Lần đầu Ngọc Chấn
- Cập nhật: Thứ năm, 11/9/2014 | 9:13:59 AM
YBĐT - Ngọc Chấn - một trong những xã xa nhất nhì của huyện Yên Bình chỉ sau có Xuân Long. Bởi vậy mà, trong chuyến công tác lần đầu đến Ngọc Chấn, tôi khá hoang mang và gợn chút nản lòng. Nhưng rồi đó lại là một chuyến công tác khá thú vị khi đến với miền đất và con người nơi vùng đông hồ Thác Bà này. Duy chỉ có điều tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi rằng sao Ngọc Chấn vẫn nghèo, vẫn nhiều khó khăn đến thế?
Cây thanh long trồng thử nghiệm trên đất Ngọc Chấn.
|
Quyết định đi đường thủy. Giữa cái nắng gay gắt cuối hạ, chúng tôi vội vã chạy xe ra cảng Hương Lý. Chuyến ca nô khởi hành lúc 14 giờ 15 đã đậu bến đón khách. Lác đác hành khách ngồi ở mấy quán cóc ven hồ, xe máy được đưa lên tàu xếp đặt gọn gàng, thứ tự. Chuyến tàu không đông lắm, hành khách chủ yếu về các xã Mỹ Gia, Cảm Nhân, Xuân Long, Ngọc Chấn.
Giữa cái nắng nóng gay gắt đến ngột ngạt, con tàu rẽ nước hồ Thác Bà trong xanh đưa hành khách tìm về bến đỗ. Dọc hành trình, ngắm nhìn những hòn đảo xanh xăm xắp như bát úp, chân đồi thì đã chìm sâu dưới nước hồ trong xanh cảm giác thật thư thái, thanh bình. Những đám mây, bồng bềnh trắng muốt đủ hình thù như đùa giỡn như làm duyên làm dáng giữa trời xanh thăm thẳm, loáng bóng xuống mặt hồ. Giữa bồng bềnh sóng nước, giữa cảnh sắc nên thơ ấy không hiểu từ khi nào cảm giác háo hức, thú vị đã đánh tan mọi lo âu.
Biết tôi lần đầu đến Ngọc Chấn, mọi người trên tàu nhiệt tình lý giải hành trình, rằng khoảng 2 tiếng thì tới bến. Cũng có khi chạy thẳng nhưng khi có khách về Mỹ Gia, tàu sẽ ghé qua cho khách xuống, rồi mới đến bến cuối cùng. 16 giờ 30 tàu cập bến, nắng vẫn xiên khoai. Chúng tôi chia tay những người bạn đồng hành chân chất, lên xe máy chạy gần chục cây số nữa thì về đến trụ sở xã Ngọc Chấn.
Địa bàn Ngọc Chấn như một lòng chảo nhỏ xinh nằm gọn trong 7km từ đèo Tán Sính giáp xã Cảm Nhân đến đèo Ngọc Hình giáp ranh với xã Xuân Long đều của huyện Yên Bình. Người dân ở đây kể: Trước khi xây dựng Thủy điện Thác Bà thì Ngọc Chấn vốn là một miền đất bằng phẳng rộng lớn ngoài lòng hồ mang tên Làng Bạc rồi Thu Vật. Khi di dân nhường đất cho Thủy điện, một phần dân số Ngọc Chấn đi định cư ở Trấn Yên, Mường Lai (Lục Yên), rồi sang cả Hàm Yên của tỉnh bạn Tuyên Quang…
Hôm nay, Ngọc Chấn có 5 thôn trên 600 hộ dân và 2.684 nhân khẩu. Gần 100% dân số là đồng bào Tày. Trước đây khi chưa có đường Vĩnh Kiên - Yên Thế, không chỉ Ngọc Chấn mà hầu hết các xã vùng Đông hồ Thác Bà này đều hết sức khó khăn về đi lại, thông thương. Song hơn 10 năm nay, tỉnh lộ Vĩnh Kiên - Yên Thế đưa vào sử dụng đã mở ra nhiều thuận lợi. Ngược đường là thẳng lên đất “Ngọc” - Lục Yên rồi sang Hàm Yên - Tuyên Quang hay về thành phố Yên Bái cũng chỉ 70km. Giờ đây người dân bán con lợn, con gà hay lớn hơn là tiêu thụ nông, lâm sản, thực phẩm đã không còn bị ép giá như những năm trước. Cùng với đó, các chương trình dự án 134, 135, vốn Ngân hàng thế giới WB đầu tư cơ bản hệ thống đường điện, công trình nước sạch, kênh mương nội đồng… - những yếu tố nền tảng để phát triển.
Thuận lợi nhưng Ngọc Chấn vẫn chưa thể bứt phá, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 32%, số hộ cận nghèo và nguy cơ tái nghèo vẫn còn cả trăm hộ. Sản xuất còn manh mún, chưa hình thành rõ nét thế mạnh nào để sản xuất hàng hóa. Đồng bào chủ yếu vẫn tự cung tự cấp. Ngọc Chấn chưa có chợ, chưa có nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn cũng mới chỉ có hai điểm nhỏ quy mô gia đình… Đó là những thông tin mà các đồng chí lãnh đạo đề cập về những khó khăn của Ngọc Chấn. Chợt nghĩ, thông thường nơi nào thương mại, dịch vụ chưa phát triển hoặc không phát triển được thì đã phần nào nói lên những khó khăn, nghèo nàn của nền kinh tế. Đồng chí Chủ tịch UBND xã bảo: “Ngọc Chấn chưa có chợ. Cũng có quy hoạch rồi ấy thế nhưng mà cũng lo xây dựng chợ rồi lại lo không có người họp vì ở hai đầu là Cảm Nhân và Xuân Long đều đã có chợ cả”. Tôi chưa hẳn đồng tình với quan điểm của đồng chí Chủ tịch xã. Bởi thương mại, dịch vụ là cán cân của sự phát triển. Có chợ, có hàng quán, có đại lý mới lưu thông tiền tệ. Khi có chợ, người dân sẽ không phải đi xa, việc bán mua thuận lợi. Có khi chỉ bắt đầu từ những sản phẩm vườn nhà, con gà, quả trứng thôi nhưng sẽ là cú hích giúp bà con thay đổi tư duy để rồi năng động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế. Và rồi thì cũng mới thu hút được sự đầu tư, mua bán trao đổi từ bên ngoài vào địa bàn…
Đối với giao thông nông thôn, trong khi ở nhiều địa phương khác trong tỉnh tích cực, sôi động là thế nhưng ở Ngọc Chấn thì dường như mới chỉ khởi động. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến đất, ngày công lao động nâng cấp, mở rộng đường vào cụm dân cư 17 tuyến trên địa bàn toàn xã.
Tuy vậy, hầu hết vẫn còn là đường đất và việc bê tông hóa các tuyến đường thì sẽ vẫn còn là hành trình dài. Bởi hiện xã mới chỉ có chưa đầy 1km đường bê tông được xây dựng bằng nguồn vốn 135. Cả xã chỉ có 139ha ruộng hai vụ, diện tích ruộng chia theo khẩu chẳng được bao nhiêu, thậm chí những hộ mới tách chưa chia lại thì cũng chẳng có mét ruộng đất nào. Bởi vậy mà Ngọc Chấn không thể trông vào ruộng. Còn chăn nuôi, theo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của xã năm 2013 thì chăn nuôi đại gia súc và gia cầm chưa phát triển, chủ yếu mới chỉ cải thiện trong nhân dân; các chỉ tiêu về số lượng đàn trâu, bò, lợn, gà đều không đạt kế hoạch huyện giao.
Nguyên nhân được chỉ rõ do diện tích tự nhiên vốn chẳng được bao nhiêu, đồng cỏ cũng ít dần khi trồng rừng phát triển mạnh. Cho nên, đúng như khẳng định của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nông Tiến Dũng: Thế mạnh của Ngọc Chấn được xác định là trồng rừng kinh tế. Toàn xã có 1.800ha rừng, trong đó có 1.034ha rừng sản xuất. Trung bình cứ chu kỳ 5 - 7 năm mỗi ha rừng sản xuất thu 100 triệu đồng. Cũng đã nhiều hộ đổi thay khá giả nhờ rừng.
Cùng với đó, trong vài năm trở đây, các cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng phát triển mạnh. Trên địa bàn xã có tới 9 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đồng thời tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng của bà con trong xã và các khu vực lân cận.
Thực tế thì Ngọc Chấn cũng đã có những hộ năng động, mạnh dạn trong phát triển kinh tế và khá thành công như hộ ông Nông Văn Diện thôn Suối Hốc với xưởng sơ chế bóc gỗ rừng trồng, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng; hộ ông Phương Văn Hiệu thôn Nà Ké với mô hình tổng hợp rừng, ao, chuồng mỗi năm thu nhập trên trăm triệu đồng, hay ông Mã Đình Hoan thôn Làng Ven với gần 10ha đất rừng trồng kết hợp chăn nuôi tổng hợp mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Gần đây, ông Hoan tiếp tục mạnh dạn trồng thử nghiệm cây Thanh long bước đầu đã khá thành công và cho hiệu quả kinh tế cao… Mặc dù vậy thì số mô hình làm ăn hiệu quả cho thu nhập một vài trăm triệu đồng/hộ/năm cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của Ngọc Chấn đạt 17 triệu đồng/năm, trong khi đó Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này đề ra là 21 triệu đồng/người/năm. Giờ đã bước vào những năm cuối của nhiệm kỳ, bởi vậy khả năng hoàn thành chỉ tiêu này là rất khó. Đây cũng là trăn trở của các đồng chí trong Đảng ủy, chính quyền xã. Để bứt phá, có lẽ Ngọc Chấn sẽ phải quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn trong các chương trình phát triển kinh tế, đặc biệt là việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh như trồng rừng kinh tế, tận dụng diện tích mặt nước hồ Thác Bà để phát triển nuôi trồng thủy sản hay hướng tới phát triển du lịch sinh thái… Và cũng cần hơn nữa sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để Ngọc Chấn vươn lên để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của miền đất nhỏ xinh bên hồ Thác Bà thơ mộng.
Ngọc Tú
Các tin khác
NHNN vừa ban hành thông tư liên quan việc trả bảo hiểm tiền gửi cho người dân khi ngân hàng mất khả năng thanh khoản.
Diễn đàn Davos mùa Hè 2014 với chủ đề “Tạo giá trị thông qua sáng tạo” đã khai mạc ngày 10/9 tại thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu tham dự.
YBĐT - Bản Mù trước đây là địa bàn khó khăn, thiếu thốn lạc hậu nhất, nhì của huyện Trạm Tấu. Nhưng đó là chuyện của vài năm về trước, giờ đây Bản Mù đã khác xưa, không còn hộ thiếu đói triền miên, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm dần.
Tổng cục Hải quan vừa chính thức công bố thêm 8 doanh nghiệp ưu tiên nâng tổng số doanh nghiệp đã được công nhận lên con số 24.