Đổi thay ở xứ Mù Cang
- Cập nhật: Thứ năm, 12/2/2015 | 2:02:27 PM
YBĐT - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, kinh tế huyện vùng cao Mù Cang Chải đã có sự chuyển dịch đúng hướng, luôn giữ mức tăng trưởng khá, sản xuất nông - lâm nghiệp có nhiều đột phá; đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, đến nay, đạt 10 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5 triệu đồng/người so với năm 2010.
Chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng cao.
|
Trước đây, mảnh đất vùng cao này còn đói nghèo và lạc hậu. Nhưng xuân này, đến Mù Cang Chải, cảm nhận rõ nhất trong tôi là sự thay đổi trong đời sống người dân. Nơi đây đang vươn lên mạnh mẽ cùng sự phát triển chung của tỉnh, của cả nước. Quốc lộ 32 - con đường dẫn lên Mù Cang Chải được đầu tư thảm nhựa đi lại dễ dàng.
Từ thị xã Nghĩa Lộ chỉ mất hai giờ đồng hồ ngồi ô tô, trung tâm huyện hiện ra với dáng dấp của một phố thị khá sôi động. Các điểm dọc quốc lộ 32 như: Púng Luông, ngã ba Kim, Khao Mang cũng hình thành những thị tứ. Tô điểm nơi núi rừng điệp trùng là các công sở, các điểm trường, trạm y tế... được xây dựng khang trang. Đường vào trung tâm các xã cũng đã cứng hóa, hệ thống đường liên thôn, bản xe máy đã đi lại dễ dàng. Chỉ cách đây vài năm thôi, nhiều người gọi Mù Cang Chải là "xứ mù".
Cứ nói đến Mù Cang Chải là người ta nghĩ đến sự xa xôi, vất vả. Vậy mà, chỉ trong thời gian ngắn, Mù Cang Chải đã có sự đổi thay nhanh chóng. Vẫn những người Mông ấy, nương ngô thửa ruộng ấy nhưng tư duy và cách làm đã khác. Những cán bộ ngày đêm bám rừng, bám ruộng, "ba cùng" với nhân dân đã là cầu nối cho những chính sách đến được với bà con vùng cao ở xứ sở trong mây này. Trong sự đổi thay đó phải kể đến việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Ngoài việc đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như: Thục Hưng 6, HYT100, Việt Lai 20… vào canh tác thì huyện còn vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích trồng lúa đông xuân, chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô…
Nhờ đó, diện tích, năng suất và sản lượng các loại cây trồng không ngừng tăng". Nếu như năm 2010, ngoài giống lúa Nhị ưu 838 ra, cơ cấu giống lúa mới chiếm dưới 15%, giống ngô mới chiếm dưới 30% thì đến năm 2014, cơ cấu giống lúa mới chiếm gần 40%, giống ngô mới chiếm trên 64%. Diện tích lúa đông xuân năm 2010 chỉ có 760ha, diện tích ngô là 2.600ha, đến năm 2014 diện tích lúa đông xuân trên 1.200ha, diện tích ngô gần 4.000ha.
Nhờ đưa các giống lúa mới, ngô mới vào canh tác nên năng suất lúa, ngô tăng cao. Năm 2010, sản lượng lương thực toàn huyện chỉ đạt 18.548 tấn, đến năm 2014 đạt trên 32.867 tấn, vượt 40% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII. Bên cạnh việc đưa các giống lúa, ngô mới vào canh tác thì huyện Mù Cang Chải chú trọng đến việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô lai. Đây được coi như một cuộc "cách mạng xanh" đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, những vạt lúa nương cằn cỗi ngày nào đang lần lượt được thay "áo mới".
Trên 1.140ha lúa nương chuyển đổi được trải khắp từ Cao Phạ, La Pán Tẩn cho đến Khao Mang, Hồ Bốn… đâu đâu cũng là hình ảnh xanh mướt của ngô đồi. Không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực, giờ đây, ngô đồi đã thực sự mở hướng thoát nghèo và trở thành cơ hội làm giàu cho người dân nơi đây. Cùng với trồng trọt, huyện tập trung các giải pháp để phát triển chăn nuôi. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ của Nhà nước về con giống, về vốn, huyện thường xuyên cử cán bộ khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn nhân dân kĩ thuật làm chuồng nuôi nhốt gia súc; làm cây rơm, trồng cỏ voi VA06 để dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông và cách vệ sinh, phòng dịch cho vật nuôi.
