Phía sau sắc màu của đá
- Cập nhật: Thứ năm, 9/10/2014 | 8:51:26 AM
YBĐT - Lục Yên - nơi được coi là "thủ phủ" của những loại đá quý hiếm ở Yên Bái cũng như trong nước. Nhìn đá mỹ nghệ, đá cảnh, đá trang sức, tranh đá màu bày bán ở ngã ba xã Khánh Hòa, tuyến quốc lộ 70 hay trong những cửa hiệu ở thị trấn Yên Thế, nhiều người ao ước được sở hữu một trong số những mặt hàng này. Giá cả các loại hàng hóa này đắt có, rẻ có.
Tác phẩm điêu khắc từ đá Lục Yên.
|
Trong đó, hàng rẻ là những loại đá chất liệu phổ biến khai thác ở địa phương để tạo nên hình đồ vật, hoa lá, trái cây, chim thú. Hàng đắt tiền là những loại đá màu, những khối đá phong thủy, đá trắng có ngậm đá hồng ngọc, thạch anh tím, đen, hồng, tranh đá màu, đá chạm khắc kích thước lớn. Cho nên, có những viên đá làm mặt nhẫn, khuyên tai, đá cẩn đồ mỹ nghệ chỉ nhỏ bằng hạt đỗ đen cũng có giá tiền triệu. Những tượng Phật to, những con nghê đá, cóc vàng, khối đá phong thủy lớn và đẹp, hình thú mười hai con giáp… có giá hàng chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỷ.
Nhìn những nơi bán mặt hàng này, nhiều người cho rằng, những thợ đá, người buôn bán loại hàng này chắc phải giàu có lắm. Họ đoán vậy cũng có cái lý của mình vì toàn hàng đắt tiền nhưng khi tiếp xúc với những người kinh doanh mặt hàng này mới thấy quả là có muôn vàn cái khó. Chị Hoàng Thị H. là một chủ hiệu đá quý khá lớn ở thị trấn Yên Thế cho biết, hàng hóa trong cửa hiệu rất phong phú nhưng thực tế chỉ có một số loại đá có ở Lục Yên. Còn lại rất nhiều thứ đá khác như đá mắt mèo, thạch anh đen, hồng, đá vân xanh và nhiều loại đá khác mà chỉ có người trong nghề mới biết đều phải mua ở khắp các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Như vậy, chắc chắn người làm nghề đá phải dày công tìm kiếm nguyên liệu, chi phí vận chuyển, thuê người chế tác. Chị H. lại bảo: "Trông vốn lớn, hàng nhiều thế thôi nhưng em đóng cửa hiệu cả tháng cũng chẳng ảnh hưởng gì anh ạ!".
Tôi hiểu ý chị muốn nói, đây là loại hàng có đặc thù riêng nên người xem thì nhiều nhưng người mua thì hiếm vì thực tế, người mua thường phải là người có kinh tế nên hàng rất khó bán và tồn đọng vốn nhiều. Điểm bất lợi nữa cho những người kinh doanh mặt hàng này là đường vào thị trấn Yên Thế là đường cụt nên người các tỉnh qua lại ít và mặt hàng này bây giờ ở một số tỉnh, thành phố cũng có nên rất khó cạnh tranh. Chị H. cho biết thêm, may mắn nhà chị còn có nghề khác để duy trì vốn hỗ trợ cho nghề đá chứ những anh em chuyên làm đá thì không ít nhà lận đận, long đong về vốn.
Cũng vì đá khó bán nên nhiều đàn ông ở một số xã trong huyện tuy biết cách tìm đá nguyên liệu để làm nên những khối đá phong thủy trị giá cả trăm triệu đồng nhưng cũng chẳng mấy ai giàu. Anh Dương Văn Th - một người làm đá ở xã Liễu Đô cho biết, để tìm được một khối đá nguyên liệu không hề đơn giản nhưng đưa được khối đá nặng cả tấn từ núi xuống lại càng gian nan vì phải tốn nhiều nhân lực và đôi khi còn nguy hiểm tính mạng hoặc không giữ được nguyên khối. Khi làm xong rồi thì cũng không bán thẳng cho khách được mà phải bán cho các chủ kinh doanh đá mà chủ đá cũng không thể bán được nên họ không thể mua cho mình giá cao. Thế nên, điều may mắn cho những người làm đá như anh Th. là sau khi làm xong một tác phẩm thì giá trị ngày công có phần cao hơn chút ít so với công lao động phổ thông ở nông thôn.
Khi đặt câu hỏi vì sao mọi người không mở hoặc thuê người bán ở những nơi đầu mối giao lưu ở thành phố Yên Bái hay các thành phố lớn thì nhận được câu trả lời rằng, một phần vì không có nhân lực, phần vì thuê ở những điểm như thế giá rất đắt. Nếu phải thuê hoặc liên kết bán hàng thì thường gặp phải trường hợp người được thuê bán hàng không nhiệt tình tiếp cận khách hàng; có người đòi chia tỷ lệ phần trăm lợi nhuận cao quá hoặc có người tự ý nâng giá với khách quá cao so với giá ấn định của chủ hàng nên khách không mua…
Ao ước của những người kinh doanh mặt hàng đá mỹ nghệ, đá trang sức, đá cảnh, tranh đá màu ở Lục Yên là có được một trung tâm giới thiệu, buôn bán mặt hàng này ở thành phố Yên Bái hoặc ở một thành phố, tỉnh nào đó thuận lợi trong giao lưu với khách hàng cùng một đội ngũ bán hàng thật chuyên nghiệp thì mới hy vọng tiềm năng của nghề đá Lục Yên có sức lan tỏa, cất cánh để mang lại lợi ích kinh tế cho người dân và địa phương. Điều này có thành hiện thực hay không phụ thuộc rất nhiều ở sự tiếp sức của các cấp, các ngành chức năng.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Ngày 8.10, Bộ Tài chính công bố chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) trong quý 3/2014.
YBĐT - Ngày 8/10, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có buổi làm việc với ban chỉ đạo thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp huyện Mù Cang Chải.
YBĐT - Được thiên nhiên ưu đãi cho một vùng đất đai màu mỡ, bằng phẳng, nhiều năm nay, người nông dân xã Phù Nham đã mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, có nguồn thu ổn định vào sản xuất. Những vườn cà chua ghép trái vụ, bưởi Diễn, táo lai lê... đã dần trở thành mô hình kinh tế được xã ưu tiên phát triển, từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản phẩm nông nghiệp.
YBĐT - Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Toàn xã có 411 hộ với 1.881 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 74%, còn lại là các dân tộc khác. Do trình độ dân trí còn hạn chế, các tập quán lạc hậu vẫn còn, cuộc sống người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, mỗi năm cũng chỉ gieo cấy được 1 vụ, các giống ngô, lúa lại là giống bản địa, năng suất đạt thấp cho nên có không ít khó khăn.