“Rừng cộng đồng”

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/10/2014 | 9:13:49 AM

YBĐT - Gần 3 năm nay, người dân xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn quản lý và bảo vệ tốt hơn 200ha rừng tự nhiên, không còn tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng bừa bãi. Điều này có được từ khi rừng được giao cho cộng đồng thôn, bản quản lý.

Nhờ giao rừng cho cộng đồng, hơn 200ha rừng của xã Phúc Sơn đã được quản lý và bảo vệ tốt.
Nhờ giao rừng cho cộng đồng, hơn 200ha rừng của xã Phúc Sơn đã được quản lý và bảo vệ tốt.

Dọc tỉnh lộ 174 qua địa bàn xã Phúc Sơn, phóng tầm mắt ra xa, thấy cả một màu xanh bạt ngàn của rừng. Phúc Sơn có trên 200ha rừng, nối dài từ xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn) đến tiếp giáp huyện Trạm Tấu. Từ bao đời nay, rừng đã bao bọc hơn 1.471 hộ dân nơi đây và cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con.

Những năm trước, rừng được Nhà nước giao khoán bảo vệ cho các nhóm hộ. Tuy nhiên, diện tích lớn, đi lại khó khăn nên các nhóm hộ không thể kiểm soát hết diện tích, dẫn đến tình trạng chặt phá rừng bừa bãi. Năm 2011, rừng được giao cho cộng đồng thôn, bản quản lý. Sau khi nhận diện tích, các thôn, bản đều xây dựng quy ước bảo vệ rừng. Ở Phúc Sơn, người nào vào rừng, lấy một ngọn măng, cây vầu hay thả trâu, bò lên rừng đều phải nộp phạt từ 50 - 100.000 đồng, tùy mức độ. Số tiền này nộp vào quỹ bảo vệ rừng ở thôn, bản. Để có kinh phí giữ rừng, hàng năm, mỗi hộ dân nộp 5kg thóc.

Ngoài ra, sản phẩm rừng sẽ phục vụ cho nhu cầu cần thiết của người dân trong từng thôn, bản và nguồn lợi thu được từ rừng có thể trích lập thành quỹ để phục vụ cho công tác bảo vệ rừng. Hàng năm, nhà nào có công to, việc lớn như đám cưới, đám tang sẽ được hỗ trợ 10 gánh củi khô. Ngoài ra, cứ đến Ngày Thương binh, liệt sỹ, tết Nguyên đán, các hộ gia đình chính sách đều được cấp củi khô. Do bảo vệ và khai thác hợp lý nên đã tránh được tình trạng chặt phá bừa bãi như trước đây.

Thôn Bản Lụ 2 có 149 hộ dân được giao quản lý bảo vệ trên 23ha rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu trên 28ha đất lúa. Từ khi rừng được giao cho cộng đồng, mọi người trong thôn đã cùng nhau giữ rừng, hưởng lợi từ rừng. Ai cũng hiểu, có rừng là có nguồn nước trồng cấy, có nhiều sản vật dưới tán rừng để khai thác. Người dân trong thôn đã xây dựng quy ước bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, ký cam kết thực hiện quy ước với từng hộ. Do đó, mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Trưởng thôn Đinh Văn Khiêm cho biết: “Người nào vào rừng khai thác gỗ, bị phát hiện sẽ phạt tiền. Số tiền này sẽ được nộp quỹ phát triển và bảo vệ rừng của thôn. Người trong thôn được phép khai thác gỗ, củi và các lâm sản phụ nhưng phải theo kế hoạch, chỉ được lấy gỗ ở rừng cộng đồng khi có nhu cầu làm nhà với điều kiện phải được nhân dân trong bản, chính quyền đồng ý”. Ngoài sự ràng buộc của quy ước, các thôn, bản cũng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ nên bước đầu công tác quản lý, bảo vệ rừng đã thu được hiệu quả tốt.

Ông Hoàng Văn Dào - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: "Từ khi giao rừng cho cộng đồng quản lý, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu về việc phải bảo vệ rừng. Các thôn, bản đều thuê người canh giữ rừng thường xuyên. Ngoài ra, Ban quản lý rừng cộng đồng thành lập các tổ tuần tra bảo vệ từ 3 - 5 người thường xuyên tuần tra, kiểm soát rừng. Các nhóm bảo vệ rừng còn phối hợp với UBND xã và cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Nhờ vậy, rừng cộng đồng được quản lý nghiêm ngặt, không còn tình trạng chặt phá, rừng bừa bãi”.

Rừng cộng đồng ở xã Phúc Sơn đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do rừng ở đây không có nhiều lâm sản phụ nên người dân được hưởng lợi từ rừng còn hạn chế, chủ yếu vẫn là lấy củi đun. Do đó, để “rừng cộng đồng”  phát triển bền vững, cần có chính sách hỗ trợ cộng đồng xây dựng mô hình tăng thu nhập từ rừng, trồng cây dưới tán rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ như mây nếp, ba kích; xây dựng các mô hình nông, lâm kết hợp trong diện tích rừng được giao, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào.

Văn Thông

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Ngày 28/10, Bộ GTVT sẽ tiếp tục họp bàn về giải pháp, cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hướng tới mục tiêu xây dựng 2.000 km đường cao tốc.

Khách hàng tham quan gian hàng hồ tiêu Việt Nam tại Hội nghị.

Tại Hội nghị hồ tiêu quốc tế (IPC) lần thứ 42 được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 27-30/10, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, vị thế hồ tiêu Việt Nam đã được khẳng định bằng việc giữ vững kỷ lục sản xuất và xuất khẩu thế giới suốt 14 năm liền.

Ngày 27-10, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã lên tiếng làm rõ về việc một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về chủ trương chuyển nhượng, bán một số tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

Nông dân xã Báo Đáp (Trấn Yên) tra ngô đông ngay trên diện tích đất lúa vừa thu hoạch.

YBĐT - Vụ đông năm nay, tỉnh Yên Bái phấn đấu gieo trồng gần 10.000ha, trong đó có 6.000ha ngô (4.000ha ngô trên đất 2 vụ lúa), 1.180ha khoai lang, 2.700ha rau đậu các loại, phấn đấu giá trị đạt trên 300 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục