Hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
- Cập nhật: Thứ tư, 7/1/2015 | 8:52:10 AM
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 46/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ảnh minh họa
|
Thông tư này hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, bao gồm các dịch vụ: thanh toán từng lần qua tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Nhà nước; thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi; thanh toán nhờ thu, ủy nhiệm thu; chuyển tiền; thu hộ; chi hộ.
Việc cung ứng các dịch vụ thanh toán sau được thực hiện theo các quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước: Thanh toán liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý và vận hành; Thanh toán séc, thanh toán thẻ ngân hàng qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Việc cung ứng dịch vụ thanh toán quốc tế của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và theo tập quán thương mại quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng được các bên thỏa thuận áp dụng.
Kiểm soát, bảo mật chứng từ
Thông tư quy định, chứng từ sử dụng trong thanh toán phải được lập, ký, kiểm soát, luân chuyển, quản lý, sử dụng và bảo quản theo đúng quy định về chế độ chứng từ kế toán ngân hàng và phù hợp với quy định tại Thông tư này.
Chứng từ sử dụng trong thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy cách, mẫu biểu, in ấn, phát hành và sử dụng.
Chứng từ sử dụng trong thanh toán qua ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô do ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô quy định quy cách, mẫu biểu, in ấn, phát hành và hướng dẫn thực hiện đảm bảo phù hợp với quy trình thanh toán đối với từng loại hình dịch vụ theo quy định.
Các thông tin, dữ liệu của chứng từ điện tử phải được kiểm soát đầy đủ đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và tính toàn vẹn của thông tin. Đồng thời, chứng từ phải được kiểm soát, quản lý bảo mật để ngăn ngừa và tránh việc lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép thông tin bất hợp pháp.
Phải tuân thủ quy định về việc lập, xử lý chứng từ điện tử
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi cung ứng các dịch vụ thanh toán giao dịch bằng phương tiện điện tử phải đáp ứng các yêu cầu sau: Tuân thủ các quy định về việc lập, xử lý, sử dụng, bảo quản, lưu trữ chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; Xây dựng quy trình thanh toán trong đó đảm bảo có đủ thông tin cần thiết để kiểm tra, đối chiếu nhận biết khách hàng; đáp ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý rủi ro, an toàn, bảo mật khi thực hiện dịch vụ thanh toán bằng phương thức điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng điện tử.
Có thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng và các bên liên quan, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và cơ chế giải quyết tranh chấp (nếu có) theo quy định của pháp luật; Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Thông tư cũng quy định rõ về dịch vụ thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như dịch vụ thanh toán từng lần qua tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Nhà nước; Dịch vụ thanh toán ủy nhiệm chi; Dịch vụ thanh toán ủy nhiệm thu; Dịch vụ thu hộ và dịch vụ chi hộ; dịch vụ chuyển tiền; dịch vụ thanh toán qua quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia dịch vụ thanh toán…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2015.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Chiều qua 6-1, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
Kể từ 16h 30 phút chiều 6/1, giá xăng RON 92 giảm 307 đồng/lít, dầu diesel giảm 361 đồng/lít. Đồng thời giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá xuống còn 500 đồng/lít.
Giá vàng đã tăng hơn 1% trong phiên thứ Hai khi thị trường chứng khoán toàn cầu giảm do những lo ngại về tương lai của Hy Lạp trong khu vực đồng euro và giá dầu giảm sâu hơn.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong năm 2014 có sự tăng trưởng khá tốt về xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa với kim ngạch xuất khẩu tăng gần 16% với 2013.