Bước tiến dài ở vùng cao Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 10/3/2015 | 9:49:17 AM
YBĐT - Năm 2014, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, huyện Mù Cang Chải không nhận gạo cứu đói giáp hạt cho dân từ cấp trên. Điều đó không có nghĩa là huyện không còn hộ phải cứu đói mà toàn huyện còn hơn 600 hộ nhận trợ cấp lương thực nhưng là từ kho dự trữ của huyện. Đó là một sự đổi thay kỳ diệu đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải - 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước khi đã có thể tự mình "lo" được lương thực cho dân.
|
Từ khó khăn...
Một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải nhiệm kỳ 2011-2015 là đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 10 nghìn hộ dân. Đó là vấn đề không hề đơn giản đối với một huyện vùng cao còn vô vàn khó khăn khi mà vẫn còn hơn một nửa số hộ dân là hộ nghèo và hơn 2.000 người phải cứu đói giáp hạt. Cái khó nữa là sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém, đặc biệt là sản xuất vụ đông xuân hàng năm, ngoài điều kiện khắc nghiệt của thời tiết thì tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước ở một bộ phận nhân dân còn nặng nề; chưa có ý thức vươn lên để thoát nghèo, quen với tập quán sản xuất một vụ; chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không có sự đầu tư, chăm bón dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Cũng chính từ tư tưởng, nhận thức hạn chế của người dân làm cho công tác chỉ đạo sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhiều diện tích đủ điều kiện canh tác nhưng chưa tận dụng tốt.
Nhớ lại đợt rét lịch sử năm 2008, Mù Cang Chải có đến 50% số mạ cấy vụ đông xuân bị chết rét, nguy cơ mất trắng rất cao. Để khắc phục hậu quả đợt rét, tỉnh phải tăng cường cán bộ nông nghiệp cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trạm Khuyến nông huyện ăn, ngủ tại các xã để gieo lại mạ. Người dân chỉ việc chờ đợi đến lúc mạ đủ ngày đem cấy. Và cũng từ đó, vụ đông xuân hàng năm ở Mù Cang Chải, cán bộ nông nghiệp huyện đều phải trực tiếp về các xã để làm mạ cho dân. Sản xuất nông nghiệp của huyện cứ ì ạch như một cỗ máy nặng nề khó vận hành.
Tính đến năm 2011, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện chỉ đạt trên 21 nghìn tấn, trong đó diện tích lúa mùa 2.150ha, vụ đông xuân 760ha, năng suất lúa trung bình chỉ đạt 35 tạ/ha; diện tích ngô 2.500ha, năng suất trung bình 25,5 tạ/ha và hàng năm vẫn có đến 30-40% số hộ phải cứu đói giáp hạt.
...Đến các đòn bẩy chính sách
Trong những ngày đầu năm 2015, chúng tôi có dịp đến xã Khao Mang và cũng là thời điểm người dân vừa cấy xong 172ha lúa đông xuân. Ông Trương Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Diện tích vụ đông xuân năm nay xã tăng 10ha so với vụ trước, cơ cấu 100% là các giống lúa lai. Có được kết quả đó là do xã đã được đầu tư nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ, nhiều diện tích khô hạn trước đây không thể sản xuất nay đã được khắc phục. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, người dân đã có ý thức tốt hơn, cũng đã có sự đầu tư về phân bón, chuyển đổi cơ cấu giống, nhờ đó năng suất vụ này ước tính có thể đạt 52 tạ/ha".
Ông Giàng A Tông - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải nói trong tự hào: "Năm 2014 vừa qua, đặt biệt là dịp tết Ất Mùi, huyện Mù Cang Chải không đề nghị tỉnh phải cứu đói giáp hạt. Từ kho dự trữ lương thực, huyện đã xuất ra 31 tấn gạo cấp cho 638 hộ dân phải cứu đói. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đến nay cơ bản huyện đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ".
Bây giờ, đến với huyện vùng cao này, chúng tôi có thể cảm nhận một sự đổi thay, ấm no. Điều này khẳng định những chính sách trong thời gian qua của Chính phủ, của tỉnh, huyện, các chương trình 30a, 134, 135, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp… đã đi vào cuộc sống, trực tiếp làm thay đổi diện mạo huyện vùng cao Mù Cang Chải, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ 100% giống lúa của vụ đông xuân và 60% giống vụ mùa cho nhân dân.
