Con đường vào xuân

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/3/2015 | 9:52:54 AM

YBĐT - Hôm khánh thành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dù lễ vui tổ chức ở hai đầu tuyến, họp báo ở Vĩnh Phúc, lễ khánh thành ở Lào Cai, anh bạn tôi ở Âu Lâu vẫn hồ hởi lắm. Anh kể con đường to đẹp chạy qua trước nhà, xe lớn xe con vút qua. Lần đầu tỉnh miền núi có con đường lớn, êm thuận như thế.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Văn Yên.
(Ảnh: Thanh Miền)
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Văn Yên. (Ảnh: Thanh Miền)

 Anh chỉ tiếc, do kỹ thuật, do an toàn giao thông mọi người không được đi bộ, đi xe đạp, xe máy trên đường mà ngắm, mà tận hưởng thành quả của những năm đổi mới trên quê hương. Rồi con tôi, kĩ sư cầu đường có việc lên Sa Pa, khi về hết lời về đường cao tốc. Rồi dân phố đi Hà Nội, đi Lào Cai về cũng nở mặt nở mày, nức nở khen đi đường cao tốc vừa nhanh, vừa êm, chẳng còn quanh co, gập ghềnh, chẳng ổ gà, ổ trâu sóc như bao năm đã từng trải.

Một tuyến đại lộ, hiện đại có tầm cỡ quốc tế đã xuất hiện ở Yên Bái, nghềnh nghềnh chạy dọc tỉnh. Đã bớt rồi cái tiếng "miền núi xa xôi" với bạn bè. Có con đường này không hẳn chỉ nhờ Trung ương, nhờ quốc tế mà có sự góp sức, góp đất, người dân đã rời nhà, bớt ruộng nương. Từ lâu tỉnh đã thấy tác dụng, thấy tầm quan trọng của những con đường. Thời còn giặc giã, còn đạn bom, sắp mở chiến dịch, tỉnh đã dồn sức, vận động dân góp cả gạo muối mở đường. Vào thời kỳ đổi mới, tỉnh đã phát động phong trào "Điện, đường, trường, trạm", đặt con đường ở vị trí hàng đầu, chỉ sau điện. Thực tế khi làm lại nghĩ đến đường là số 1, để đường đưa xe chở cột điện lên dựng ở các bản, các xã vùng cao…

Có đường rồi, cả nông sản, lâm sản mới có người, có xe đến mua, mới thành hàng hóa, mới khuyến khích sản xuất, mới nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc. Đường lên Mù Cang Chải đã xa, còn khó đi, lên huyện xa hơn về thủ đô, có đoạn mặt đường như lòng suối, xe đi chậm như người đi bộ, nay đã tốt đã êm, dù xa cũng thành gần. Rồi chịu đôi vai nặng quanh năm, con người có xe máy, thậm chí có cả ô tô. Công của con đường không nhỏ, thật dễ thấy…

Tôi còn nhớ, ngày là Hoàng Liên Sơn, tỉnh đưa thanh niên tuyến sau lên mở các tuyến đường Hoàng Liên Sơn I, Hoàng Liên Sơn II… ra vùng ven để bảo vệ, xây dựng biên giới đang khó khăn, cần chi viện giúp đỡ của hậu phương. Tôi được cử ra Sở Giao thông - Vận tải làm việc, gặp anh Vũ Tiến Chiến (anh chưa về Tỉnh ủy, chưa về Trung ương), còn là cán bộ lãnh đạo ở đây. Anh nói về tầm quan trọng của con đường với sự nghiệp phòng thủ đất nước, với nền kinh tế, đời sống nhân dân. Anh tự hào về hệ thống cầu đường mình đã có từ ngày đất nước có độc lập, tự do.

Anh còn so sánh: Thời Pháp thuộc, danh nghĩa đi "khai hóa văn minh" mà suốt 80 năm trời đằng đẵng cả tỉnh mới có 8km đường ô tô, mặt rộng 3,5m, rải đá răm. Tính ra mười năm trời mới làm được 1km đường nhỏ hẹp, rải đá răm. Các tuyến đường Yên Bái - Nghĩa Lộ, Yên Bái - Lục Yên chỉ rộng 2m đủ cho ngựa, xe con đi. Mỗi lần có xe đi, chúng lại huy động dân ra sửa đường, phục dịch khi xe bị sự cố dọc đường. Còn hầu hết trong tỉnh, đường chỉ là lối mòn dân đi mà thành. Mà các tuyến đường này địch luôn nghi ngại, gọi là "đường mèo", “đường mán", chúng cho là "sơ min nổi loạn" (tiếng Pháp chemin là đường).

Bây giờ ta có đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội lên Yên Bái có quy mô 4 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 100km/giờ. Đoạn Yên Bái đi Lào Cai có hai làn xe, hai làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80km/giờ. Đường là để thông thương giao lưu, là sự no ấm, là khôi phục, trưởng thành, là đời sống mọi người nâng cao… Ta luôn cố gắng mở mang, dù còn nghèo, còn khó, dù còn đủ mọi thứ cần đầu tư. Chỉ vài chục năm đổi mới, đường đã mở tới các trung tâm xã, rồi phấn đấu về đến bản. Không phải là đường đất như ngày nào hễ mưa là hỏng, là lầy lội, mà đường bê tông. Nhiều nơi đã hăng hái làm cả đường bê tông phẳng lỳ tới ruộng… Hôm vừa rồi, chị hàng xóm đi Nghĩa Lộ về, biết tôi quê trong đó, đã chạy sang: "Ôi trời ơi! Không ngờ trong ấy mà đông vui, khang trang thế. Nhà tầng san sát, điện sáng thâu đêm, đường đi lối lại phẳng đẹp, sạch bong. Đến đường vào bản, đường ra ruộng cũng bê tông, như đường phố…".

Ngày nào vùng Mường Lò rộn vui chuyện một gia đình nông dân người Mường ở bản Ao Luông có những hai con rể là cán bộ lãnh đạo ngành của tỉnh. Biết chuyện, nhiều người khấp khởi, ra người quê mình đâu có kém. Nhưng, vài chục năm sau, tôi gặp một chàng rể đó từ Hà Nội về thăm quê vợ, ra Yên Bái, ông bùi ngùi vẻ phiền lòng: "Bao nhiêu năm quay lại, chẳng thấy quê vợ có gì khác". Tôi hiểu mấy chục năm ấy là chiến tranh, bom đạn, hết chiến đấu phía Nam lại chiến đấu giữ đất phía Bắc. Còn bây giờ, sau ít năm đổi mới, miền quê ấy đã có nhà xây, tường rào, đường bê tông, điện sáng… Mà đây không phải là duy nhất, đang thành phổ biến.

Những vùng quê nhờ có đường mà mở mặt mở mày, mà nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần. Những con đường ấy hòa nhập vào tỉnh lộ, quốc lộ, vào đường cao tốc tầm cỡ quốc tế, như các khe suối hòa vào sông, vào biển lớn, đã là điều kiện để phát triển làm ăn, thông thương đón nhận thêm cái mới, cái tốt từ bên ngoài…

Xuân này, đường quê đã nối thông với đại lộ mới mở qua, mong rằng có thời cơ, người quê ta biết chớp lấy để có những bước tiến nhanh, tiến mạnh.

Trần Cao Đàm

Các tin khác
Nông dân xã Tuy Lộc chăm sóc những luống bắp cải cuối vụ.

YBĐT - Vào dịp sau tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng rau xanh của mọi nhà cao hơn những ngày bình thường. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu rau xanh cho thị trường trong dịp này, bà con nông dân thành phố Yên Bái tấp nập ra đồng chăm sóc và trồng mới các loại rau.

Hai ngân hàng Ocean Bank và GP Bank đều đã nằm trong tầm ngắm của NHNN.

Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015, Chính phủ đều thống nhất yêu cầu NHNN phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD, kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại các TCTD yếu kém; phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3% cuối năm 2015.

Nông dân xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn trồng cà chua cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ.

YBĐT - Xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn có gần 1.300 hộ dân, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Đảng bộ, chính quyền địa phương xác định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đổi mới cơ cấu giống lúa nhằm tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác ở tất cả 12 thôn, gắn với việc xây dựng vùng trồng màu, vùng lúa năng suất chất lượng cao, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu hướng dẫn nhân dân xã Xà Hồ gieo cấy vụ xuân. (Ảnh: Mạnh Cường)

YBĐT - Trên con đường bê tông rộng mở, lúa xuân đang phủ kín khắp cánh đồng Tà Ghênh (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu). Từng tốp trai làng, gái bản xúng xính trang phục dân tộc du xuân. Họ tung tăng, tình tứ như đôi chim rừng vừa đi vừa hát những giai điệu mùa xuân. Xuân đến, lòng người thêm phấn chấn. Càng vui hơn khi xuân này bà con được đón tết trong ấm no, đủ đầy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục