Nguồn sống của làng
- Cập nhật: Chủ nhật, 22/2/2015 | 8:47:27 AM
YBĐT - Tết này, hơn 150 hộ người Dao ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn đã có một cái tết sung túc hơn. Chẳng là, năm nay, quế được giá. Điều đó cũng chẳng có gì lạ. Nhưng sự đặc biệt ở đây là người dân nhiều năm nay, cùng trồng, cùng chăm sóc, bảo vệ rừng quế gần bốn chục tuổi ra đời từ phong trào trồng quế nhớ ơn Bác Hồ để hôm nay, trở thành nguồn sống của thôn…
Đồng bào Dao thôn Giàng Cài thu hoạch quế.
(Ảnh: Xuân Tình)
|
Từ đồi quế Bác Hồ
Lỡ hẹn mãi, áp tết, tôi mới có dịp đến Giàng Cài - nơi có rừng quế tập thể nức tiếng gần xa. Từ quốc lộ 32, chỉ mất chừng 10 phút theo con đường bê tông phẳng lỳ, tôi đã đặt chân đến “thủ phủ” quế của đất miền Tây.
Dọc con đường vào thôn, cơ man nào là quế, trên đồi quế xanh ngắt, hai bên lề đường phơi đầy vỏ quế, hương bay thơm nồng. Trưởng thôn Phùng Sinh Xương dẫn tôi đến rừng quế cổ thụ do cộng đồng người Giàng Cài trồng. Càng vào sâu càng bắt gặp những thân quế cao hàng chục mét, có đường kính tới nửa mét.
Chỉ tay lên rừng quế bạt ngàn, đồng chí Trưởng thôn bảo, đó chính là nguồn sống của hơn 150 hộ người Dao. Thực ra, người Dao Giàng Cài chẳng biết cây quế có mặt ở đây từ bao giờ. Nhưng theo các cụ cao niên kể lại, hơn 4 thập niên trước, trên những cánh rừng nơi đây đã có quế. Người dân coi quế là loài dược liệu quý mà chim trời đánh rơi hạt xuống những cánh rừng ở Nậm Lành.
Ông Bàn Kim Ngân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã kể rằng: “Trước đây, thôn này gồm 3 thôn Giàng Ngâu, Ngọn Cài, Phoong Pành. Mỗi thôn có hơn chục hộ đồng bào Dao sinh sống, nằm rải rác bên dòng suối Tà Lành. Người Dao chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu chặt rừng, đốt nương để trồng ngô và lúa nương năng suất thấp nên đói cái ăn, thiếu cái mặc năm này qua năm khác. Để có lương thực, người Dao sống bám vào rừng theo kiểu du canh, du cư. Đồng bào lên rừng, ngả quế, bóc vỏ, bán hoặc đổi gạo”.
Ông bắt đầu câu chuyện bằng việc sống bám vào rừng như thế. Nhấp ly nước thuốc của người Dao đỏ quạch, vị cán bộ mặt trận kể tiếp: “Rồi những năm quế được giá, 1kg quế đổi được vài cân gạo, lái buôn lặn lội đến tận bản thu mua. Người dân thi nhau lên rừng, ngả quế. Lấy của rừng mãi, chẳng ai nghĩ đến việc trả nợ cho rừng, quế hiếm dần và có nguy cơ xóa sổ. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, người dân Giàng Cài quyết định trồng quế”.
“Năm 1974 - 1975, nghe theo Đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân thôn Giàng Cài đã nhận thấy lợi ích từ việc trồng quế. Được Ban Định canh định cư huyện cấp cây giống, bà con bảo nhau trồng quế để “trả nợ” rừng. Lúc đầu, không ít người phản đối. Sau khi “mắt thấy” vườn quế xanh tốt và “tai nghe” thông tin ở nhiều địa phương khác giàu lên từ cây quế, bà con càng tích cực trồng. Giờ đây, Giàng Cài coi quế là cây chủ lực nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống” - Trưởng bản Phùng Sinh Xương tiếp lời.
UBND xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông, hướng dẫn người dân về kỹ thuật ươm giống, chăm sóc và thu hoạch quế. Đến nay, rừng cộng đồng của thôn Giàng Cài hiện có hơn 120ha. Từ năm 2007 trở lại đây, trung bình mỗi năm, Giàng Cài thu hơn một tỷ đồng từ bán vỏ, bán lá và gỗ quế. Đến giờ, cây quế đầu tiên mà người Giàng Cài trồng đã ngót 40 tuổi. Có thương lái đến trả giá cao bằng cả chiếc xe máy “xịn” nhưng người Giàng Cài vẫn kiên quyết không bán.
