Cần chủ động chặn "giặc lửa"
- Cập nhật: Thứ ba, 24/3/2015 | 9:52:52 AM
YBĐT - Thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày qua đã đẩy những cánh rừng ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh lên cấp nguy hiểm. Để hạn chế cháy rừng xảy ra, lực lượng kiểm lâm hiện đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn đồng bào Mông xã Suối Bu cách làm đường ranh cản lửa.
|
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 2 huyện Trạm Tấu, Văn Chấn đã nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nếu cháy rừng xảy ra thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa, với tốc độ lan tràn rất nhanh. Hiện nay, huyện Văn Chấn có 62.000ha rừng, do thời tiết khô hanh kéo dài đã đẩy nhiều cánh rừng trên địa bàn các xã như: Gia Hội, Nậm Lành, Suối Giàng, Sơn Thịnh, Nậm Búng, Tú Lệ, Cát Thịnh như nằm trên chảo lửa. Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện đã xây dựng các kế hoạch bảo vệ rừng (BVR), PCCCR gửi tới các xã, thị trấn trên địa bàn, cán bộ kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình trạng phát phá, đốt rừng gây cháy rừng.
Các xã, thị trấn và thôn, bản kiện toàn các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng (BVR) và PCCCR, sẵn sàng ứng cứu khi cháy rừng xảy ra; yêu cầu từng chủ hộ gia đình ký cam kết thực hiện các biện pháp PCCCR; bổ sung công cụ chữa cháy của các tổ, đội PCCCR. Đặc biệt, Hạt đã tăng cường cán bộ xuống các địa bàn xung yếu, có nguy cơ cháy rừng cao, thường trực 24/24 giờ, tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ban chỉ huy PCCCR các xã, thị trấn thống kê diện tích, địa điểm chủ hộ có nương dự kiến đốt hoặc lên lịch đốt cho từng khu vực sản xuất nương, rẫy để kiểm soát; thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến của thời tiết, kịp thời ra thông báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng.
Theo thống kê, huyện Trạm Tấu có trên 39.631ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên 28.917ha, rừng trồng 10.714ha. Mùa khô hanh năm 2013 - 2014, trên địa bàn đã xảy ra 3 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 585,7ha chủ yếu là rừng tái sinh. Những vụ cháy rừng ở đây đều xuất phát từ sự bất cẩn của người dân khi đốt rừng, làm nương rẫy, đốt các bãi chăn thả gia súc. Mới đây nhất, trên địa bàn huyện đã xảy ra vụ cháy rừng tại khu vực bản Sáng Pao, xã Xà Hồ, gây thiệt hại khoảng 90ha rừng khoanh nuôi tái sinh của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện.
Ngay sau khi đám cháy xảy ra, huyện đã huy động khoảng gần 1.000 người là cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, cán bộ kiểm lâm, dân quân tự vệ cùng cán bộ và nhân dân các xã trên địa bàn tham gia chữa cháy. Do thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" nên đám cháy đã được dập tắt và khống chế. Để PCCCR, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác BVR, PCCCR và quản lý lâm sản. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, thống kê nương rẫy ở các xã, kiểm soát đốt, cưỡng chế đốt các mảnh nương, bãi chăn thả ở các khu vực có nguy cơ cao. Đặc biệt, thời điểm này, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường 100% cán bộ kiểm lâm xuống các bản để nắm bắt tình hình, theo dõi diễn biến thời tiết và tuyên truyền đến người dân về công tác PCCCR.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ra các công điện chỉ đạo các hạt kiểm lâm bố trí nhân lực chủ động trong phòng, chống cháy rừng; thành lập các đoàn kiểm tra, các chủ rừng và các đơn vị trực thuộc để tăng cường công tác PCCCR. Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ rừng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy như: làm đường ranh cản lửa, xử lý các vật liệu gây cháy; tổ chức ký cam kết BVR và PCCCR với các hộ dân; quản lý chặt chẽ việc đốt nương, rẫy; thường xuyên tuần tra, trực gác, theo dõi dự báo cháy để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy, đồng thời, đầu tư các trang thiết bị, công cụ và nhân lực cho các vùng trọng điểm về cháy rừng. Những ngày tới, tình trạng khô hanh và nắng nóng sẽ còn tiếp tục, nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao.
Để hạn chế thiệt hại do "giặc lửa" gây ra, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các chủ rừng về công tác BVR, PCCCR. Các địa phương, cán bộ kiểm lâm địa bàn phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nương rẫy, chủ hộ phát nương. Khi đốt nương, rẫy phải chỉ đạo làm đường băng cản lửa an toàn, bảo đảm không cháy lan và kiên quyết không cho đốt nương vào những ngày hanh khô, có gió to.
Văn Thông
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ đồng ý việc ngừng lưu thông trên thị trường nội địa sản phẩm dầu Diesel 0,25%S (DO 0,25%S) từ ngày 1-1-2016.
YBĐT - Thời gian này, đến xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), đâu đâu cũng bắt gặp người dân hăng hái lao động, sản xuất, tích cực chăm sóc cây lúa vụ đông xuân.
YBĐT - Văn Yên là huyện có nhiều dân tộc sinh sống. Đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo theo Quyết định 102, hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, dự án định canh định cư, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất... đã tạo tiền đề cho đồng bào vươn lên xóa đói giảm nghèo. Các chương trình, dự án đầu tư đã mang lại diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu chính khi thực hiện đề án này là sẽ đưa gạo Việt Nam thành thương hiệu hàng đầu thế giới.