Yên Bình đưa khoa học - công nghệ đến nông dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2014 | 1:33:05 PM

YBĐT - Mặc dù còn khó khăn, hạn hẹp trong đầu tư, song việc triển khai các đề tài, dự án, mô hình ứng dụng KH&CN trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) đã góp phần tạo sự chuyển biến trong cách thức làm ăn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân.

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ và huyện Yên Bình kiểm tra mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Bạch Hà.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ và huyện Yên Bình kiểm tra mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Bạch Hà.

Những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện Yên Bình đã có bước chuyển dịch tích cực. Đến năm 2014, ngành nông, lâm nghiệp dự kiến chiếm tỷ lệ 35% trong cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng khoảng 33%, thương mại - dịch vụ 32%. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp và sản xuất của người dân khu vực nông thôn vẫn à hoạt động phổ biến trên địa bàn huyện. Dù không sôi động, nhưng hoạt động KH&CN đã hỗ trợ tích cực cho kinh tế nông, lâm nghiệp, tập trung vào việc chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), nâng cao trình độ thâm canh, nuôi trồng của người dân.

Các đơn vị liên quan như khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật thường xuyên chỉ đạo mạng lưới cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể cơ sở hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Hội đồng KH&CN huyện được kiện toàn, đã đề ra các chương trình, dự án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các đề tài, dự án, mô hình sản xuất khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Năm 2014, Yên Bình có 13 đề tài, dự án, mô hình ứng dụng KH&CN cấp tỉnh thực hiện, trong đó 12 đề tài chuyển tiếp từ năm 2013; tất cả đều thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Tổng kinh phí của các đề tài, dự án gần 4 tỷ đồng. Trong đó, 7 đề tài liên quan đến trồng trọt như: trồng cây thanh long ruột đỏ; sản xuất lạc giống L14; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng vườn ươm, nhân giống keo tai tượng có nguồn gốc từ hạt; áp dụng hệ thống lúa canh tác cải tiến SRI tại các huyện vùng thấp của tỉnh...

Các đề tài thuộc lĩnh vực chăn nuôi như: thử nghiệm tổ hợp lai gà siêu trứng VGA; áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi cá nheo; sản xuất giống gà; cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nuôi thử nghiệm cá ngạnh trong lồng trên hồ Thác Bà; áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên ngách hồ Thác Bà.

Những đề tài, dự án đều lấy các hộ dân để triển khai mô hình. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm khuyến nông, Hạt Kiểm lâm, Trạm Bảo vệ thực vật huyện là đơn vị triển khai hoặc phối hợp tham gia thực hiện đề tài. Phương thức triển khai truyền đạt dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ thực hiện và ứng dụng hiệu quả. Nhờ đó, người dân đã nắm bắt KHKT và áp dụng vào quá trình sản xuất của gia đình. Cơ quan thường trực Hội đồng Khoa học huyện là Phòng Kinh tế hạ tầng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện đề tài, dự án khoa học, chính quyền cơ sở kiểm tra tiến độ thực hiện, đối chiếu với thuyết minh đề tài, đánh giá hiệu quả từ cơ sở.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Bình, hầu hết đề tài, dự án kéo dài từ 2 - 3 năm, nên chưa khẳng định được kết quả, song một số đề tài khả thi và có thể nhân rộng như: áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà; phát triển cây thanh long ruột đỏ; cải tạo đàn trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên ngách hồ Thác Bà… Điều quan trọng là trong quá trình tham gia đề tài, dự án, người dân đã tiếp cận với KH&CN, được chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp đánh giá hiệu quả kinh tế, có thể tự làm và hướng dẫn mọi người cùng thực hiện, nhân ra diện rộng.

Trong lúc công tác tuyên truyền, đưa thông tin KH&CN còn hạn hẹp về kinh phí, thiếu tài liệu, cách thức tuyên truyền chưa phong phú, việc triển khai các đề tài, dự án ở Yên Bình đang là cách làm khá hiệu quả. Vì thế, Yên Bình mong trở thành nơi có nhiều đề tài, dự án và mô hình ứng dụng KH&CN triển khai. Qua đó, giúp cho người dân trong huyện có nhiều hơn kiến thức KH&CN, tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm hàng hóa từ nền sản xuất nông, lâm nghiệp địa phương.

Quang Tuấn

Các tin khác
Chủ tịch UBND xã Bảo Ái (bên trái) cùng Trưởng thôn Ngòi Ngần đi kiểm tra khu vực bãi cá đẻ.

YBĐT - Là một trong những địa phương được giao quản lý 910ha diện tích mặt nước hồ Thác Bà, những năm qua, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ luôn được xã Bảo Ái (Yên Bình) coi trọng. Làm tốt công tác này không những góp phần phát triển nguồn lợi thủy sản mà còn tăng thu nhập cho các ngư dân sống quanh hồ.

Chỉ số giá nhóm ngành giáo dục tăng mạnh nhất trong tháng 10.

Tháng 10, nhóm giáo dục có chỉ số giá tăng cao nhất, tới 1,31%, và còn có 3 nhóm hàng giảm giá.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Trấn Yên hướng dẫn người nộp thuế kê khai thuế.

YBĐT - Chính phủ vừa ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế, trong đó, bổ sung quy định thời gian nộp thuế tại Nghị định số 83/2013/NĐ- CP ngày 22/7/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế…

YBĐT - Phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI được áp dụng trên đồng đất Văn Chấn gần chục năm nay. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, thông qua hệ thống khuyến nông, phương pháp này mới được nhân rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục