Trấn Yên đẩy mạnh chăn nuôi hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 31/10/2014 | 9:23:39 AM

YBĐT - Bên cạnh nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng tre măng Bát Độ... thì chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa cũng là hướng đi giúp người nông dân Trấn Yên (Yên Bái) xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê mình.

Trang trại lợn nhà anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Hòa Bình, xã Y Can hàng năm cho thu nhập ổn định.
Trang trại lợn nhà anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Hòa Bình, xã Y Can hàng năm cho thu nhập ổn định.

Giúp người dân chuyển dần sang chăn nuôi hàng hóa, đầu tiên phải kể đến chính sách hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh, huyện từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Bà Nguyễn Thị Vui - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền, thay đổi tư duy của nông dân từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang quy mô lớn theo hướng hàng hóa, thị trường. Bên cạnh đó, cán bộ của Phòng đã tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người chăn nuôi từ khâu sản xuất giống đến phương pháp chăm sóc gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh. Đối với các gia đình có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi quy mô lớn thì được hướng dẫn kĩ thuật xây dựng chuồng trại theo quy định, xây dựng hầm bioga, máng ăn uống, kĩ thuật chọn lựa con giống tốt. Sau khi hoàn tất sẽ tiến hành nghiệm thu, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi theo quy định".

Trang trại chăn nuôi của ông Vũ Văn Mỹ, thôn Quyết Thắng, xã Y Can theo mô hình tổng hợp với 6.000 con gà, 500 con ngan và 200 con lợn. Vừa nhanh tay cho gà ăn, ông Mỹ vừa bộc bạch: "Gia đình có trên 1ha đồng đất, nếu như trước chỉ dựa vào cây lúa thôi thì chỉ đủ ăn, không tích lũy được gì, xoay đủ nghề rồi chăn nuôi thêm mà vẫn thấy khó khăn. Đến năm 2011, có chính sách hỗ trợ chăn nuôi của Nhà nước, gia đình vay mượn thêm từ anh em, bạn bè đầu tư nuôi 1.000 con gà. Nhờ được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi nên lứa gà năm đó, nhà thu được kết quả rất tốt. Những năm sau, gia đình cứ đà ấy phát triển dần như ngày hôm nay. Phải nói chăn nuôi rất vất vả, từ chăm sóc, ăn uống đến phòng dịch phải thật tỉ mỉ thì mới thu được kết quả".

Nhìn khu chăn nuôi của gia đình được xây dựng biệt lập lại có biển cấm người vào, ông cho biết, làm vậy để đàn vật nuôi tránh tiếp xúc với nguồn dịch bệnh từ bên ngoài. Do có kinh nghiệm trong phòng dịch mà 6 năm qua, đàn vật nuôi nhà ông chưa một lần bị dịch bệnh. Phát triển ổn định, đàn gia cầm, đàn lợn mỗi năm cho gia đình thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng.

Cũng như gia đình ông Mỹ, anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Hòa Bình cũng có mô hình chăn nuôi hiệu quả. Anh cho hay: "Năm 2009, gia đình tôi được tham gia Dự án chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của tỉnh. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã phát triển lên gần 200 con lợn thịt và trên 20 lợn nái. Chăn nuôi với quy mô lớn, mỗi năm cho thu nhập ổn định từ 100 đến 200 triệu đồng, gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả".

Nhận thấy hiệu quả kinh tế bền vững của việc phát triển chăn nuôi, nhiều gia đình khác cũng mạnh dạn đầu tư, thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung cấp sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số trang trại chăn nuôi đầu tư cơ sở vật chất, con giống, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi với quy mô lớn như: trang trại của ông Hà, thôn Hồng Hà, xã Nga Quán với 600 con lợn nái; trang trại nhà ông Thi, thôn Quyết Thắng, xã Y Can chăn nuôi 2.400 con lợn thịt/lứa; trang trại nhà ông Đoàn Văn Tuấn, thôn Thắng Lợi, xã Y Can nuôi gà quy mô 2.000 con/lứa; trang trại nuôi 100 thỏ cái sinh sản và 3.000 thỏ thịt/năm của ông Quang, xã Lương Thịnh... Tính đến tháng 9/2014, toàn huyện Trấn Yên có 52.766 con lợn, trên 557.712 con gia cầm, mỗi năm cung cấp ra thị trường 5.270 tấn lợn thương phẩm, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa, bà Nguyễn Thị Vui cho biết thêm: "Đây là một chính sách có nhiều ý nghĩa, người chăn nuôi rất phấn khởi. Để đạt mục tiêu đưa đàn gia súc chính trên địa bàn lên 65.050 con, trong đó: đàn trâu 7.800 con, đàn bò 750 con, đàn lợn 56.500 con, đàn gia cầm 605.000 con và tổng sản lượng lợn hơi các loại 60.020 tấn, huyện tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Đồng thời chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đưa giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, làm thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nhân rộng nhiều mô hình để chăn nuôi góp phần tích cực phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Minh Huyền

Các tin khác

Ngày 30/10, Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm công bố và bàn giao hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Nam Hà Nội, tỷ lệ 1/500 đối với khu xây dựng đợt đầu.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Yên giải ngân nguồn vốn vay tới các hộ nghèo xã Mỏ Vàng.

YBĐT - Trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ đối với vùng Tây Bắc để có những chính sách đầu tư phù hợp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, từng bước nâng cao đời sống người dân, ổn định kinh tế - chính trị toàn khu vực.

Giá vàng giảm mạnh sáng nay.

Liên tục điều chỉnh, mỗi lượng vàng miếng SJC sáng nay chỉ còn quanh 35,58 triệu đồng chiều bán ra, sụt 100.000 đồng so với sáng hôm qua và là mức thấp nhất 3 tuần qua.

Đá trắng có lẫn đá quý ở Lục Yên.

YBĐT - Nằm trong vùng có cấu trúc địa chất phức tạp giữa Tây Bắc và Đông Bắc nên địa bàn tỉnh Yên Bái có điều kiện thuận lợi cho việc hình thành nhiều loại mỏ khoáng sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục