Phát huy nội lực xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 4/11/2014 | 3:04:03 PM
YBĐT - Mỏ Vàng là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên. Những năm gần đây, nhờ có Chương trình 135 đầu tư, đường vào xã đã dễ đi hơn. Cũng từ đây, giao thương, trao đổi hàng hóa thuận lợi, giá cả nhiều sản phẩm nông nghiệp được nâng lên.
Nhân dân xã Mỏ Vàng gieo cấy vụ đông.
|
Khó từ nhận thức
Mỏ Vàng có 837 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó có đến 57,58% là hộ nghèo. Tìm cách đưa người dân thoát nghèo luôn được lãnh đạo xã bàn đi bàn lại nhưng khi triển khai vẫn thật khó. Trong khi trao đổi với bí thư chi bộ của các thôn: Giàn Giầu, Gốc Sấu, Khe Loóng II, Khe Loóng III... thì hầu hết các đồng chí đều cho rằng nguyên nhân nghèo nằm ở nhận thức của người dân. Như cách nói của đồng chí Cứ A Phán - Bí thư Chi bộ thôn Gốc Sấu thì người dân không biết làm ăn, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả không cao.
Còn ông Đặng Kim Tài - Trưởng thôn Giàn Giầu II thì cho rằng: "Trước đây, đất ở Mỏ Vàng rộng mênh mông, người chăm chỉ khai hoang, trồng cấy thì bây giờ đâu có thiếu đất canh tác; nhiều người lười lao động, thậm chí có đồi quế non cũng bán để ăn đong, không tính toán lâu dài thì rất khó thoát được nghèo". Với 71ha ruộng nước, nếu chia đều cho 4.000 nhân khẩu thì mỗi người chưa được 18m2 ruộng. Để có lương thực, người Dao, người Mông, người Tày ở đây buộc phải phát rừng trồng lúa nương nhưng cũng chỉ được một vài năm đất bạc màu, làm cho năng suất kém.
Ông Hoàng Ngọc Nhưỡng - Bí thư Đảng ủy xã Mỏ Vàng khẳng định: "Ruộng nước, nương rẫy tuy rằng rất thiếu nhưng hầu hết hộ nào cũng có đất trồng quế và nếu chỉ nuôi một đến hai con thì chắc chắn không thể đói được".
Khó vì thiếu điện
Kiến thức, khoa học kỹ thuật vốn đã rất thiếu đối với người dân trong xã Mỏ Vàng thì còn một cái khó hơn cả là vẫn còn 3/11 thôn chưa có điện. Những thôn chưa có điện là những thôn khó khăn nhất của xã gồm: Khe Đăm, Khe Lóng và Gốc Sấu. Ông Triệu Hữu Vi - Trưởng thôn Khe Đăm cho biết: "Các kỳ họp tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị mong muốn được đầu tư đường điện nhưng đến nay vẫn chưa có". Không có điện, mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân đều bất tiện.
Ông Thào A Miền, thôn Gốc Sấu cho biết: "Chúng tôi mong mỏi được đầu tư đường điện để con cái học hành đỡ vất vả. Tôi cũng muốn làm thêm dịch vụ xay xát cho bà con trong thôn nhưng không có điện thì không làm được". Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Ngọc Nhưỡng thì ở 3 thôn chưa có điện, công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới gặp nhiều khó khăn. Các thôn đều có loa phát thanh nhưng không sử dụng được, tất cả các cuộc họp thôn thì cán bộ đều phải tự thông báo đến từng hộ. Thiếu điện dẫn đến người dân không được tiếp cận thông tin mới, bổ ích qua truyền hình, đài phát thanh…
Tìm hướng thoát nghèo
Khó khăn là vậy thế nhưng Mỏ Vàng cũng có thế mạnh riêng và nếu phát huy tốt, người dân có thể vươn lên thoát nghèo. Theo ông Nhưỡng, kinh tế lâm nghiệp vẫn là thế mạnh mà Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo, trong đó cây quế là cây chủ lực. Những năm gần đây, cây quế đã thực sự mang lại cho người dân cuộc sống mới. Như gia đình ông Bảy ở thôn Giàn Giầu mới bán 200 cây quế được 90 triệu đồng. Hay như Cứ A Mua mới 37 tuổi, thôn Gốc Sấu, vụ quế năm 2013 bán được 75 triệu đồng tiền quế, nhà cửa xây được là nhờ quế, bây giờ 5 đứa con của Mua ăn học cũng đều trông vào cây quế. Nói về cách để đưa dân mình thoát nghèo thì ông Nhưỡng nhiều lần khẳng định chỉ có cây quế mới có thể giúp dân thoát nghèo. Hiện nay, toàn xã có 1.898ha quế, nhiều ít thì hộ nào cũng có một vài đồi quế. Từ đầu xã đến cuối xã, đâu đâu cũng bạt ngàn quế.
"Mỏ Vàng không có đất trống đồi trọc, tất cả đều đã được phủ xanh bằng quế"- ông Nhưỡng khẳng định. Cũng theo ông Nhưỡng, cái khó là diện tích quế của xã không thể mở rộng thêm trong khi nhân khẩu không ngừng tăng lên. Bởi vậy, xã mong muốn, những diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu có thể được chuyển đổi cấp cho người dân canh tác.
Mặt khác, vấn đề cấp bách nhất Mỏ Vàng cần quyết liệt thực hiện là chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô hoặc các loại cây màu khác, phấn đấu bảo đảm một phần lương thực tại chỗ, phục vụ phát triển chăn nuôi, cùng với trồng quế sẽ là một hướng đi thoát nghèo hiệu quả. Điều quan trọng trước tiên, Mỏ Vàng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức, tư duy người dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, xã vẫn còn có vấn đề phải làm tốt hơn nữa đó là công tác kế hoạch hóa gia đình; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất nông - lâm nghiệp.
Vẫn còn đó vô vàn khó khăn nhưng bằng sự khát khao vươn lên của người dân nơi đây, tin rằng, Mỏ Vàng sẽ phát huy thế mạnh của mình, từng bước vươn lên trở thành một xã giàu mạnh của Văn Yên.
Anh Dũng
Các tin khác
Sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục giảm nhưng trong biên độ hẹp, hiện dao độngquanh mức 35,35 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang là trên 5 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Tham mưu trúng, giải pháp đúng cùng sự tham gia của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các ngành từ huyện đến các xã, thị trấn, đến thời điểm này, công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 10, tổng thu ngân sách của huyện đạt 71,150 tỷ đồng, đạt 99% dự toán tỉnh giao. Văn Chấn phấn đấu hoàn thành thu ngân sách trong đầu tháng 11 này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ xin ý kiến Chính phủ đồng ý giảm giá xăng dầu lần thứ 9 sớm nhất, mà không cần chờ đủ 15 ngày giữa 2 lần điều chỉnh theo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới ban hành.