Trù phú một vùng quê
- Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2014 | 2:48:10 PM
YBĐT - Người xưa chọn chỗ định cư thường chọn những vị trí thuận lợi: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” (nghĩa là thứ nhất gần chợ, thứ nhì gần sông, thứ ba gần đường). Nhưng có một vùng đất ở giữa núi rừng vẫn trú phú, giàu đẹp, đó là xã Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên).
Bưởi Diễn trồng ở xã Hưng Thịnh đem lại thu nhập cao cho nông dân.
|
Xã Hưng Thịnh cách thành phố Yên Bái khoảng 2 chục cây số. Địa hình chủ yếu là đồi núi. Nhiều người dân ở đây đã từ Nam Định lên khai hoang vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Bao năm nay, bà con người Kinh, Tày chủ yếu trồng chè, quế, gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, cây chè cho hiệu quả chưa cao nên bà con tập trung vào trồng rừng và trồng quế.
Đồng chí Vũ Thị Hằng Nga - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện, xã có 242ha quế, trải đều ở tất cả 11 thôn và là cây kinh tế chủ lực. Không nhưng cho thu vỏ mà cành, lá quế cũng không đủ cung cấp cho các nhà máy chưng cất tinh dầu, thân cây chế biến thành gỗ bóc, gỗ bao bì, đóng đồ gia dụng, bền và đẹp. Mỗi năm, loại cây này mang lại nguồn thu khoảng 5 tỷ đồng cho bà con nông dân. Nhiều hộ nông dân đã làm giàu từ quế như ông Nguyễn Văn Cường, ông Nguyễn Văn Lưu ở thôn Yên Bình; ông Hà Văn Vĩ, bà Phạm Thị Hiếu, ông Nguyễn Văn Hảo ở thôn Trực Khang… Vừa qua, xã Hưng Thịnh còn tham gia vào Dự án Gia vị cuộc sống của của Hà Lan. Gần 50 hộ dân đã được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế nguyên liệu sạch (phơi trên giàn, chống bám bẩn, mốc). Phía Hà Lan cam kết thu mua toàn bộ nguyên liệu cho các hộ này với giá cao hơn so với tiêu thụ trong nước”.
Hiện nay, toàn xã có khoảng 1.160ha cây gỗ nguyên liệu, chủ yếu là keo, mỡ, bồ đề. Do điều kiện khai thác thuận lợi, gần nơi tiêu thụ nên giá khá cao. Mỗi năm, thu nhập từ gỗ nguyên liệu đã mang lại khoảng 5 tỷ đồng. Hiệu ứng từ trồng kinh tế đem lại khá lớn, xuất phát từ nhu cầu khai thác và vận chuyển, xã đã có 60 xe tải, 3 cơ sở chế biến gỗ, giải quyết việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho trên 200 lao động.
Gần chục năm trở lại đây, người dân ở đây phát triển các loại cây có múi như: cam Đường canh, cam sen, cam sành, bưởi Diễn, chanh tứ thời… Cơ duyên để loại cây có múi chất lượng cao “bén rễ” ở Hưng Thịnh là do địa phương nhận thấy từ xưa trồng bưởi, cam, quýt bằng giống truyền thống rất sai quả, chất lượng tốt. Vì thế, Hưng Thịnh đã chú ý khai thác tiềm năng này, mời các nhà khoa học về cây ăn quả đến nghiên cứu thổ nhưỡng, xây dựng mô hình thí điểm. Đến nay, sau 10 năm triển khai, toàn xã đã có trên 40ha cây ăn quả có múi tập trung tại các thôn: Yên Bình, Yên Định, Yên Phú, Trực Chính, Trực Khang. Bà con giờ đã có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chiết, ghép, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc.
Ông Hà Công Hoằng - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Qua điều tra sơ bộ, mỗi năm, thu nhập từ cây ăn quả có múi từ 9 đến 10 tỷ đồng. Mục tiêu từ nay đến năm 2020, toàn xã phấn đấu trồng 100ha, tương lai thu nhập từ loại cây này sẽ còn lớn hơn nhiều. Nhiều hộ đã thu nhập vài trăm triệu đồng từ vườn quả mỗi năm”.
Vườn cây ăn quả của ông Lê Minh Hiến tươi tốt với những vạt bưởi Diễn, cam, quýt trĩu cành. Ông Hiến cho biết, gia đình ông cũng trồng 2ha cây ăn quả được chục năm nay, từ năm thứ 4 trở đi, đã thu hoạch ổn định và trong mấy năm gần đây, thu bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Vườn của ông có những cây bưởi Diễn một vụ cho thu tới 6 triệu đồng, bởi giá bán buôn 20 nghìn đồng/quả. Lý giải cho việc nhiều người chỉ biết đến vùng cam, quýt Lục Yên, Văn Chấn, bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình), ông Hiến cho rằng: “Có lẽ do mới phát triển được khoảng chục năm, số lượng chưa nhiều, thương lái từ Hà Nội và một số tỉnh thu mua cả vườn nên hầu như không bán nội tỉnh khiến mọi người ít biết đến cũng là điều dễ hiểu”.
Đối với cây riềng, có lẽ cũng chỉ duy nhất ở Thịnh Hưng mới trồng đại trà đến hàng chục héc-ta. Ưu điểm lớn nhất của cây riềng là tận dụng được những thửa đất nhỏ ven đường, khe, suối hoặc đất soi bãi lũ lụt, khó trồng cấy, trồng dưới tán rừng tre, nứa. Cây riềng không cần phải đầu tư phân bón hoặc công chăm sóc và rất dễ thu hoạch. Những năm gần đây, giá luôn ổn định ở mức 4.500 đến 5.000 đồng/kg. Có những hộ trồng riềng thu hoạch tới vài chục triệu đồng một năm như ông Phạm Văn Sơn ở thôn Trực Chính. Thị trường tiêu thụ riềng trước mắt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Đồng chí Vũ Thị Hằng Nga cho biết thêm: “Diện tích quế cơ bản đã ổn định nhưng tiềm năng cây ăn quả có múi ở Hưng Thịnh vẫn còn cơ hội mở rộng diện tích vì của xã có trên 300ha đất đồi vườn, 238ha chè. Bà con đang muốn chuyển những diện tích chè già cỗi, đất ruộng canh tác kém hiệu quả sang trồng những loại cây khác. Do đó, xã tiếp tục coi quy hoạch phát triển cây ăn quả, áp dụng khoa học kỹ thuật, xác định những giống cây ăn quả có múi chất lượng cao, tiêu thụ tốt, tư vấn cho nhà nông phát triển. Riêng cây riềng do chưa xác định tiềm năng và tính ổn định của thị trường nên xã chưa đưa vào quy hoạch phát triển nhưng nếu trồng xen với rừng nguyên liệu gỗ, tre, nứa quỹ đất còn rất lớn”.
Nhờ sự năng động trong phát triển kinh tế nên trong tổng số 1.528 hộ dân của xã đã có trên 300 hộ khá, giàu. Nhiều năm liền, xã luôn dẫn đầu về thu ngân sách của huyện. Cụ thể, đến trung tuần tháng 11/2014, xã đã thu ngân sách đạt gần 200 triệu đồng (bằng 159% dự toán huyện giao). Điều đó chắc chắn sẽ tạo đà phát triển mạnh trong tương lai để vùng quê này “cất cánh” đúng với tên gọi Hưng Thịnh, nghĩa là “thịnh vượng đi lên”.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
Bộ LĐ,TB&XH gửi văn bản đến các tỉnh thành yêu cầu đốc thúc việc triển khai quy định cùng với việc xây dựng kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
YBĐT - Ngày 30/11, Yên Bái đã hoàn thành kế hoạch thu 1.161 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, đạt 101%, “về đích” trước 1 tháng so với thời gian kế hoạch. Đây là tin vui đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, điều đó khẳng định sự sáng suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông tối 2/12 cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã chính thức ký Quyết định số 1798/QĐ-BTTTT thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thông tin di động (VMS).
YBĐT - Vùng cao, vùng đồng bào dân tộc đã và đang có những bước phát triển vượt bậc; “điện, đường, trường, trạm” được xây dựng khang trang; cái đói, cái nghèo đang từng năm khép lại; quan trọng hơn là cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn đang chuyển dịch đúng hướng. Đó là nền tảng vững chắc để vùng cao đi lên bằng nội lực và tiềm năng thế mạnh của mình.