Già làng Lý Hữu Vượng bảo rằng: “Giàng Cài vẫn giữ cây quế tổ, đánh dấu thời kỳ đồng bào Dao nơi đây thực hiện định canh, định cư, hưởng ứng lời kêu gọi trồng cây của Bác Hồ. Cây quế luôn được dân bản gìn giữ và bảo vệ như một biểu tượng để giáo dục các thế hệ về truyền thống, ý thức bảo vệ và phát triển rừng".
Giữ “lộc” của làng
Cũng như những vùng đồng bào Dao trồng quế khác, người Dao Giàng Cài thu hoạch quế 2 vụ, vụ 3 và vụ 8 (tức tháng 3 và tháng 8). Mùa thu hoạch, người Dao gọi đó là mùa "lên núi nhặt vàng”. Vào vụ, trong các ngôi nhà đều vắng ngắt. Trước khi khai thác quế, người Dao phải làm lễ cúng thần rừng. Ở đây, người Dao quan niệm rằng, rừng có thần rừng cai quản và che chở phù hộ cho dân làng trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, thần rừng được tôn thờ, sùng kính như ông bà, tổ tiên. Sau khi cúng, những người có kinh nghiệm, thanh niên khỏe mạnh xung phong đi quan sát, lựa chọn những cây quế đủ tầm tuổi khai thác.
Đến mùa khai thác, mỗi gia đình đều có nhân công lên rừng quế. Giá trị thu hoạch chia đều cho số công lao động. Bởi vậy, mỗi người đều nhận thức về bổn phận và lợi ích của mình trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Chẳng thế mà, dù đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn nhưng không ai có ý định bóc trộm, bán quế để tư lợi riêng.
Ở Giàng Cài có một quy định đã đi vào quy ước: chặt 1 cây phải trồng lại 3 cây. Ai để trâu, bò phá hoại rừng quế, đều phải trồng dặm lại. Mỗi cặp vợ chồng khi kết hôn đều tự nguyện trồng một số cây nhất định nên diện tích quế tập thể luôn ổn định trên 120ha.
Chị Triệu Thị Lưu cho biết: “Từ khi về làm dâu ở thôn này, năm nào, tôi cũng tham gia trồng và thu hoạch quế. Cây quế cho giá trị lớn, không cây nào sánh bằng. Khi quế ra khỏi thôn, lại thêm nhiều ti vi, xe máy về mà”.
Vẫn giọng chậm rãi nhưng không khỏi tự hào, già làng Lý Hữu Vượng bảo: "Do đã hiểu được lợi ích của cây quế nên qua bao thăng trầm, các thế hệ người Giàng Cài vẫn giữ được rừng quế tập thể, biểu tượng của tinh thần đoàn kết.
Bây giờ, rừng quế Bác Hồ do cộng đồng trồng không chỉ là “phao cứu sinh” nữa mà còn giúp người Dao giàu lên”. Trưởng thôn Phùng Sinh Xương tính rất nhanh: “Năm nay, Giàng Cài thu 70 tấn vỏ quế, bán với giá 20.000 đồng/kg. Rừng quế tập thể đã mang về hơn 1,6 tỷ đồng. Vì vậy, người dân ngày càng yêu quý, gắn bó và vun đắp cho rừng quế thêm tươi tốt”.
Suốt 4 thập niên qua, rừng quế nơi đây vẫn không ngừng sinh sôi, lan tỏa làm giàu cho người dân. Và cứ mỗi độ xuân về, những rừng quế lại thêm xanh hơn, rộng hơn dưới bàn tay lao động cần cù của bà con người Dao.
Văn Thông
Các tin khác
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 5 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi (từ ngày 15-19/2), Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh của các địa phương và nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của đồng bào cả nước.
YBĐT – Với giá trị thu về đạt gần 100 tỷ đồng, cam quýt đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu cây trồng của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái...
YBĐT - Trong những phiên chợ tết trên vùng cao Trạm Tấu, ngoài những đặc sản địa phương, bà con người người Mông còn đưa theo đàn dê xuống núi, bán lấy tiền, mua sắm các vật dụng, vải vóc, quần áo, chăn đệm, giầy dép, mắm muối... Đối với đồng bào vùng cao, dê là một trong những con vật dễ nuôi ăn tạp, không tốn nhiều công cắt cỏ. Ngoài lá ngô, rơm rạ, dê còn ăn nhiều cỏ dại, lá rừng…
YBĐT - Đất trời đã chuyển sang xuân. Làn mưa mỏng mảnh trải khắp không gian, hồi sinh cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm để những cây bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình) dồn sức cho mùa mới.