Tăng cường quản lý hoạt động khai thác đá vôi trắng
- Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2014 | 9:03:57 AM
YBĐT - Ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg chỉ đạo tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác mới đối với một số loại khoáng sản, trong đó có đá hoa trắng. Do đó, các dự án thăm dò sau khi kết thúc giai đoạn thăm dò, lập dự án đầu tư khai thác đến nay chưa được cấp giấy phép khai thác tiếp theo.
Khai thác đá khối xuất khẩu của Công ty Đá cẩm thạch R.K Việt Nam.
|
Đối với hoạt động khai thác đá hoa trắng, trên địa bàn tỉnh có 28 giấy phép của 26 doanh nghiệp đang hoạt động. Đối với hoạt động thăm dò, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 giấy phép thăm dò của 17 doanh nghiệp đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Tuy nhiên, 16 giấy phép đã hết hạn. Việc chưa được cấp quyền khai thác sau hoạt động thăm dò đã ảnh hướng rất lớn đến doanh nghiệp, bởi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc thiết bị vào mỏ nhưng chưa được phép hoạt động.
Đá vôi trắng vùng Mông Sơn (huyện Yên Bình) có diện tích chứa đá hoa trắng trên 600ha, trữ lượng trên 600 triệu tấn, là vùng có chất lượng và hệ số thu hồi đá vôi trắng cao nhất tại Yên Bái. Nguồn đá ở đây còn cung cấp nguyên liệu chính cho 2 nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh.
Qua trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Công ty cổ phần Mông Sơn; Công ty Liên doanh Canxi cacbonat YBB… nhìn chung, các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản khu vực Mông Sơn đã chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp đạt 1.419 tỷ đồng; năm 2013 đóng góp vào ngân sách 133 tỷ đồng, tạo công ăn, việc làm ổn định cho 1.300 lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bện cạnh đó, còn một số doanh nghiệp chưa đầu tư khai khai thác sâu, dẫn đến tỷ lệ thu hồi sản phẩm thấp. Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ, là công ty có quy mô khai thác đá hoa trắng lớn nhất Việt Nam hiện nay với 3 loại sản phẩm chính: đá khối, đá xẻ tấm lớn và đá cắt theo quy cách (tận dụng từ viên đá không có khối to), 99,9% sản lượng khai thác được xuất khẩu đến 60 nước trên thế giới. Bà Đỗ Thị Hồng - Phó tổng giám đốc Công ty R.K cho biết, theo giấy phép đầu tư của Công ty thì trữ lượng đá khối được phép khai thác là 5 triệu mét khối, đá bột từ 12-15triệu mét khối, tỷ lệ thu hồi đạt từ 30-35%. Tuy nhiên, Công ty chỉ có thể thu hồi 3-5%.
Tại các mỏ của Công ty R.K, với chất lượng và trữ lượng như hiện nay, nếu khai thác với kích thước từ 5-10m3/khối đá thì độ thu hồi mới đạt từ 3-5%. Nếu tận thu sản xuất bột nghiền từ đá viên chắc chắn độ thu hồi đạt 30-35% theo hồ sơ cấp phép. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ đầu tư khai thác đá khối với kích thước 5-10m3, còn lại trên 96% phế phẩm doanh nghiệp không đầu tư thiết bị sản xuất. Những phế phẩm không được xử lý của Công ty đang là nguy cơ lớn đối với môi trường và với kiểu khai thác đó dễ hiểu vì sao trong 5 - 7 năm tới doanh nghiệp này không còn trữ lượng khai thác.
Bên cạnh việc bản thân doanh nghiệp chưa có sự đầu tư tận thu triệt để các loại sản phẩm thì trong hoạt động khai thác, các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề về chính sách phần nào gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể như cách tính thuế tài nguyên, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Mông Sơn cho rằng chưa phù hợp, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương trong tỉnh. Việc tính thuế tài nguyên ở các tỉnh là không giống nhau tạo cho doanh nghiệp áp lực cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp khác ngoài tỉnh.
Đối với việc đánh giá trữ lượng, bà Đỗ Thị Hồng - Phó giám đốc Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam cho biết, việc đánh giá trữ lượng chưa chính xác, trữ lượng thực tế thấp hơn nhiều so với trữ lượng được phê duyệt dẫn đến chi phí cấp mỏ lớn.
Bên cạnh những khó khăn đó thì bản thân doanh nghiệp cũng còn nhiều vấn đề chưa khắc phục được, chủ yếu là năng lực yếu, nhiều mỏ đã đi vào khai thác nhưng chưa đạt được công suất thiết kế. Có doanh nghiệp đã được cấp phép từ nhiều năm nhưng vẫn chưa đầu tư hoạt đông. Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng nhất định đến kết quả khai thác.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng công suất khai thác theo giấy phép của các doanh nghiệp khai thác đá là 2,1 triệu m3/năm đá ốp lát và 12,4 triệu tấn/năm đá nghiền bột. Tuy nhiên, thực tế tổng sản lượng đã khai thác hàng năm đối với đá ốp lát mới chỉ đạt 0,49 triệu mét khối (bằng 23,33% công suất được cấp), đối với đá nghiền bột là 1,48 triệu tấn (bằng 11,94% công suất được cấp).
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp, mới đây, trong đợt kiểm tra hoạt động khai thác đá hoa trắng tại Yên Bái, ông Trần Hồng Hà - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đang khảo sát, tiếp thu những vướng mắc trong hoạt động khoáng sản và sẽ nghiên cứu, có những điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, trước mắt, các doanh nghiệp vẫn phải chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản.
Hồng Anh
Các tin khác
Ngày 24/12, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11. Tính chung CPI trong 12 tháng qua chỉ tăng 1,84% so với tháng 12/2013 và CPI bình quân năm 2014 so với năm 2013 tăng 4,09%. Đây là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng ngày 24/12 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND, tương tự như định hướng đã đưa ra ba năm qua.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020 của 31 tỉnh, thành phố.
Nhờ điều hành quyết liệt bằng nhiều giải pháp, thu NSNN tính đến ngày 22/12/2014 đạt 831,19 nghìn tỷ đồng, bằng 106,2% dự toán.