Siết chặt quản lý thị trường phân bón
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/9/2014 | 3:04:20 PM
YBĐT - Hiện nay, nhu cầu sử dụng phân bón ngày một lớn, thị trường ngày một đa dạng. Do đó, các mặt hàng phân bón bị làm giả, làm kém chất lượng… cũng càng có cơ hội len lỏi vào thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý mặt hàng này vẫn đang gặp khó khăn nhất định.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 150 cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngoài ra còn có 70 cơ sở kinh doanh phân bón tổng hợp. Hiện nay, trên thị trường cũng có hàng nghìn loại phân bón các loại. Không thể phủ nhận rằng thị trường phân bón đa dạng và phong phú giúp nhà nông có nhiều sự lựa chọn trong rằng, sử dụng phân bón để chăm sóc cây trồng. Tuy nhiên, đó cũng là điều kiện để không ít các sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trà trộn trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Mặc dù việc kinh doanh phân bón trên địa bàn không phức tạp như ở các địa phương khác nhưng với tình trạng phân bón giả tràn lan như hiện nay thì không ai dám chắc trên địa bàn không có phân bón giả, kém chất lượng.
Thực tế, tại khu vực nông thôn, không ít trường hợp người dân mua phải phân bón kém chất lượng. Tuy nhiên, do phân bón là loại hàng hóa đặc thù, đã sử dụng bón cho cây trồng thì không thể thu hồi lại nên khi người nông dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng đem sử dụng và chịu thiệt hại thì không giám định được chất lượng để làm căn cứ xử lý.
Tại xã Nà Hẩu (Văn Yên), do cả xã không có một đại lý hay cửa hàng cung ứng phân bón nào nênbà con phải ra chợ Đại Sơn, An Thịnh, thậm chí có hộ lặn lội ra tận thị trấn Mậu A để mua phân bón. Anh Hảng A Páo ở xã Nà Hẩu cho biết: “Để mua phân bón cho lúa, gia đình phải ra tận chợ An Thịnh mua, chỉ biết mua về bón chứ thật, giả không biết thế nào”.
Còn nhà chị Vàng A Dẩu có 4 sào ruộng thường phải mua 1 tạ phân bón cho biết: “Thi thoảng cũng mua phải phân bón giả đấy. Có lần, mua phân NPK để bón cho lúa nhưng bón xong thì cây lúa không tốt nên đoán là phân giả. Loại này, để ở nhà lâu thì đông cứng lại, khi hòa vào nước thì không tan, chỉ tan lớp ngoài, còn bên trong có đá thì không tan”. Có thể nói, hiện nay, việc nông dân lựa chọn loại phân bón nào đều gửi trọn niềm tin vào các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.
Mỗi năm, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức vài đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có phân bón. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, đã thực hiện 33 đợt thanh tra, kiểm tra tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh các mặt hàng về thủy sản, nông nghiệp, trong đó có phân bón nhưng không phát hiện, xử lý trường hợp kinh doanh phân bón kém chất lượng nào. Thực tế, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này, cơ quan chức năng gặp những khó khăn nhất định.
Ông Vũ Minh Tâm - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: "Do chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các địa phương nên kiểm tra chỗ này, họ đánh động chỗ khác. Việc đánh giá chất lượng phân bón không thể nhận biết bằng mắt thường, phải qua kiểm định tại các tổ chức giám định được chỉ định nhưng kinh phí giám định còn thiếu, thời gian giám định kéo dài, vì vậy chỉ lấy mẫu phân tích khi có nghi ngờ. Hiện nay, chất lượng phân bón được đánh giá chủ yếu bằng cảm quan. Việc quản lý kinh doanh ngành nghề phân bón tại một số địa phương chưa tốt, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị nhỏ lẻ, có hộ kinh doanh vài tạ phân bón không có giấy phép kinh doanh, xử lý rất khó khăn".
Cùng với đó, phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về phân bón chưa thống nhất, còn chồng chéo. Hiện nay, trên thị trường có đến trên 90% là các loại phân bón vô cơ. Tuy nhiên, với chức năng của ngành nông nghiệp chỉ quản lý phân bón hữu cơ nên đối tượng can thiệp không nhiều.
Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp tiếp tục tạo những chế tài mạnh mẽ hơn, tập trung vào hành vi vi phạm sản xuất và cung ứng phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Tuy nhiên, về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính tại Nghị định này không quy định thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường mà chỉ quy định cho UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành công thương, nông nghiệp, công an, hải quan.
Ông Trần Hùng Tuấn - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Tuy Nghị định 163 không quy định thẩm quyền cho quản lý thị trường nhưng để quản lý kinh doanh phân bón, Chi cục Quản lý thị trường một mặt kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp, mặt khác chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn việc kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trường hợp kinh doanh phân bón giả về chất lượng bao bì, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 11, Điều 21, Nghị định số 185 ngày 15/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại hàng giả. Trường hợp phân bón không bảo đảm chất lượng, không công bố hợp quy, không gắn dấu hợp quy thì áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 80 ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa”.
Ngăn chặn việc kinh doanh phân bón kém chất lượng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, vận chuyển, kinh doanh phân bón trên địa bàn cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón, cần tự giác thực hiện các quy định của Nhà nước trong kinh doanh mặt hàng này; chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân cách phân biệt, sử dụng đúng chủng loại, chất lượng sản phẩm phân bón phù hợp đồng thời quản lý chặt chẽ việc kinh doanh phân bón trên từng địa bàn. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần phải làm chặt chẽ khâu kiểm tra, cấp phép, kiểm tra chất lượng tại các nhà máy sản xuất và nếu đơn vị nào vi phạm, thông báo cho các sở nông nghiệp biết để xử lý kịp thời đồng thời bố trí ngân sách hợp lý cho công tác này.
Ngày 19/4/2012, khi đoàn tàu mang số hiệu 222T1 chạy tuyến Lào Cai - Hải Phòng vận chuyển phân bón DAP do Trung Quốc sản xuất về tới ga Yên Bái, lực lượng chức năng đã đề nghị ngành đường sắt dừng tàu, cắt toa tạm giữ 222 tấn phân DAP có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm khẳng định, số phân bón trên có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn mức quy định. Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 65.000.000 đồng, tịch thu 222 tấn phân bón DAP để xử lý theo quy định. Năm 2013, Đội Quản lý thị trường cơ động phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra 2 xe ô tô biển kiểm soát 29C - 14936 và 20C - 01766 phát hiện trên xe đang vận chuyển 25 tấn phân bón DAP do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Đội đã lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm 15.000.000 đồng, tịch thu 25.000kg phân DAP để xử lý theo quy định. |
Văn Thông
Các tin khác
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới phía bắc liên tục bắt giữ các vụ nhập gia cầm lậu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục giảm theo vàng thế giới, bất chấp tình hình Ukraine lại có phần lắng dịu. Giá vàng trong nước niêm yết ở ngưỡng dưới 36 triệu đồng. Đây là mức giá thấp nhất trong gần 5 tháng trở lại đây.
YBĐT - Xã Đông An nằm ở phía bắc huyện Văn Yên (Yên Bái) với gần 1.500 hộ dân sinh sống ở 17 thôn, bản. Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân (UBND) xã đã tích cực, chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục xem xét cấp giấy phép nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam trong thời gian tới.