Đến nay, tổng đàn gia súc chính toàn huyện tăng bình quân 6 - 7%/năm, đạt trên 54 nghìn con, tăng 12 nghìn con so với năm 2010; đàn gia cầm tăng 8 - 10%/năm, tăng hơn 71 nghìn con so với năm 2010. Trong lâm nghiệp, huyện đã trồng mới được 3.263ha rừng, trong đó 2.700ha rừng phòng hộ và 563ha rừng kinh tế. Huyện cũng vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện chăm sóc, bảo vệ 69.000ha rừng hiện có, nâng độ che phủ của rừng từ 53,5% năm 2010 lên 61% năm 2014.
Ngoài ra, cũng tập trung khai thác các thế mạnh để phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: rèn đúc, dệt thổ cẩm, sản xuất gạch không nung, khai thác vật liệu xây dựng và khai thác tiềm năng thủy điện vừa và nhỏ, khai khoáng, xây dựng… Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2014 đạt 215 tỷ đồng, tăng 185 tỷ đồng so với năm 2010.
Theo đánh giá của Đảng bộ huyện, đến nay đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra, trong đó chủ yếu là các chỉ tiêu nằm trong nhóm kinh tế. Điều này được thể hiện qua sự chuyển dịch đúng hướng của nền kinh tế. Cụ thể, năm 2010, nhóm nông - lâm nghiệp chiếm 54,6%, đến nay đã giảm còn 47%; nhóm công nghiệp - xây dựng tăng từ 21% lên 27%; nhóm thương mại - dịch vụ tăng 27% - 28,5%.
Có thể nói, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, kinh tế Mù Cang Chải đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, Đảng bộ huyện cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế, đó là: tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng nhưng còn chậm; phát triển sản xuất nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, tập quán canh tác còn nhỏ lẻ, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất; chưa phát huy thế mạnh của ngành nghề địa phương; hoạt động sản xuất công nghiệp kém đa dạng, giá trị đạt thấp; việc quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn chưa chặt chẽ; chăn nuôi phát triển đàn gia súc còn gặp nhiều khó khăn vì không có đồng cỏ, thiếu thức ăn trong mùa khô, nhiều nơi vẫn có thói quen thả rông gia súc.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã đề ra đưa huyện vùng cao thoát khỏi khó khăn, lạc hậu, thời gian tới, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực tiến hành mở mới và kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển mạnh công nghiệp, thương mại - dịch vụ và xây dựng nông thôn mới… tiến tới đưa nền kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, phấn đấu hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 47,55%.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Năm 2015, Chi cục Thuế huyện Yên Bình được tỉnh Yên Bái giao thu cân đối ngân sách 106 tỷ đồng, HĐND huyện giao 120 tỷ đồng, trong đó, thuế môn bài (TMB) trên 431 triệu đồng, chiếm khoảng 4%.
YBĐT - Vụ đông xuân 2014-2015, huyện Trấn Yên phấn đấu gieo cấy trên 2.611 ha đất lúa dự ước năng xuất đạt 50 tạ/ha và đạt tổng sản lượng 13.160 tấn. Áp dụng đúng khung lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp huyện, đến nay nông dân trong huyện đã gieo cấy được trên 600ha, phấn đấu sẽ hoàn thành việc gieo cấy vụ đông xuân trước tết Nguyên đán.
Chiều 11/2, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước vận tải tại các DN vận tải hành khách bằng taxi và tuyến cố định.
YBĐT – Chiều 11/2, đoàn công tác của tỉnh Viêng Chăn do Tiến sỹ Khăm Kẹo Vông Phi La – Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Viêng Chăn đã có buổi làm việc với Sở Ngoại vụ tỉnh Yên Bái, nhằm đánh giá hoạt động hợp tác giữa tỉnh Yên Bái với tỉnh Viêng Chăn giai đoạn 2010 – 2014 và dự kiến kế hoạch năm 2015.