“Bàn đạp” cho người nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/12/2014 | 9:38:52 AM

YBĐT - Những năm qua, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước đối với người nghèo, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đồng hành, sát cánh, tạo “bàn đạp” vững chắc không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần giúp người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn toàn tỉnh nói chung và huyện Lục Yên nói riêng có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên kiểm tra trâu của hộ ông Nguyễn Long Quan ở thôn 6, xã Minh Chuẩn mua từ nguồn vốn chính sách.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên kiểm tra trâu của hộ ông Nguyễn Long Quan ở thôn 6, xã Minh Chuẩn mua từ nguồn vốn chính sách.

Lục Yên là huyện tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa không đồng đều, kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tương đối cao. Do đó, việc thực hiện kịp thời các chương trình, dự án từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội như Chương trình 167 xóa nhà dột nát; vay vốn sản xuất cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thời hạn 5 năm, lãi suất 0%; cho vay hộ nghèo, gia đình chính sách sản xuất, kinh doanh từ 15 triệu đồng trở lên; hỗ trợ trâu, bò giống cho hộ nghèo đã giúp cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.

Qua đó, đã có hàng nghìn hộ nghèo ở Lục Yên làm được nhà mới từ Chương trình 167, có giống trâu, bò để chăn nuôi sinh sản và tận dụng sức cày kéo phát triển kinh tế; có vốn để đầu tư chăn nuôi lợn, gà, phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, cây màu các loại... từng bước tăng thêm thu nhập nâng cao đời sống.

Đi kiểm tra, giám sát mục đích, hiệu quả sử dụng vốn của các hộ được vay vốn ở các xã, anh Dương Quốc Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Lục Yên cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ của Chi nhánh, hàng năm, chúng tôi đều căn cứ theo chỉ tiêu được phân công để xây dựng kế hoạch phân phối, giải ngân đến các xã, trong đó, đối tượng chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số... Bình quân hàng năm, chúng tôi đã giải ngân được trên 200 tỷ đồng. Riêng năm 2014, tính đến thời điểm hiện tại đã giải ngân được trên 263 tỷ 783 triệu đồng, đạt 99% kế hoạch năm. Một số xã điểm được giải ngân nhiều như Khánh Thiện, Minh Xuân, Lâm Thượng...”.

Tổ vay vốn do chị Nguyễn Thị Bưu ở thôn 6, xã Minh Chuẩn làm tổ trưởng hiện có tổng dư nợ trên 800 triệu đồng với 37 hộ nghèo được vay và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó, các hộ đều chi trả lãi suất hàng quý và hoàn trả gốc đúng hạn, trong đó có 16 hộ vay chương trình hộ nghèo, tổng dư nợ trên 300 triệu đồng; 10 hộ vay chương trình sản xuất, kinh doanh, dư nợ trên 220 triệu đồng; 9 hộ vay vốn học sinh, sinh viên, dư nợ trên 200 triệu đồng và số hộ còn lại vay các chương trình khác.

Gia đình ông Nguyễn Long Quan, dân tộc Tày ở thôn 6, là một ví dụ. Năm 2009, 2010 ông Quan đã được vay cả bốn khoản từ các chương trình: 167, trâu bò nghèo, hộ nghèo sản xuất, kinh doanh và đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nên ông có điều kiện làm được ngôi nhà sàn vững chắc, mua được trâu, lợn giống về nuôi sinh sản. Ông Quan cho biết: “Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà cuộc sống gia đình tôi đã dần khá lên. Tôi mong muốn sau khi hoàn trả hết nợ, Ngân hàng và địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho tôi vay vốn sản xuất, kinh doanh để khai hoang thêm ruộng”.

Chị Phạm Thị Mị ở thôn 3, xã Tân Lĩnh cũng là một hộ đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, bản thân không có nghề nghiệp ổn định, lại nuôi 3 con nhỏ nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Chị Mị chia sẻ: “Năm 2011, nhờ được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tôi có điều kiện mua trâu cái, đến nay đã sinh sản. Có động lực, ngoài sản xuất nông nghiệp, tôi chăn nuôi thêm lợn sinh sản rồi nuôi thành lợn thương phẩm, thời gian còn lại tôi tích cực đi làm thuê... Kinh tế gia đình đã dần khá lên. Năm 2014, tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo”.

Để “bàn đạp” này tiếp tục giúp người dân Lục Yên thoát nghèo, thời gian tới, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, rất cần sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương có kế hoạch sử dụng nguồn vốn chính sách vào sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tình hình thực tế địa phương để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng thế mạnh tại chỗ, nâng cao đời sống hộ gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

A Mua

Các tin khác
Đường dây 110 kV Yên Bái - Nghĩa Lộ sau khi hoàn thành.

YBĐT - Đường dây 110 kV 173 E12.3 Yên Bái – Nghĩa Lộ được xây dựng và đưa vào vận hành khai thác từ năm 2005. Tính đến thời điểm hiện tại, đường dây có nhiệm vụ cấp điện cho khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái, tải công suất các nhà máy thủy điện.

Ban Chỉ đạo Điều hành giá họp phiên đầu tiên vào sáng 9/12, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục "Khoản vay bổ sung Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc - giai đoạn 2" vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân cách làm đường băng cản lửa.

YBĐT - Yên Bái đứng thứ 4 toàn quốc về độ che phủ rừng. Nhiều năm nay, vào mùa khô hanh, việc đốt rừng, làm nương rẫy và đốt bãi chăn thả gia súc của đồng bào vùng cao khiến nhiều diện tích rừng bị thiêu trụi. Vì vậy ngay đầu mùa khô hanh năm nay, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường triệt để các biện pháp bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục