Giữ thương hiệu quế Văn Yên
- Cập nhật: Thứ tư, 29/10/2014 | 9:26:14 AM
YBĐT - Văn Yên có cây quế được trồng từ Xuân Tầm, Nà Hẩu tới Xuân Ái, Yên Hợp, Đại Sơn, Viễn Sơn… với diện tích trên 22.000ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 4.500 - 5.000 tấn quế vỏ khô, doanh thu 150 tỷ đồng. Không chỉ có vậy, quế ở đây có hàm lượng tinh dầu cao thuộc loại tốt nhất khu vực phía Bắc.
Phần lớn quế Văn Yên được sơ chế thủ công nên đã làm giảm giá trị và chất lượng.
|
Đến nay cũng chưa có một thống kê chính xác là bao nhiêu gia đình trồng quế nhưng nhiều hộ trồng từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước và có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm không phải hiếm. Những năm 80 của thế kỷ XX, cây quế rất có giá, không chỉ phục vụ chế biến làm tinh dầu, hương liệu mà còn phục vụ sản xuất dược phẩm, thực phẩm.
Cây quế "lên ngôi" cùng với việc khảo sát cho thấy, khí hậu, thổ nhưỡng của Văn Yên phù hợp với phát triển cây đặc sản này. Huyện xây dựng đề án phát triển quế tại các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Xuân Ái… được nhân dân hưởng ứng. Diện tích quế lớn dần theo năm tháng và đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho nông dân. Đã thành phong trào, bình quân mỗi năm, nhân dân trong huyện trồng mới trên 1.000ha, vừa cho thu nhập lại phủ xanh đất, chống xói mòn, có tác dụng phòng hộ đầu nguồn.
Nhờ giống tốt, quế chất lượng cao, mỗi khi đến vụ thu hoạch, các tư thương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lại tìm về Văn Yên thu mua quế vỏ. Quế Văn Yên đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Anh… Nguồn thu từ quế mỗi năm đem về cho huyện trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động lúc nông nhàn.
Để phát triển bền vững cây quế và giữ vững chất lượng, Văn Yên đã xây dựng Dự án bảo tồn nguồn gen cây quế đồng thời xây dựng, quản lý và bảo vệ thương hiệu quế Văn Yên đã được bảo hộ về tên gọi, xuất xứ và chỉ dẫn địa lý. Mặc dù sản lượng khai thác hàng năm đạt hàng ngàn tấn nhưng thị trường tiêu thụ quế vẫn khá tốt. Tại thời điểm này, thị trường tiêu thụ quế vỏ khô trong và ngoài nước đang chững lại nhưng quế vẫn được giá cao, bình quân 37.000 đồng/kg, loại cao nhất 110.000 - 120.000 đồng/kg. Trồng quế không chỉ thu vỏ mà thân gỗ cũng có giá trị, dùng làm nhà, làm gỗ nguyên liệu giấy, làm tăm, giá bán trên 1 triệu đồng/m3 và cành, ngọn, lá nấu tinh dầu cũng rất giá trị. Chất lượng tốt, quế Văn Yên đã và đang có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ quế hiện vẫn chủ yếu do người dân địa phương và các tư thương tự thu mua, chế biến, tiêu thụ. Có câu chuyện, một đoàn thương gia nước ngoài đến tìm hiểu chất lượng quế Văn Yên. Sau khi đi khảo sát các vùng nguyên liệu, kiểm tra quế vỏ, họ rất ưng. Sau khi đi thực tế, đoàn muốn kiểm tra chất lượng quế bột. Các hộ kinh doanh mang quế bột hòa với nước cho thấy, hàm lượng tinh dầu, hương vị không có gì phải chê nhưng lại thấy có váng sắt.
Tìm hiểu nguyên nhân, váng sắt là do bà con không có máy chuyên dụng mà sử dụng máy nghiền bột trẻ em. Hiện nay, chất lượng quế vỏ của Văn Yên tốt nên giá thường cao hơn quế ở các địa phương khác. Do đó, một số hộ dân, tư thương mua quế ở nơi khác về trộn lẫn với quế Văn Yên để bán kiếm lời dẫn đến quế Văn Yên đang có nguy cơ bị đánh mất thương hiệu.
Thiết nghĩ, mỗi hộ nông dân, các tư thương không nên vì cái lợi trước mắt mà đánh mất niềm tin, đánh mất thương hiệu quế Văn Yên. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cũng cần vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân lên án, đấu tranh, phê phán những việc làm sai trái đó và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trục lợi từ thương hiệu này.
Thanh Phúc
Các tin khác
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, bắt đầu từ ngày 29/10, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân từ 6% xuống còn 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong 10 tháng lên tới 455.900 tỷ đồng, trong đó 61.700 tỷ đồng là vốn của các doanh nghiệp đã chắc chắn bị loại ra khỏi nền kinh tế.
YBĐT - Gần 3 năm nay, người dân xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn quản lý và bảo vệ tốt hơn 200ha rừng tự nhiên, không còn tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng bừa bãi. Điều này có được từ khi rừng được giao cho cộng đồng thôn, bản quản lý.
Ngày 28/10, Bộ GTVT sẽ tiếp tục họp bàn về giải pháp, cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hướng tới mục tiêu xây dựng 2.000 km đường cao tốc.