù giờ đây về vấn đề lương thực cho bà con cơ bản đã được giải quyết. Đặc biệt, những năm gần đây, được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi kiên cố, người dân được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, biết sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách cho cây trồng nên năng suất đạt cao hơn.
Cùng với đó, bà con còn biết thâm canh tăng vụ, không chỉ độc canh cây lúa như trước, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Điện cũng đã về tới từng nhà. Con đường bê tông chạy từ trung tâm huyện lên xã rồi các con đường liên thôn cũng đang dần được cứng hóa đã giúp người dân thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa. Có đường giao thông thuận lợi, hàng hóa cùng các phương tiện kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu về xã dễ dàng hơn đồng thời nhận thức, tập quán canh tác của đồng bào cũng thay đổi dần. Bà con đã biết sử dụng các giống lúa mới, ngô mới; ruộng đất không còn bỏ hoang…
Dẫu còn lắm khó khăn với trên 79% số hộ nghèo nhưng bắt đầu từ sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi người dân cùng sự năng động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hy vọng rằng cuộc sống của trên 700 hộ dân nơi đây sẽ mỗi ngày thêm khởi sắc.
Hồng Duyên
Các tin khác
Tổng cục Hải quan vừa chính thức công bố thêm 8 doanh nghiệp ưu tiên nâng tổng số doanh nghiệp đã được công nhận lên con số 24.
YBĐT - Dịch cúm A/H1N1 và cúm A/H7N9 đợt đầu năm vừa lắng xuống thì mới đây, thông tin vi-rút cúm A/H5N6 trên gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố. Đây là chủng vi-rút mới có độc lực cao, có khả năng lây lan thành dịch. Trước nguy cơ này, ngành chăn nuôi Yên Bái không thể chủ quan.
Từ 18 giờ tối 9/9, các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục giảm giá bán xăng dầu từ 30 đồng - 150 đồng/lít. Đây là lần giảm giá liên tiếp lần thứ 5 trong vòng 40 ngày của mặt hàng này.
YBĐT - Ngày 9/9, Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tập huấn việc thực hiện Thông tư số 119/2014/TT- BTC về cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế và đối thoại với doanh nghiệp năm 2014.