Đồng thời, hàng loạt công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư, giúp cho nhiều diện tích trước đây chỉ sản xuất được một vụ nay đã làm được hai vụ. Việc tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất như: giống lúa Nhị ưu 838, TH3-3, Việt lai 20, Thục hưng 6... góp phần tăng mạnh diện tích, năng suất, sản lượng. Sau 4 năm, tổng sản lượng lương thực của huyện đã đạt 32.867 tấn, tăng 11.800 tấn so với năm 2011. Diện tích lúa đông xuân cũng tăng từ 760ha năm 2011 lên 1.205ha năm 2014.
Cán bộ nông nghiệp xã Khao Mang kiểm tra lúa xuân.
Vấn đề cần khắc phục
Năm 2013, trong quá trình thực hiện đo đạc lại diện tích đất đai tại xã Mồ Dề theo Nghị quyết số 06 của tỉnh về sắp xếp lại đất sản xuất ở vùng cao, kết quả trong các loại đất thực hiện đo đếm thì diện tích sản xuất lúa của xã tăng so với thực tế tới trên 100ha. Nhiều xã khác tuy chưa thực hiện đo đạc cụ thể nhưng diện tích lúa cũng lớn hơn thực tế rất nhiều.
Chủ tịch Khao Mang Trương Đăng Hùng cho biết: "Diện tích lúa nước của xã trên kế hoạch chỉ 210ha nhưng diện tích thực tế có thể lên tới 250ha. Nguyên nhân có sự chênh lệch này là do nhiều năm nay người dân tự khai hoang rất nhiều ngoài các nguồn hỗ trợ khai hoang của Nhà nước nhưng diện tích này không được thống kê đầy đủ". Hiện nay, tổng diện tích lúa nước của huyện Mù Cang Chải là 2.910ha, tuy nhiên diện tích thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. Do vậy, vấn đề hiện nay là cần phải có cuộc rà soát đo đạc tổng thể xác định lại chính xác diện tích lúa nước trên địa bàn huyện làm cơ sở cho công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng mục tiêu, kế hoạch dài hơi.
Bên cạnh đó, Mù Cang Chải cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia sản xuất tăng vụ cũng như nâng cao hiệu quả canh tác; xây dựng và bổ sung vào các hương ước của thôn, bản như: cam kết không thả rông gia súc làm phá hoại sản xuất. Để làm thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì cần quy định trong hương ước nếu hộ nghèo không thực hiện sản xuất vụ đông xuân thì không được nhận các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, vận động nhiều lần vẫn không làm thì kiên quyết đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Về tổng thể, Mù Cang Chải cơ bản đã có thể bảo đảm an ninh lương thực. Với tổng sản lượng lương thực năm 2014 đạt 32.867 tấn, vượt 122% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, tuy nhiên, số hộ nghèo của huyện vẫn còn tới 56% và trên 600 hộ trong diện phải cứu đói giáp hạt. Giảm số hộ nghèo, đảm bảo không còn hộ phải cứu đói tiếp tục là nhiệm vụ khó khăn đối với Mù Cang Chải trong những năm tới. Nhưng với kết quả đạt được hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng Đảng bộ và nhân dân Mù Cang Chải sẽ tiếp tục giành được những kết quả nổi bật trong thời gian tới.
Anh Dũng
Các tin khác
Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2007/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực
Trọng tâm năm 2015, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.
YBĐT - Dù chỉ là "nghề phụ" mỗi khi nông nhàn nhưng nhiều năm nay việc làm chổi chít thành phẩm lại giúp cho hàng chục hộ gia đình ở phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình. Hiệu quả từ "nghề phụ" này là điều không cần bàn cãi nhưng để trở thành "nghề chính", nông dân có thu nhập cao, ổn định thì vẫn cần những giải pháp, sự định hướng của các cấp, ngành và chính quyền địa phương.
Sau năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng tuyến đường sắt mới với tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến 200 km/h.