Đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ
- Cập nhật: Thứ tư, 5/11/2014 | 9:34:35 AM
YBĐT - Không chỉ tăng nhanh về số lượng, những năm qua, ngành thương mại - dịch vụ (TMDV) của tỉnh Yên Bái đã có sự đột phá cả về chất theo hướng hiện đại hóa; nội lực của doanh nghiệp, địa phương từng bước được khai thác; các kênh lưu thông hàng hóa hình thành rõ nét.
Mạng lưới siêu thị dần hình thành đã đáp ứng phần nào nhu cầu mua sắm của nhân dân.
|
Những siêu thị, cửa hàng, khu vực mua sắm mọc lên san sát, kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục tăng qua các năm là minh chứng rõ nhất cho sự đột phá này.
Thị xã Nghĩa Lộ, một trong những nơi nổi tiếng sầm uất. Bà Lê Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: “Nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây, thị xã Nghĩa Lộ hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi từ vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở đến truyền thống văn hóa để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, thương mại. Do vậy, những năm qua, thị xã đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích, tập trung phát triển TMDV. Đến nay, Nghĩa Lộ có 1.350 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này với tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên 1.300 tỷ đồng/năm. TMDV đã trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của thị xã”.
Cùng với thị xã Nghĩa Lộ, trong những năm qua, tại thành phố Yên Bái và trung tâm các xã, huyện, ngành TMDV cũng có sự phát triển vượt bậc. Điểm nhấn rõ nhất là sự hình thành ngày càng nhiều các cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Từ đó, diện mạo các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.
Theo ông Trịnh Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Yên Bái thì tuy còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh tập trung các nguồn lực từ cơ chế, chính sách đến xây dựng cơ sở hạ tầng, cho vay vốn ưu đãi… đã tạo đòn bẩy để ngành TMDV có sự bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ. Tăng cường thu hút đầu tư, Yên Bái đã tạo hàng lang thông thoáng cho các doanh nghiệp từ mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho đến thủ tục vay vốn; tích cực tham gia các chương trình hội chợ, quảng bá sản phẩm; tăng cường các hoạt động quản lý thương mại như xử lý hàng giả, kém chất lượng, đo lường chất lượng sản phẩm…
Từ những giải pháp tích cực trên, ngành TMDV đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Điều này được thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm của ngành đạt 17,75%, cùng với tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 2014 ước đạt trên 10.300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh có 123 cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, Yên Bái đã và đang hình thành nhiều điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, du lịch hồ Thác Bà, khu du lịch sinh thái Suối Giàng, khu du lịch nước nóng Bản Bon (Văn Chấn)… thu hút trung bình mỗi năm trên 400 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Song song, hệ thống chợ được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia trao đổi hàng hóa. Năm 2010, toàn tỉnh có 107 chợ, trong đó có 50 chợ kiên cố, 20 chợ bán kiên cố. Mặc dù đến nay, số lượng các chợ giảm xuống còn 103 nhưng số chợ kiên cố tăng lên 56 chợ và chợ tạm giảm còn 15. Hiện toàn tỉnh có 1 siêu thị đang hoạt động, cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, cơ bản đáp ứng các tiêu chí theo qui định. Ngoài ra, Yên Bái đã phát triển hệ thống cửa hàng tự chọn và cửa hàng chuyên doanh bán các mặt hàng như: ô tô, xe máy, điện tử...
Nhờ vậy, kinh doanh thương mại đã phát triển theo hướng hiện đại, bước đầu hình thành mạng lưới siêu thị, đáp ứng phần nào nhu cầu mua sắm và nâng cao đời sống của nhân dân. Chính những đột phá trong phát triển TMDV đã tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động thông qua mạng lưới 103 chợ với trên 5.000 lao động; 96 cửa hàng xăng dầu với gần 500 lao động; 142 cửa hàng khí dầu mỏ hóa lỏng với trên 600 lao động. Ngoài ra còn có trên 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số 31.000 lao động và gần 30.000 cơ sở kinh tế cá thể với tổng số gần 46.000 lao động.
Có thể thấy, TMDV phát triển sẽ giúp cho nền kinh tế, xã hội của các địa phương chuyển động mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động TMDV phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, nhất là khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được thông tuyến qua Yên Bái. Do vậy, để ngành TMDV có bước phát triển mới, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục dành kinh phí thỏa đáng xây dựng cơ sở hạ tầng các chợ trung tâm; huy động tối đa nguồn vốn từ các thành phần kinh tế dân doanh để xã hội hóa lĩnh vực kinh doanh này; tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động TMDV của tỉnh ngày càng phát triển.
Hùng Cường
Các tin khác
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) biểu dương Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (Bộ Công an) và các lực lượng liên quan trong việc bắt giữ 100 tấn hàng lậu tại TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến 31/10/2014, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện kiểm soát 533.012 tỷ đồng chi thường xuyên thuộc dự toán năm 2014, đạt 75,67% dự toán. Thông qua kiểm soát chi ngân sách nhà nước, KBNN đã phát hiện khoảng 30.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; từ chối thanh toán 31,5 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan rà soát các bước chuẩn bị đưa vào sử dụng xăng sinh học E5 vào đầu tháng 12 tới theo kế hoạch đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, không tăng phí đường bộ với xe mô tô.