Tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/9/2014 | 2:41:23 PM

YBĐT - Theo thống kê của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Lục Yên (Yên Bái), doanh thu 6 tháng đầu năm của các HTX đạt 4.419 triệu đồng và ước thực hiện cả năm đạt 8.838 triệu đồng, tăng 3,8% so với năm trước; thu nhập bình quân của thành viên lao động thường xuyên trong HTX năm 2014 ước đạt 18 triệu đồng.

Sản phẩm gà thịt của HTX Hoàng Hà.
Sản phẩm gà thịt của HTX Hoàng Hà.

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế tập thể ở Lục Yên đã có nhiều chuyển biến cả về lượng và chất. Các hợp tác xã (HTX) đã từng bước củng cố, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn và có sự đổi mới về phương thức hoạt động, góp phần tích cực nâng cao đời sống cho các thành viên và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp.

Trên địa bàn huyện Lục Yên hiện nay có 30 HTX, 31 tổ hợp tác và trên 460 thành viên hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực kinh tế với tổng số vốn điều lệ là 19.844 triệu đồng, trong đó có 1 HTX và 1 tổ hợp tác được thành lập trong năm 2014. Theo ông Hoàng Trung Hải - Phó Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm số lượng nhiều nhất với 20 HTX.

Hiện các HTX này chuyển từ hoạt động kinh doanh thuần túy như cung ứng cây trồng, tiêu thụ sản phẩm, chế biến nông sản, cung ứng dịch vụ sang đa ngành, đa nghề với mục tiêu là hỗ trợ kinh tế hộ phát triển; tập trung củng cố, chuyển đổi, hình thành và phát triển từng mô hình cho phù hợp, nhất là việc hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến, từ đó nhân rộng các mô hình hợp tác.

Cách làm của các HTX này là giao khoán cho thành viên trực tiếp sản xuất nhằm mang lại cho thành viên lợi nhuận từ vốn góp cổ phần và giải quyết tiêu thụ sản phẩm làm ra của thành viên. Tiêu biểu trong số này phải kể đến vùng trồng cây dong riềng của HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tân Lĩnh; sản xuất chăn nuôi, thu mua gà thịt và sản phẩm của HTX Hoàng Hà; sản xuất, thu mua mây, tre, giang đan của HTX Toản Thắng…

Bên cạnh đó, 7 HTX trong lĩnh vực công nghiệp cũng hoạt động tương đối ổn định, năng động trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho thành viên và người lao động. Ngành nghề sản xuất của các HTX này chủ yếu là khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ rừng trồng…

Theo thống kê của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, doanh thu 6 tháng đầu năm của các HTX đạt 4.419 triệu đồng và ước thực hiện cả năm đạt 8.838 triệu đồng, tăng 3,8% so với năm trước; thu nhập bình quân của thành viên lao động thường xuyên trong HTX năm 2014 ước đạt 18 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế trong số 30 HTX thì chỉ 9 HTX có doanh thu, còn lại gần như ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả.

Các HTX công nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên hoạt động khá ổn định và hiệu quả.

Qua tìm hiểu cho thấy, cũng như các địa phương khác, phần lớn HTX ở Lục Yên đều có qui mô nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn manh mún, chưa năng động; năng lực hoạt động chưa đồng đều, trụ sở làm việc thiếu, trình độ lao động còn thấp; một số nơi thành viên tham gia mang tính hình thức, chưa thu hút sự tham gia đầy đủ và phát huy tinh thần trách nhiệm của thành viên vào hoạt động cũng như công tác kiểm tra, giám sát…

Ông Hoàng Trung Hải cho biết thêm: “Những hạn chế trên bắt nguồn từ nhận thức của nhân dân về HTX theo các qui định mới của Nhà nước còn chưa rõ ràng; công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể ở các xã, thị trấn chưa được triển khai, kiện toàn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, các HTX chưa tích cực huy động các nguồn lực nội tại để phát triển, chậm thích ứng với những thay đổi của cơ chế thị trường; trình độ, năng lực của hội đồng quản trị HTX còn hạn chế, hầu như chưa qua đào tạo”.

Trước những khó khăn này, thời gian qua, Lục Yên đã tiến hành rà soát, thống kê tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX để tiến hành kiện toàn hoặc giải thể các HTX hoạt động kém hiệu quả đồng thời hướng tới nâng cao sự phát triển kinh tế tập thể. Theo đó, huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể và thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tập thể phát triển. Cụ thể, các chính sách trợ giá, trợ vốn, tìm đầu ra cho kinh tế hợp tác sẽ tiếp tục được vận dụng; tăng cường quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể; tăng cường hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra việc thi hành Luật HTX và việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn huyện; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể về thuế, tín dụng, đất đai…; tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình quốc gia về lao động, việc làm và xóa đói giảm nghèo…

Hùng Cường

Các tin khác
Giá vàng đồng lọa giảm. Ảnh minh họa.

Mở cửa thị trường, giá vàng trong nước đồng loạt đi xuống, chiều mua tuột khỏi mốc 36 triệu đồng/lượng, chiều bán về sát mốc trên. Hiện giá đã xuống mức thấp nhất hơn 3 tháng qua.

3.000 tỷ đồng là số tiền ước tính để thực hiện việc dán tem lên sản phẩm bia. 2.000 tỷ đồng là chi phí mua tem và 1.000 tỷ đồng cho chi phí in tem, khấu hao và chi phí khác.

Cây thanh long trồng thử nghiệm trên đất Ngọc Chấn.

YBĐT - Ngọc Chấn - một trong những xã xa nhất nhì của huyện Yên Bình chỉ sau có Xuân Long. Bởi vậy mà, trong chuyến công tác lần đầu đến Ngọc Chấn, tôi khá hoang mang và gợn chút nản lòng. Nhưng rồi đó lại là một chuyến công tác khá thú vị khi đến với miền đất và con người nơi vùng đông hồ Thác Bà này. Duy chỉ có điều tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi rằng sao Ngọc Chấn vẫn nghèo, vẫn nhiều khó khăn đến thế?

NHNN vừa ban hành thông tư liên quan việc trả bảo hiểm tiền gửi cho người dân khi ngân hàng mất khả năng thanh khoản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục