Nậm Mười: Tìm hướng thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/12/2014 | 4:02:09 PM
YBĐT- Nậm Mười là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái), có 647 hộ dân sinh sống rải rác ở 8 thôn, bản. Những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống người dân được nâng cao.
Tuyến đường vào xã là đường đất, mỗi mùa mưa bão rất khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân.
|
Song, nhìn chung, Nậm Mười vẫn là xã nghèo của huyện với tỷ lệ hộ nghèo trên 63%. Làm thế nào để xóa đói giảm nghèo vẫn là bài toán khó với Đảng bộ, chính quyền và người dân ở đây.
Từ quốc lộ 32, vượt qua quãng đường hơn 14km, chúng tôi mới đặt chân tới trung tâm xã. Nậm Mười có gần 647 nóc nhà với 3.378 nhân khẩu, 98% số hộ là dân tộc Dao và sống rải rác ở 8 thôn, bản. Nằm ở địa thế tương đối cao nên mùa đông nơi đây nhiệt độ thường rất thấp, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ có sương mù bao phủ, ít khi có nắng. Chính khắc nghiệt của tự nhiên đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Diện tích lúa toàn xã 114ha nhưng chỉ có 70ha làm được 2 vụ. Hàng năm, Đảng bộ, chính quyền xã vận động nhân dân mở rộng diện tích, đưa các giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết lạnh vào gieo cấy. Cán bộ khuyến nông xuống tận thôn, bản hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa nước, cách phòng trừ sâu bệnh.
Trước đây, sản xuất nông nghiệp người dân cứ phó mặc cho tự nhiên thì nay đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa của xã tăng lên đáng kể, từ 35 tạ/ha lên 47 tạ/ha. Ngoài ra, xã đưa vào sản xuất được 100ha ngô, năng suất 30 tạ/ha, 40ha chè, 80ha sắn. Bên cạnh phát triển lúa, ngô, xã tập trung vào chăn nuôi đại gia súc. Hiện, toàn xã có 1.365 con trâu, bò. Nhiều hộ có đàn trâu trên chục con như hộ gia đình ông Bàn Kim Lân, Bàn Kim Thêm. Tuy nhiên, hướng thoát nghèo ở đây vẫn trông vào cây quế. Cây quế đã giúp cho nhiều hộ dân ở Nậm Mười trụ vững trên vùng đất đầy khó khăn này. Hiện, toàn xã có 334ha quế. Nhiều hộ đã đầu tư chăm sóc vườn quế hàng chục năm tuổi, bắt đầu khai thác cho thu nhập cao.
Ông Bàn Kim Thanh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Năm nay, quế được giá, bà con phấn khởi lắm. Thu nhập từ quế đã góp phần làm đời sống sinh hoạt của bà con người Dao, người Mông ở Nậm Mười được nâng lên”.
Chúng tôi vào thôn Nậm Mười, thấy cơ man nào là quế. Thôn này có 77 nóc nhà sống tương đối tập trung. Trưởng thôn anh Bàn Phúc Thanh bảo rằng: “Ở đây chỉ có quế là cây cho giá trị. Nhà nào cũng có quế. Hiện, toàn thôn có 78ha quế. Mấy năm gần đây, cây quế đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo. Cả thôn hiện chỉ còn 35 hộ nghèo”. Ngoài phát triển cây quế thì cây trồng có thể làm giàu ở đây là thảo quả. Mấy năm nay, thảo quả được giá nên phong trào trồng thảo quả dưới các tán rừng bắt đầu nở rộ.
Phó chủ tịch UBND xã Bàn Kim Thắng cho biết: “Hiện, toàn xã có 60 hộ trồng thảo quả, hộ cao nhất cho thu nhập 500 triệu đồng từ thu hoạch thảo quả như gia đình ông Bàn Kim Vượng, Bàn Kim Định ở thôn La Háo Pành, còn trung bình cũng được 60 - 70 triệu đồng. Xã đang chỉ đạo mở rộng diện tích cây thảo quả và hy vọng ngoài cây lúa, cây ngô, đây sẽ là loại cây giúp người dân Nậm Mười thoát nghèo”.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế xã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, nhìn chung, Nậm Mười vẫn là xã nghèo của huyện Văn Chấn. Đi tìm lời giải cho bài toán xóa đói, giảm nghèo của xã thật nan giải. Nguồn sống chủ yếu của người dân trông vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhưng lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sản phẩm đầu ra luôn bấp bênh trong khi hạ tầng còn nhiều yếu kém. Tuyến đường vào xã là đường đất, mỗi mùa mưa bão lại hư hại nền đường, mặt đường rất khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa.
Bí thư Đảng ủy xã Bàn Phúc Thanh chia sẻ: “Chúng tôi vẫn loay hoay trong bài toán thoát nghèo. Hiện, toàn xã còn 446 hộ nghèo. Muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo hướng tới sản xuất hàng hóa thì phải giải được bài toán về giao thông và thủy lợi khi mà còn nhiều diện tích canh tác vẫn dựa vào nước trời, đường xá đi lại còn khó khăn. Vẫn biết những năm qua xã đã nhận được nhiều sự đầu tư của Nhà nước nhưng so với nhu cầu thực tế còn nhiều khiêm tốn và Nậm Mười cần thêm nhiều những công trình lớn để tạo nên "cú huých".
Để góp phần vào xóa đói giảm nghèo, trước mắt, xã mong muốn được Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường vào trung tâm xã cải thiện điều kiện đi lại của người dân. Đặc biệt, mong mỏi có cây cầu treo ở suối Bản Mười để người dân đi lại thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế. Về sản xuất, người dân thiết tha mong được chuyển đổi diện tích đất rừng phòng hộ ít sung yếu sang trồng rừng sản xuất để người dân trồng cây quế góp phần nâng cao thu nhập. Một vấn đề nữa là phải làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của bà con vùng sâu sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Ngày 5/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2014, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2014-2015. (ảnh)
YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, diện tích ruộng nước ít, tập quán canh tác lạc hậu. Vì vậy, tình trạng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy vẫn còn khá phổ biến ở một số xã.
YBĐT - Cùng với các nhiệm vụ chuyên môn khác, công tác thu ngân sách được thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) xác định là một trong những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong năm. Với cách làm riêng của mình, thị trấn Yên Bình không những đã “cán đích” mà còn vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2014.
Bộ Tài chính vừa công bố mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi tối đa với các mặt hàng xăng, dầu theo hướng tăng từ 10-15%.