Năm Mùi nói chuyện nuôi dê
- Cập nhật: Thứ bảy, 21/2/2015 | 8:28:19 AM
YBĐT - Trong những phiên chợ tết trên vùng cao Trạm Tấu, ngoài những đặc sản địa phương, bà con người người Mông còn đưa theo đàn dê xuống núi, bán lấy tiền, mua sắm các vật dụng, vải vóc, quần áo, chăn đệm, giầy dép, mắm muối... Đối với đồng bào vùng cao, dê là một trong những con vật dễ nuôi ăn tạp, không tốn nhiều công cắt cỏ. Ngoài lá ngô, rơm rạ, dê còn ăn nhiều cỏ dại, lá rừng…
Chọi dê. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
|
Dê cũng ít uống nước, do đó, khi nuôi, người nuôi cần chú ý làm chuồng trại ở nơi khô ráo và thoáng mát, chẳng thế mà dê vốn ưa thích những nơi núi đá, đồi cao.
Là chủ trang trại nuôi dê có tiếng ở xã Xà Hồ, ông Thào Sáy Tủa ở thôn Súa Giao cho biết: “Tôi nuôi dê 5 năm rồi. Tôi vừa bán hơn chục con, giá 130.000 đồng/kg hơi thương phẩm và 150.000 đồng/kg giống. Hiện nay, đàn dê của gia đình còn 200 con. Tôi đang tiếp tục phát triển để cung cấp giống cho những người muốn phát triển loại vật nuôi này”.
Thời gian qua, ông Tủa đã cung cấp dê giống cho nhiều gia đình tại các vùng lân cận và một số xã của các huyện khác như Suối Bu, Suối Giàng, Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) và xã Nậm Khắt, Cao Phạ, Nậm Có, La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải). Từ việc tích cực phát triển chăn nuôi, cuộc sống của gia đình ông Tủa đã khá dần lên. Đến nay, gia đình ông không những có ngôi nhà đẹp, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt mà còn tậu thêm cả chiếc ô tô tải để dùng vận chuyển hàng nông sản cho gia đình và giúp đỡ bà con dân bản.
Giờ đây, ở xã Xà Hồ, nuôi dê không chỉ một hai hộ. Ông Giàng A Sáy ở thôn Sáng Pao tuy mới nuôi được gần 2 năm nhưng hiện nay, đàn dê của lão nông này đã phát triển lên tới 50 con. Theo như các hộ chăn nuôi, mỗi năm, dê thường sinh sản từ 2 đến 3 lứa và mỗi lứa có từ 2 đến 3 con, thậm chí, những con giống tốt có thể sinh sản tới 4 con/lứa. Thêm vào đó, đàn dê phát triển tương đối nhanh, chỉ từ 6 đến 12 tháng là có thể xuất bán.
Nuôi dê đã trở thành nghề phổ biến ở thôn Bu Cao xã Suối Bu, huyện Văn Chấn.
(Ảnh: Minh Tuấn)
Ông Mùa A Đế - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhân dân trong xã đang chọn hướng phát triển chăn nuôi dê vì cho giá trị kinh tế cao. Hiện, toàn xã đã có khoảng trên 200 hộ nuôi dê thương phẩm, bình quân mỗi bản có từ 15 đến 20 hộ”. Người dân vùng cao giờ thật nhạy bén trong phát triển kinh tế. Ngay như xã Bản Công, việc cùng chăn nuôi dê đã phát triển lên tới 100 hộ ở các thôn Tà Xùa, Tà Chử, Sáng Trá, Háng Kháo Chu….
Ông Phàng A Say - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Nuôi dê không nặng nhọc như những con vật khác nên người dân rất hứng thú. Sáng thả lên đồi, lên rừng, nó tự đi tìm cỏ ăn và tối chỉ đi lùa về chuồng, không để bị lạnh, bị mưa, đặc biệt, không cần cắt cỏ, trừ khi trời rét đậm hoặc mưa to kéo dài nhiều ngày liền”.
Mô hình hợp tác xã nuôi dê ở xã Mồ Dề với số lượng hàng trăm con, đang cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Anh Hải)
Ngày nay, thịt dê được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản, hấp dẫn thực khách bởi có vị ngọt, tính nóng, có công dụng làm thuốc chữa bệnh, bổ khí huyết nên sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt từ các nhà hàng sang trọng, quán ăn bình dân hay chợ nông thôn. Do đó, việc phát triển chăn nuôi dê đang hình thành phong trào ở nhiều địa phương có điều kiện khí hậu và địa hình phù hợp. Không chỉ ở các xã của huyện Trạm Tấu mà ở huyện Mù Cang Chải, người dân cũng tích cực phát triển, hình thành mô hình hợp tác xã ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề hay nhóm hộ ở bản Tà Sung, xã Chế Tạo…
Xuân mới đã gõ cửa từng nhà. Biểu tượng năm nay là những chú dê - linh vật thứ 8 trong 12 con giáp. Với khả năng chinh phục đỉnh núi cheo leo, những chú dê tượng trưng cho sự phấn đấu không ngừng, hướng tới thành công. Năm mới, mong rằng đàn dê trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao.
Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Đất trời đã chuyển sang xuân. Làn mưa mỏng mảnh trải khắp không gian, hồi sinh cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm để những cây bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình) dồn sức cho mùa mới.
YBĐT - Một năm mới lại về, mang hơi thở ấm áp của mùa xuân đến khắp các bản làng của miền đất ngọc. Trong niềm vui đón chào năm mới, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên tự hào về những thành quả đã đạt được trong năm 2014 vừa qua.
YBĐT - Xuân Ất Mùi đã đến, mang theo bao niềm tin và khát vọng cho Yên Bái, mảnh đất cửa ngõ vùng Tây Bắc. Giữa thiên nhiên trù phú, con đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai như một “mắt xích” gắn kết các vùng kinh tế miền xuôi với miền ngược. Chính điều này đã giúp Yên Bái trở thành “mảnh đất vàng” với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
YBĐT - Một mùa xuân mở đầu những kỳ vọng trên chặng đường năm năm phát triển tiếp theo của đất nước, Yên Bái đã có những đổi thay đẹp đẽ, diệu kỳ và cũng ấp ủ bao khát vọng chờ mong một nông thôn (NTM) mới toàn diện.