Cổ tích làng Mảnh
- Cập nhật: Thứ hai, 23/2/2015 | 7:43:40 AM
YBĐT - Bảy năm trôi qua song câu chuyện vận động người Mông thôn Làng Mảnh, xã Tà Si Láng, huyện Trạm Tấu chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô và trồng ngô 2 vụ trên đất dốc vẫn còn nguyên tính thời sự. Bởi từ đó đã đánh dấu sự đổi thay khi nhiều hộ gia đình người Mông giàu lên, có xe máy, ti vi… phục vụ đời sống; con cái được ăn học chính từ tiền bán ngô.
Ngô hè thu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân thôn Làng Mảnh.
|
Cùng Bí thư Đảng uỷ xã Tà Si Láng Vàng Nỏ Dia vào thăm Làng Mảnh, những nương ngô trải dài, xanh vút tầm mắt. Đúng vào vụ thu hoạch, cả vùng tấp nập hơn phố huyện. Nơi thì bẻ bắp, nơi tách hạt, tiếng nói, tiếng cười và tiếng máy tẽ hạt chạy xình xịch sôi động cả một vùng. Từng đàn ngựa nối đuôi nhau chở ngô ra Đồng Khê, Cát Thịnh ( Văn Chấn) bán, khi về, trên lưng là những vận dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.
Sinh ra và lớn lên trên đất Làng Mảnh, trải qua các cương vị: trưởng thôn, bí thư chi bộ, Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ rồi Bí thư Đảng uỷ xã Tà Si Láng nên Vàng Nỏ Dia thuộc nơi này như lòng bàn tay mình. Anh bảo, chuyện đưa ngô trồng hai vụ lên đất Làng Mảnh giống như là chuyện cổ tích. Với tư tưởng trông chờ, ỷ lại, bà con thường bỏ đất hoang sau khi thu hoạch xong ngô xuân, họ bảo nhau, chỉ cần làm thế thôi, thôn mình nghèo, xã mình nghèo, hết gạo, hết ngô thì có Nhà nước hỗ trợ, chẳng lo đói! Thế nên, những nương ngô từ bao đời cứ bị bỏ hoang một thời gian dài trong năm.
Thấy đất bỏ không thì xót, trong khi đó dân mình thì vẫn nghèo, vẫn khổ. Làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân là bài toán đặt ra cho những cán bộ, đảng viên nơi đây! Và, để vận động được người dân chuyển đổi sang trồng thêm ngô hè thu, các gia đình đảng viên phải gương mẫu đi đầu.
Với sự hỗ trợ của lãnh đạo huyện Trạm Tấu và xã, năm 2008, những “nương ngô đảng viên” được trồng ở Làng Mảnh bởi những gia đình đảng viên như: Vàng Nỏ Dia, Hờ A Cá, Vàng Gà Ly, Hờ A Vư… Dù diện tích còn khiêm tốn song sản lượng thu về năm ấy ngoài sức tưởng tượng của cán bộ nông nghiệp huyện và sự ngỡ ngàng của bà con do đất Làng Mảnh màu mỡ, khí hậu ôn hoà, thuận lợi cho cây ngô phát triển.
Từ kết quả vụ đầu, vụ hè thu năm sau, xã Tà Si Láng giao Làng Mảnh trồng 25 ha, trong đó, cán bộ, đảng viên trồng 10 ha. Bất ngờ, bà con đã đăng ký trồng 40 ha, nhưng diện tích thực tế cuối cùng là 50 ha, tăng 25 ha với kế hoạch giao, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ 1.100 kg giống, còn lại do bà con tự mua về trồng. 50 ha ngô hè thu năm thứ hai sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt từ 25 tạ/ha, có lẽ vì vậy mà Hờ A Phênh – một người dân trong thôn cười tít mắt khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về trồng ngô.
Anh tâm sự: Nếu không nghe lời cán bộ thì gia đình vẫn nghèo thôi, lấy đâu tiền để cho các con ăn học. Giờ thì thấy được hiệu quả của việc trồng ngô hai vụ rồi, mình mong sao đất này có thể trồng được 3 đến 4 vụ ngô/năm để dân mình có thu nhập gấp nhiều lần như thế!
Giờ đây ở Làng Mảnh, những diện tích nào có thể trồng ngô được là bà con tận dụng hết. Thôn có 97 hộ thì cả 100% tham gia làm ngô hè thu. Từ làm ngô hai vụ nhiều đình giàu lên nhanh chóng, điển hình như hộ ông Vàng Gà Ly, Hờ Chờ Giàng, Vàng A Kỳ, Sùng A Vư…
Bí thư Vàng Nỏ Dia hồ hởi: “Người dân ở Làng Mảnh vui một thì cán bộ, đảng viên ở đây vui mười khi công sức của họ đã được đền đáp, đặc biệt đối với cán bộ khuyến nông viên. Họ đã tích cực tuyên truyền, vận động, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cách bảo quản và thu hoạch”.
Câu chuyện về ngô, Đinh Văn Cường - cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu 7 năm qua gắn bó với mảnh đất Tà Si Láng, cũng là người trực tiếp hướng dẫn người dân nơi đây cách trồng ngô chia sẻ: “Người cán bộ, đảng viên “miệng nói, tay làm” nên người dân càng thấy tin tưởng hơn. Giờ thì không cần tuyên truyền vận động nữa, người dân trong thôn đã tự giác trồng. Từ Làng Mảnh, ngô hè thu đã lan sang các thôn Bu Cao, Bu Thấp, Chống Chùa … tạo nên vùng ngô rộng lớn”.
Thành công mô hình ngô hè thu Làng Mảnh đã giúp huyện Trạm Tấu có cơ sở để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, làm thay đổi tập quán canh tác từ 1 vụ lên 2 vụ/ năm, qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và hướng tới phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, mang tính bền vững cho vùng cao.
Không khí xuân mới đã tràn ngập khắp nơi. Tết này, người Mông Làng Mảnh còn vui hơn khi điện lưới quốc gia đã kéo về bản; đường liên thôn bản cũng đã được bê tông hoá, thắp sáng thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong niềm tin của người vùng cao, có một được tạo ra từ câu chuyện “cổ tích” của những người cán bộ, đảng viên nơi đây!
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Từ thành thị tới các vùng quê, mạch máu giao thông luôn thông suốt và không ngừng được đầu tư mở rộng, nâng cấp đã đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hóa, góp phần quan trọng để công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác đã tạo cơ hội cho kinh tế Yên Bái cất cánh trong mùa xuân mới.
YBĐT - Tết này, hơn 150 hộ người Dao ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn đã có một cái tết sung túc hơn. Chẳng là, năm nay, quế được giá. Điều đó cũng chẳng có gì lạ. Nhưng sự đặc biệt ở đây là người dân nhiều năm nay, cùng trồng, cùng chăm sóc, bảo vệ rừng quế gần bốn chục tuổi ra đời từ phong trào trồng quế nhớ ơn Bác Hồ để hôm nay, trở thành nguồn sống của thôn…
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 5 ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi (từ ngày 15-19/2), Tập đoàn đã đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn, tin cậy phục vụ hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh của các địa phương và nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của đồng bào cả nước.
YBĐT – Với giá trị thu về đạt gần 100 tỷ đồng, cam quýt đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn, khẳng định chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu cây trồng của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái...