“Lấy rừng nuôi rừng”
- Cập nhật: Thứ ba, 30/9/2014 | 2:46:21 PM
YBĐT - Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ phí môi trường rừng, trong năm 2013, trên 9.000 lượt hộ gia đình ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã được nhận hơn 23 tỷ đồng từ tiền phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Chính sách này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị phòng hộ của rừng mà còn cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng.
Mù Cang Chải là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, có diện tích rừng nằm trên lưu vực sông Đà, sông Hồng và nhiều suối nhỏ khác. Do vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái và có tiềm năng lớn về thủy điện. Chính sách chi trả DVMTR là chính sách mới cả về hình thức, quy mô, phương pháp chi trả, đối tượng thụ hưởng.
Xác định những khó khăn phát sinh trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách, UBND huyện Mù Cang Chải chỉ đạo các chủ rừng, các ban, ngành có liên quan xem xét, nghiên cứu các nghị định, quy định hướng dẫn của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng của tỉnh.
Để chính sách DVMTR đi vào cuộc sống, các ban quản lý rừng trên địa bàn huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội nghị tuyên truyền về chính sách trả tiền DVMTR tại tất cả các xã, thị trấn và 115 bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào nguyên tắc, hình thức chi trả DVMTR; tuyên truyền về trách nhiệm của hộ nhận khoán bảo vệ rừng; đồng thời tuyên truyền cho nhân dân hiểu về diện tích rừng của từng bản, nhóm hộ được chi trả tiền DVMTR, đơn giá được chi trả cho một hecta rừng của từng lưu vực.
Để bảo đảm việc chi trả DVMTR rừng đúng đối tượng, huyện, các ban quản lý rừng trên địa bàn đã điều tra xác định chi tiết diện tích rừng trong lưu vực có cung cấp DVMTR, số hộ và nhóm hộ được chi trả tiền DVMTR. Qua rà soát năm 2013, toàn huyện có trên 62.036ha rừng được chi trả phí môi trường rừng, trong đó: diện tích rừng đặc dụng là 20.015ha, diện tích rừng phòng hộ là 38.837ha, còn lại là diện tích rừng sản xuất. Năm 2013, tổng số tiền chi trả DVMTR được Quỹ Bảo vệ phát triển rừng cấp trên 23 tỷ đồng. Toàn huyện có 9.543 lượt hộ gia đình được thụ hưởng chính sách.
Ông Lý Páo Chua, bản Tủa Mả Pán xã Khao Mang cho biết: “Cả bản có 70 hộ dân, năm 2013 được nhận trên 120 triệu đồng tiền DVMTR nên đồng bào phấn khởi lắm. Số tiền này đã giúp cho gia đình tôi cũng như các hộ khác trong bản vượt qua những khó khăn, có thêm vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo. Để diện tích rừng mà xã, bản nhận giao khoán luôn phát triển tốt, tôi và các hộ dân trong bản thường xuyên đi kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp xâm hại rừng. Đặc biệt, vào mùa khô, xã, bản bố trí lực lượng đi kiểm tra rừng nhiều hơn, quyết không để tình trạng cháy rừng diễn ra trên diện tích bản nhận bảo vệ”.
Theo ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải: “Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải quản lý 20.108ha rừng đặc dụng, tính riêng năm 2013, được nhận trên 9,4 tỷ đồng tiền DVMTR. Đây là nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện một phần đời sống của người dân, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị to lớn của rừng, khuyến khích người dân phát triển nghề rừng. Nhờ đó, việc tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Bà con có thêm thu nhập từ rừng nên chắc chắn sẽ giữ rừng tốt hơn”.
Với phương châm “lấy rừng để nuôi rừng”, chính sách chi trả DVMTR đang là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về vai trò của rừng đối với con người. Chính sách không chỉ nâng cao nhận thức về giá trị phòng hộ của rừng mà còn trực tiếp tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần tích cực ổn định đời sống của người làm nghề rừng.
Văn Thông
Các tin khác
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, cũng là phiên cuối cùng của quý 3, giá vàng trong nước giảm nhẹ, đưa mức giảm của cả quý này lên tới 900.000 đồng mỗi lượng.
YBĐT - Suy thoái kinh tế làm cho thu nhập của nhân dân giảm sút, thực trạng xây dựng diễn ra chậm chạp khiến giá vật liệu xây dựng giảm, trong khi đó tiền lương tối thiểu và tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tăng, làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp về xây dựng.
YBĐT - Ngày 29/9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (CHQS) tỉnh và Công ty cổ phần Cao su Yên Bái tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Dự lễ ký kết có các đồng chí: Thiếu tướng Ngô Văn Hùng - Phó Tư lệnh Quân khu 2; Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Phú - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam; lãnh đạo các huyện và các xã trong Đề án trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2014. Thời điểm này, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn tỉnh đang nỗ lực, ra sức phấn đấu thi đua "nước rút" để sớm về đích, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2014, góp phần tạo tiền đề vững chắc để đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.