Sáng hơn bức tranh kinh tế
- Cập nhật: Thứ tư, 1/10/2014 | 9:22:54 AM
YBĐT - Khắc ghi lời Bác trong bản Di chúc thiêng liêng và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lên thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái năm 1958, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, gắn bó, nỗ lực phấn đấu thi đua giành nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.
Dù còn bộn bề khó khăn do nằm sâu trong nội địa, xa các đô thị lớn, xuất phát điểm thấp nhưng Yên Bái đã biết tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài, phát huy tiềm năng, lợi thế bên trong để hướng tới mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Cảm nhận của du khách mỗi khi đến với Yên Bái đó là trung tâm tỉnh lỵ đã ngày càng đổi thay, nông thôn vùng thấp đã trù phú hơn, còn vùng cao đã no cơm, lành áo.
Năm 2013, vượt qua nhiều khó khăn chung và riêng, kinh tế của tỉnh giữ được sự ổn định, có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 11,2%, xếp thứ 2 trong khu vực. Toàn bộ 33 chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành, có 15 chỉ tiêu vượt kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 3,5 triệu đồng so với năm 2012. Khắc phục những hậu quả do thời tiết cực đoan, mưa đá, lốc xoáy, lũ quét và sự xâm lấn thị trường của sản phẩm gia cầm, thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc, sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì được sự phát triển, đạt kết quả tích cực.
Sản lượng vật nuôi, cây trồng, nhất là sản lượng lương thực có hạt tăng, đạt 283.660 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Tổng đàn gia súc chính sau nhiều năm giảm đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, tăng 3,11%; diện tích rừng trồng mới đạt kế hoạch 15.000ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng tăng thêm 1,2%, đạt 60%; chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích cao su hiện có là 1.285ha.
Chương trình xây dựng nông thôn mới dù còn nhiều mục tiêu phải phấn đấu nhưng đã và đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, nhận thức và hành động của người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn miền núi. Ông Nguyễn Thanh Bình - nông dân xã Việt Thành (Trấn Yên) tâm sự: "Giờ không còn là thời phải lo cái ăn mà phải nghĩ cách làm giàu!".
Nhà ông đã xây khang trang, đồ dùng sinh hoạt đủ cả, chuồng trại xây cất cẩn thận, đầy gà, lợn. Gia đình có 4 sào ruộng, làm đủ 2 vụ lúa, một vụ ngô; 2 sào màu thì mùa nào giống nấy nhưng thu nhập chính lại là chăn nuôi gà, lợn, trâu, tằm tơ và mỗi khi nông nhàn thì ông đi làm thợ xây trong làng, ngoài xã. Nông dân vùng thấp là thế, còn ở vùng cao, người Mông Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã biết trồng nhiều ngô, nuôi nhiều gà, lợn, đầu tư thâm canh tăng năng suất... nên không chỉ đã no cái bụng, lành manh áo mà nhà nhà đã khang trang, sạch đẹp, xe máy, ti vi phần đa đã có.
Không phải là tỉnh có lợi thế về phát triển công nghiệp nhưng đây là lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác nên nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn... đã được triển khai và áp dụng. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, trên 1.000 doanh nghiệp vẫn trụ vững, trong đó nhiều doanh nghiệp vươn lên là điều rất đáng biểu dương của đội ngũ doanh nhân. Năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8%; giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Năm 2014, tình hình kinh tế nói chung chưa có sự khởi sắc, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ nhưng giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng của năm (giá hiện hành) ước đạt 6.445.322 triệu đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 1.089.500 triệu đồng, chiếm 16,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4.396.693 triệu đồng, chiếm 68,21%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước đạt 933.787 triệu đồng, chiếm 14,49%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 25.342 triệu đồng, chiếm 0,4%. Việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục được quan tâm; số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như xi măng, gạch xây, đá bột cơ bản duy trì được thị trường tiêu thụ. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,01% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,47%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,71%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 14,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý, thu gom rác thải tăng 7,66%. Một số sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: đá phiến tăng 45,01%; đá xây dựng khác tăng 40,62%; giấy làm vàng mã tăng 12,68%; gạch nung tăng 5,73%; đá xẻ lát các loại tăng 85,12%; điện sản xuất tăng 19,6%; nước máy thương phẩm tăng 6,63%...
Với nhiều khu, cụm công nghiệp đã và đang đón nhận các nhà đầu tư đến kinh doanh, Yên Bái từng bước trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển trong khu vực. Trong bối cảnh hết sức khó khăn do Chính phủ thực hiện cắt giảm đầu tư công và do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển vẫn được quan tâm. Ước 8 tháng đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư phát triển của khu vực Nhà nước thực hiện 2.760.981 triệu đồng, bằng 69,56% kế hoạch, tăng 65,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, vốn do địa phương quản lý thực hiện 1.150.810 triệu đồng, bằng 54,55% kế hoạch, giảm 1,39% so với cùng kỳ; vốn Trung ương quản lý thực hiện 1.610.171 triệu đồng, đạt 86,6% kế hoạch, gấp 3,18 lần so với cùng kỳ. Lĩnh vực thương mại và xuất khẩu cũng rất khả quan, tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh 8 tháng của năm 2014 đạt 5.710,777 tỷ đồng, bằng 63,81% kế hoạch năm 2014, tăng 11,61% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động dịch vụ trên địa bàn dự ước 8 tháng của năm 2014 đạt 226,673 tỷ đồng, tăng 43,3% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 34.153,9 ngàn USD.
Thành tựu trên lĩnh vực phát triển kinh tế rất đáng ghi nhận nhưng Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân luôn nhận thức rằng, Yên Bái vẫn chưa thực sự phát triển, một bộ phận người dân mức sống thấp. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải đoàn kết, phải tích cực lao động sản xuất, phải xóa bỏ những hủ tục lạc hậu… mới vượt qua được khó khăn, thách thức để khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển toàn diện, bền vững.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Tại thành phố Yên Bái vừa diễn ra Hội nghị thường niên cụm các đô thị vùng Tây Bắc năm 2014 với chủ đề “Công tác giải phóng mặt bằng với sự phát triển đô thị”. Dự có ông Nguyễn Ninh Thực - Phó tổng thư ký Hiệp hội đô thị Việt Nam; các đoàn đại biểu các thành viên Hiệp hội đô thị khu vực Tây Bắc.
Chiều 30/9, văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo.
Giá xăng RON 92 trong hệ thống Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ đồng loạt giảm 150 đồng mỗi lít kể từ 15 giờ ngày 30/9.
YBĐT - "Đã qua rồi thời kỳ sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm và bón thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan mà giờ là phải sản xuất chè theo tiêu chuẩn an toàn. Sản xuất chè an toàn chính là bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng đồng thời là giấy thông hành cho sản phẩm xuất khẩu, hướng đến một nền sản xuất bền vững" - ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn khẳng định.